Dù quy định về thời hạn nộp học phí đã được thông báo công khai nhưng với từng trường hợp, các cơ sở giáo dục đại học cần có phương án giải quyết, bảo đảm hài hòa lợi ích đôi bên.
Gắn với kết quả học tập
Theo PGS.TS Trương Đại Lượng - Trưởng phòng Đào tạo, Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế (Trường ĐH Văn hóa), mỗi năm có khoảng vài trăm sinh viên nợ học phí quá thời hạn quy định; thậm chí có em nợ 1 học kỳ. Nhà trường không áp dụng hình thức “bêu tên” nhưng sẽ nhắc nhở và yêu cầu sinh viên nộp học phí đúng thời gian. Việc này được thông báo đến các khoa chuyên môn, sau đó khoa có trách nhiệm thông báo để các em nắm được.
“Thông thường, nhà trường sẽ gia hạn trong khoảng thời gian nhất định (khoảng 1 - 2 tuần) để các em hoàn tất nghĩa vụ nộp học phí. Nếu quá thời hạn mà không có lý do chính đáng, nhà trường sẽ áp dụng hình thức không công nhận kết quả học tập. Khi nào sinh viên nộp đầy đủ học phí và có đơn trình bày lý do chính đáng thì nhà trường sẽ xem xét để khôi phục kết quả”, PGS.TS Trương Đại Lượng trao đổi và cho biết, với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện chính sách ưu tiên sẽ được thụ hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Những sinh viên này được xem xét về việc chậm nộp học phí hơn so với các bạn khác.
Hiện, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội đào tạo gần 30 nghìn sinh viên. PGS.TS Phạm Văn Bổng - Phó Hiệu trưởng cho biết, từ khi ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình nộp học phí, số sinh viên nợ, chậm nộp học phí so với thời gian quy định đã giảm đáng kể. Theo đó, mỗi em sẽ được cấp tài khoản để đóng học phí. Tài khoản này liên thông với việc đăng ký học tín chỉ học tập. Nếu sinh viên nộp không đúng hạn, tài khoản tự động đóng và không thể đăng ký môn học.
Hệ thống phần mềm tự động tính toán số tiền học phí mà sinh viên đang “nợ” tương ứng với bao nhiêu tín chỉ/môn. Giả sử sinh viên nợ 5 triệu đồng, hệ thống sẽ khóa chức năng đăng ký một số tín chỉ tương ứng với số tiền. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Văn Bổng, cách làm trên cũng có rủi ro.
Nhiều trường hợp nợ học phí, trong đó có em không đăng ký được các môn học nên không đủ điều kiện để tiếp tục học và chấp nhận nghỉ. Vì thế, nhà trường không thu hồi được toàn bộ chi phí đào tạo của sinh viên thời gian trước đó.
Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen. Ảnh: Website của trường |
Quy định công khai
Trường ĐH Hoa Sen (TP Hồ Chí Minh) có quy định cụ thể về đăng ký môn học và nghĩa vụ học phí của sinh viên, bà Nguyễn Thị Tuyết Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Trải nghiệm việc làm sinh viên cho hay. Theo đó, trước mỗi học kỳ, phòng Đào tạo gửi thông báo để sinh viên đăng ký môn học. Phòng Tài chính thông báo về việc đóng tiền học phí và thời hạn để sinh viên sắp xếp hoàn thành nghĩa vụ này trước mỗi học kỳ.
Trường hợp không thể hoàn thành đúng thời hạn, người học viết đơn, kèm lý do, minh chứng để nhà trường xem xét giải quyết theo từng trường hợp cụ thể. Với sinh viên không hoàn thành nghĩa vụ học phí bị hủy môn học đã đăng ký.
TS Dương Đăng Khoa - Hiệu trưởng Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) đã ký Quyết định về việc ban hành Quy định về nghĩa vụ nộp học phí và hình thức xử lý đối với người học nộp học phí không đúng quy định. Theo đó, người học có nghĩa vụ nộp học phí đúng thời hạn theo Quy định của nhà trường. Thời hạn nộp học phí và các khoản phí theo học kỳ như sau: Học kỳ I: Từ ngày 5/7 đến hết ngày 5/9 hằng năm. Học kỳ II: Từ ngày 5/1 đến hết ngày 5/3 hằng năm.
Về việc xử lý đối với người học nộp học phí không đúng thời hạn, Trường ĐH Võ Trường Toản quy định: Người học không nộp học phí đúng thời hạn sẽ không được mở quyền đăng ký học phần và bị cấm thi toàn bộ các học phần của học kỳ tương ứng. Nhà trường gửi thông báo tình trạng nợ học phí về gia đình của người học nợ học phí.
Người học không nộp học phí đúng thời hạn sẽ bị trừ điểm rèn luyện trong học kỳ tương ứng. Người học không nộp học phí 1 học kỳ mà muốn tiếp tục học ở học kỳ liền kề phải đóng tiền đầy đủ cả học kỳ đang học và học kỳ còn nợ, thực hiện các thủ tục nhập học lại theo quy định của nhà trường.
Người học không nộp học phí từ 2 học kỳ trở lên thì không nhận được thông báo đóng học phí từ học kỳ thứ 3 trở về sau. Người học muốn tiếp tục học ở học kỳ kế tiếp phải đóng tiền học phí đầy đủ cả học kỳ đang học và các học kỳ còn nợ học phí, thực hiện các thủ tục nhập học lại theo quy định của nhà trường.
Người học còn nợ học phí học kỳ muốn xin thôi học phải đóng tiền học phí đầy đủ các học kỳ còn nợ học phí và hoàn thành học phí tại Quy định mức học phí xin thôi học hoặc chuyển trường đối với sinh viên tại Trường ĐH Võ Trường Toản. Thời gian đào tạo bị kéo dài (nếu có) do việc chậm, nợ học phí sẽ được tính vào thời hạn đào tạo tối đa theo quy chế của nhà trường. Việc chậm, nợ học phí là một trong các tiêu chí được kết hợp với quy định khác trong việc xét thi đua, khen thưởng, học bổng và xử lý học vụ.
Theo Thông báo nộp học phí học kỳ II năm học 2023 - 2024 đối với sinh viên trình độ đại học hệ chính quy chương trình đại trà của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) do Hiệu trưởng Trần Lê Quan ký phát hành, sinh viên phải đóng học phí học kỳ II năm học 2023 - 2024 để được dự thi cuối học kỳ.
Sinh viên không đóng học phí đúng quy định sẽ không được đăng ký học phần vào đầu học kỳ kế tiếp và bị xử lý học vụ theo quy định hiện hành. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nếu có nguyện vọng được gia hạn đóng học phí sẽ thực hiện theo quy định của nhà trường.
Hiện, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo theo tín chỉ; do đó sinh viên nên cân đối học phí trước khi đăng ký môn học, PGS.TS Phạm Văn Bổng khuyến cáo. Để tránh áp lực về tài chính và học tập, sinh viên nên đăng ký vừa đủ số môn. Trường hợp không thể đóng học phí do yếu tố khách quan, các em có thể làm đơn xin gia hạn.