Văn hóa học đường từ các mối quan hệ trong nhà trường

GD&TĐ - Văn hóa học đường là một khái niệm tương đối trừu tượng.

Giá trị trong giáo dục của mỗi thế hệ là niềm tự hào khi được học dưới mái trường mình yêu thích. Ảnh minh họa
Giá trị trong giáo dục của mỗi thế hệ là niềm tự hào khi được học dưới mái trường mình yêu thích. Ảnh minh họa

Đó là cách mà nhà trường vận hành các công việc hàng ngày, là các giá trị mà nhà trường duy trì và theo đuổi, là truyền thống, là cách mọi người ứng xử với nhau, là môi trường để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ sống có hoài bão. 

Tác động đến thái độ học sinh và giáo viên

Mỗi trường đều có đặc điểm riêng, mang lại cảm giác khác biệt cho những con người làm việc hàng ngày trong môi trường đó, cho học sinh, cho phụ huynh cũng như khách đến thăm trường. Môi trường và văn hóa học đường tích cực là một môi trường trong đó học sinh được coi là mục đích giáo dục chứ không phải là vấn đề cần giải quyết.

Văn hóa học đường quan tâm và kết nối tất cả các bên liên quan trong nhà trường để họ cảm thấy được nhìn thấy, có giá trị và được lắng nghe. Học sinh cảm thấy an toàn, được phản hồi và được mắc lỗi, tạo môi trường giáo dục có nhiều động lực hơn để khám phá, học hỏi, và từ đó, có những đóng góp tích cực cho văn hóa và môi trường học đường.

Văn hóa học đường bao gồm những ảnh hưởng và thái độ tiềm ẩn bên trong nhà trường - dựa trên các chuẩn mực, truyền thống và niềm tin của giáo viên, nhân viên và học sinh, nó liên quan đến cách giáo viên tương tác với nhau, với học sinh, phụ huynh học sinh và cả với lãnh đạo.

Văn hóa học đường tích cực là nơi mà những nỗ lực của bạn được chuyển thành những trải nghiệm tích cực cho cả giáo viên - nhân viên và học sinh. Việc xây dựng một văn hóa học đường tích cực phụ thuộc nhiều vào cách nhìn, quan điểm của lãnh đạo nhà trường. Văn hóa học đường ảnh hưởng và được xây dựng từ nhiều phía: Bên trong nhà trường, bên ngoài nhà trường và bối cảnh xã hội.

Với vai trò là một lãnh đạo nhà trường, tôi cho rằng vai trò của người lãnh đạo trường học có thể được xác định theo ba bước cơ bản: Phân tích và hiểu văn hóa hiện tại của trường bạn; Xác định yếu tố nào là tích cực và yếu tố nào là chưa tích cực; Rút ra các yếu tố tích cực của văn hóa trường học của bạn và bao gồm các giá trị, thái độ hoặc phẩm chất khác mà bạn muốn thấy ở trường học của mình.

Một số yếu tố tăng cường văn hóa học đường

Nội quy trường học và lớp học được xây dựng trên hệ thống giá trị của nhà trường. Mọi người đều hình dung ra chân dung con người của mình khi trở thành thành viên của nhà trường. Điều này giúp giáo viên, nhân viên, học sinh và cả lãnh đạo nhà trường luôn học hỏi không chỉ những việc nên và không nên làm, mà còn tại sao nên hoặc không nên làm điều đó, từ đó nhận thấy việc thực hiện và phát huy các giá trị nhà trường không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là niềm tự hào.

Khi các quy tắc không được tuân theo, kỷ luật phải được thực hiện. Tuy nhiên, mở rộng phạm vi các phương pháp kỷ luật có thể giúp khuyến khích một nền văn hóa học đường tích cực. Thay vì liên tục “dập lửa”, hãy áp dụng một cách tiếp cận kỷ luật chủ động, tích cực hơn.

Bên cạnh việc đề ra Kỷ luật nhất quán thì lãnh đạo nhà trường cũng cần xây dựng một “điều khoản” khen thưởng kịp thời. Khen ngợi giúp các thành viên trong nhà trường cảm thấy rằng họ được quan tâm đến từng cá nhân. Mỗi giáo viên đều xây dựng một khung khen thưởng thường xuyên, đột xuất cho học sinh, khuyến khích giáo viên đưa ra những lời khen cụ thể nêu bật những gì cá nhân học sinh đã hoàn thành tốt.

Vai trò làm gương của lãnh đạo có tính chất quyết định văn hóa học đường nơi lãnh đạo đó công tác. Chúng ta vẫn có câu “Cán bộ nào, phong trào ấy”. Người đứng đầu đặc biệt là ở trường học, là người cao nhất trực tiếp đưa ra những quyết định ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Qua hoạt động, hành động của mình, giáo viên, học sinh có thể thấy rõ nhất, nổi bật nhất mối liên hệ giữa lãnh đạo và văn hóa học đường.

Việc tạo ra những khoảng thời gian thích hợp và đầy ý nghĩa để giáo viên và học sinh cùng trải nghiệm giúp giáo viên và cả học sinh có cơ hội thể hiện năng lực, năng khiếu, tăng cường giao tiếp, kết nối thư giãn không chỉ giúp họ sảng khoái hơn khi quay lại với không gian học tập, mà còn tạo ra cả một khung trời kỷ niệm tươi đẹp và khó quên trong thế giới học đường.

Cha mẹ học sinh không chỉ là khách hàng nhận dịch vụ giáo dục từ nhà trường, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục và xây dựng nền văn hóa học đường. Trao đổi thông tin cởi mở, rõ ràng với cha mẹ học sinh có thể giúp tránh hiểu lầm và xóa bỏ cảm giác không tin tưởng từ phía họ.

Hãy khuyến khích giáo viên thử các phương pháp giảng dạy mới, tổ chức các cuộc thi, các chuyên đề thường xuyên để thảo luận về nghiên cứu mới về phương pháp giảng dạy hoặc công nghệ giảng dạy mới. Đừng lo giáo viên không đồng ý vì sợ họ mất thời gian. Suốt 25 năm qua, các cuộc thi chuyên môn của Trường Đoàn Thị Điểm Hà Nội luôn thu hút hầu hết cán bộ, giáo viên tham gia vì ai cũng muốn mình tiến bộ hơn mỗi ngày.

Mỗi lãnh đạo cần biết chính xác những gì đang thực sự diễn ra trong trường học của mình, hiểu được thái độ và bầu không khí trên các hành lang và trong lớp học. Như đã đề cập ở trên, bắt đầu quá trình cải thiện văn hóa trường học bao gồm việc phân tích tình hình hiện tại của trường bạn. Quá trình phân tích này nên trở thành một phần thường xuyên trong điều hành trường học của bạn.

Việc xây dựng văn hóa học đường tích cực sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực, không thể đốt cháy giai đoạn. Nếu bạn đã bắt đầu nỗ lực xây dựng văn hóa học đường tích cực nhưng không đạt được kết quả như mong đợi, đừng lo lắng. Thay đổi thái độ của tất cả nhân viên và học sinh trong trường của bạn sẽ không phải là một quá trình trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, nó sẽ rất đáng để chờ đợi và luôn nhớ rằng: Quá trình thay đổi này bắt đầu với bạn. Hãy kiên nhẫn làm việc để xây dựng một văn hóa học đường thúc đẩy hành động tích cực, và học sinh của bạn sẽ được chuẩn bị tốt hơn để học tập tốt và trở nên thành công hơn bây giờ và trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ