Văn hóa ứng xử trong trường học: Cách nào cho hiệu quả?

GD&TĐ - Hàng chục trường đại học trên cả nước nhiều năm nay công khai danh sách sinh viên nợ học phí với thông tin cá nhân chi tiết.

Sinh viên tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng
Sinh viên tại Ngày hội việc làm Trường Đại học Công Thương TPHCM. Ảnh: Mạnh Tùng

Có trường còn công khai danh sách sinh viên bị kỷ luật, cảnh cáo học vụ, buộc thôi học… trên website.

Giải pháp bất đắc dĩ

Thời gian qua, sự việc Trường Đại học Tài chính - Marketing (TPHCM) công bố danh sách hơn 2 nghìn sinh viên còn nợ học phí trong năm 2023 lên cổng thông tin điện tử của trường (trang web) gây xôn xao dư luận. Bảng danh sách này có đầy đủ tên sinh viên kèm mã số, lớp, số tiền còn nợ. Không chỉ năm nay, từ nhiều năm trước, Trường Đại học Tài chính - Marketing liên tục cập nhật danh sách sinh viên nợ học phí ở những thời điểm khác nhau. Câu chuyện được chia sẻ trên nhiều diễn đàn, trang cá nhân trên mạng xã hội với những ý kiến trái chiều.

Đại diện của nhiều trường đại học cùng cách giải thích cho việc đăng tải thông tin sinh viên nợ học phí trên trang web. Theo đó, nhiều trường hợp sinh viên đóng tiền học phí nhưng ghi sai mã số sinh viên hoặc chuyển nhầm tài khoản.

Bởi nhiều lý do khách quan, quá trình hoàn tất đóng học phí của sinh viên gián đoạn, chưa được cập nhật. Do đó, nhà trường đăng tải thông tin công khai để sinh viên kiểm dò.

Theo ghi nhận, đây không phải là trường đại học duy nhất công khai danh sách sinh viên nợ học phí trên cổng thông tin. Cách làm này được nhiều đơn vị áp dụng, không chỉ với sinh viên nợ tiền học phí mà còn với người chưa đóng tiền bảo hiểm y tế bắt buộc…

Chỉ cần gõ cụm từ “danh sách sinh viên nợ học phí” trên thanh tìm kiếm Google, có thể tìm hàng trăm kết quả danh sách sinh viên nợ học phí, sinh viên gia hạn học phí, bị cấm thi, bị hủy môn học vì nợ học phí… của hàng loạt trường đại học, từ Bắc chí Nam. Có thể kể tên các trường như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải, Trường Đại học Đồng Nai, Trường Đại học Sài Gòn.

Một số trường đăng tải danh sách sinh viên xin gia hạn nộp học phí như Trường Đại học Công Thương TPHCM, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM)… Tùy theo từng trường mà danh sách này mang tên “nợ học phí”, “nhắc nhở đóng học phí”, hay “cấm thi vì nợ học phí”. Thậm chí, có khóa sinh viên đã ra trường nhưng thông tin bị nhắc nợ vẫn lưu trên các trang điện tử, diễn đàn sinh viên.

Tại Trường Đại học Sài Gòn, vào mỗi học kỳ, phòng Kế hoạch - Tài chính đều gửi danh sách sinh viên chính quy ngoài sư phạm chưa hoàn tất học phí và học phí học lại để các khoa thông báo đến sinh viên. Danh sách này sau đó được đăng trên trang web nhà trường. Sinh viên có tên trong danh sách trên sẽ bị hủy đăng ký môn học của học kỳ đó, đồng thời chịu mọi hình thức kỷ luật theo quy định của nhà trường.

Trao đổi về vấn đề này, ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Công Thương cho biết, trường và nhiều đơn vị khác vẫn đăng tải danh sách sinh viên nợ học phí, gia hạn học phí… lên cổng thông tin. Danh sách này đầy đủ thông tin như họ tên, mã số sinh viên, ngành học. Ông Sơn nhìn nhận, việc làm này không hay nhưng trong bối cảnh hiện tại, khó có giải pháp khác.

Theo ông Sơn, nhà trường có hệ thống nội bộ, mỗi sinh viên đều có tài khoản để đăng ký học phần, xem thời khóa biểu, bảng điểm, học phí và nhận các thông báo của trường. Tuy vậy, nhiều em không thường xuyên cập nhật nên sẽ không nhận được các thông báo này. Do đó, việc đăng tải công khai danh sách sẽ giúp lan tỏa thông tin, các em có thể xem và nhắc nhở bạn cùng thực hiện.

Những con số giật mình

Trên trang web phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Giao thông Vận tải TPHCM có nhiều mục đăng tải thông tin của sinh viên, như khen thưởng, kỷ luật, quy chế - quy định. Trong đó, riêng mục kỷ luật có đăng tải hàng loạt thông báo quyết định kỷ luật, buộc thôi học, tạm khoá truy cập trang cá nhân sinh viên do nợ học phí… Danh sách mỗi thông báo từ vài chục đến cả trăm người.

Tương tự, trang web phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sài Gòn đăng hàng loạt danh sách sinh viên bị cảnh báo, buộc thôi học vì nghỉ học quá hạn; thông báo kết quả điểm rèn luyện. Trên trang web phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM, nhiều người cũng dễ dàng tải được các danh sách sinh viên bị hạ điểm rèn luyện vì vi phạm quy chế thi, sinh viên bị kỷ luật, vi phạm quy chế học đường…

Danh sách sinh viên bị xử lý kỷ luật được công khai ở các trường đại học có thể lên đến con số vài trăm, thậm chí hàng nghìn. Có thể nêu ra một số ví dụ điển hình. Tháng 4/2016, sau khi rà soát sinh viên vắng mặt, bỏ học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM công bố danh sách 617 sinh viên (từ K37 đến K40) bị buộc thôi học. Đây là số sinh viên bị kỷ luật cao nhất của Trường Đại học Sư phạm TPHCM trong nhiều năm. Trước đó, trong đợt xét kỷ luật năm học 2014 - 2015, trường đã buộc thôi học 290 sinh viên.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng công bố danh sách hơn 130 sinh viên dự kiến bị buộc thôi học từ học kỳ II năm học 2015 - 2016 vì tự ý bỏ học, điểm trung bình tích lũy là 0. Đồng thời, gần 100 sinh viên khác của trường này cũng bị cảnh cáo học vụ vì vi phạm một trong các lỗi không đóng học phí theo quy định, không đạt số tín chỉ tối thiểu do trường quy định cho ngành đào tạo trong một học kỳ hoặc có điểm trung bình trong học kỳ đầu dưới 3.

Tháng 6/2016, Trường Đại học Nông lâm TPHCM đăng trên trang web quyết định buộc thôi học gần 1 nghìn sinh viên hệ đại học, cao đẳng từ học kỳ III năm học 2016 - 2017, gồm 103 sinh viên liên thông đại học hệ chính quy và 554 sinh viên cao đẳng hệ chính quy về cùng lý do “không đăng ký môn học trong hai học kỳ liên tiếp năm học này”. Ngoài ra, 109 sinh viên cao đẳng chính quy và 180 sinh viên đại học chính quy bị cho thôi học do cảnh cáo học vụ lần 3.

Tháng 10/2018, Trường Đại học Luật TPHCM công bố danh sách 169 sinh viên các lớp chính quy văn bằng một và hai, dự kiến bị cảnh báo học vụ, đình chỉ một năm hoặc buộc thôi học vì kết quả học tập yếu kém năm 2017 - 2018. Cùng thời gian này, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cảnh báo buộc thôi học 438 sinh viên khóa 2016 do không nộp bằng tốt nghiệp THPT.

Việc làm này của trường được đưa ra căn cứ trên quy chế đào tạo, tức sau một năm học chính thức, sinh viên phải nộp bản chính bằng tốt nghiệp THPT để trường kiểm tra và đối chiếu hồ sơ. Với thông báo cuối cùng này, nếu sinh viên không kịp thời bổ sung trường sẽ ra quyết định buộc thôi học.

Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng

Sinh viên Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: Mạnh Tùng

Cần có sự tôn trọng

Chia sẻ của nhiều sinh viên, việc đăng tải các thông tin này là cách làm vô cảm, thiếu tôn trọng người học của nhà trường. V.Đ.D. - sinh viên một trường đại học ở TPHCM từng bị nêu tên trong thông báo cảnh báo học vụ chia sẻ, bản thân cảm thấy “xấu hổ, có lỗi với gia đình”. D. kể, học kỳ I năm học 2022 - 2023, do vướng vào chuyện cá nhân, cậu bị “sốc tâm lý”. Suốt học kỳ này, D. không đến lớp, bỏ thi. Tuy nhiên, D. vẫn theo dõi tiến độ học tập từ một số người bạn thân cùng lớp.

“Em tính sang học kỳ II sẽ đăng ký lại các môn học để học bù học kỳ I, cũng không muốn kể với gia đình chuyện này để người nhà không lo lắng. Em muốn tự mình vượt qua thử thách. Nhưng thật bất ngờ khi nhà trường đăng tên mình ở diện cảnh cáo học vụ trên trang web”, D. kể.

Khi gia đình biết được thông tin này, D. bị “chất vấn” và cậu buộc phải nói ra sự thật. Dù cha mẹ hiểu chuyện, bỏ qua mọi việc nhưng nam sinh không khỏi áy náy. “Không chỉ xấu hổ với gia đình, việc đăng tải thông tin như vậy còn làm em tự ti trước bạn bè cùng lớp. Em nghĩ nên có cách thông báo tế nhị hơn”, D. nói.

Dù chưa trở thành “nạn nhân”, song Đặng Trung Đức - sinh viên năm 2, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng bày tỏ sự bức xúc với việc nhiều trường đăng tải thông tin cá nhân của người học công khai.

“Bạn của em học ở trường khác cũng bị nêu tên trong một thông báo về học phí, dù đó là lỗi trục trặc kỹ thuật ở khâu ghi nhận đóng tiền. Ngay sau đó, sự việc được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, thông tin bạn ấy nợ học phí thì vẫn còn đó, trông rất khó coi”, Đức nói. Theo nam sinh này, các trường đại học nên có cách thông tin khéo léo, tế nhị và bảo mật thông tin của người học hơn.

Ở vai trò phụ huynh, ông Nguyễn Văn Lưu (45 tuổi, ngụ TP Pleiku, Gia Lai), có con theo học Đại học Kinh tế TPHCM nêu quan điểm: Dù rất muốn biết con mình có học hành nghiêm túc hay không, đóng học phí đầy đủ chưa, nhưng không muốn biết theo kiểu trưng giữa “chợ trời” như các trường đang làm.

“Hoàn toàn có thể thông báo cho sinh viên, phụ huynh bằng tin nhắn điện thoại, email hoặc các ứng dụng khác. Việc này là bảo vệ cho chính sinh viên, đồng thời thể hiện sự tôn trọng của nhà trường với người học”, ông Lưu nêu quan điểm.

Theo các chuyên gia an ninh mạng, việc nhà trường vô tư đăng tải danh sách sinh viên nợ học phí, nợ môn, cảnh cáo học vụ, kỷ luật… trên trang web làm rò rỉ thông tin cá nhân, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể, kẻ gian có thể truy tìm và hệ thống thông tin của sinh viên này thành các tệp dữ liệu phục vụ cho các mục đích xấu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ