Mật mã hạ gục nhà tuyển dụng
Chương trình Chào Tân sinh viên 2017 do báo Sinh viên Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị đào tạo tổ chức tại ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội. Đây là một chương trình thường niêm nhằm định hướng cho sinh viên năm nhất.
Nhà báo Nguyễn Huy Lộc - Tổng Biên tập báo Sinh Viên Việt Nam cho biết. “Nếu như sinh viên năm nhất được định hướng một cách chính xác và khoa học, được trang bị những kỹ năng cần thiết ngay từ khi mới nhập trường Đại học thì chắc chắn tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp ra trường phải làm trái nghề hoặc chưa tìm được việc làm sẽ được giảm thiểu tối đa.
Từ nhiều năm nay, báo Sinh Viên Việt Nam thường xuyên tổ chức các chuỗi chương trình Chào Tân sinh viên, nhưng năm nay chúng tôi lựa chọn các chủ đề phù hợp hơn với tình hình mới, nhất là khi tinh thần khởi nghiệp đang lên cao trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam”.
Chủ đề của cuộc trò chuyện với tân sinh viên là “Hướng nghiệp thời cách mạng công nghiệp 4.0, Tinh thần khởi nghiệp, Ba lô vào đời, Mật mã “hạ gục” nhà tuyển dụng”, do Tiến sĩ Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Tài Chính, trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, chuyên gia cố vấn quản trị doanh nghiệp, chủ trì.
TS Lê Thẩm Dương là thầy giáo được yêu mến đặc biệt trên mạng xã hội với nhiều bài giảng hấp dẫn. Nhiều bài nói chuyện của ông với học sinh, sinh viên được các bạn trẻ chia sẻ, bình luận hăng say trên mạng xã hội.
Tại diễn đàn hôm nay (7/9), TS Thẩm Dương phân tích kĩ lưỡng khái niệm về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để các bạn trẻ nắm được xu thế thời đại hiện nay, từ đó giải quyết một trong 4 vấn đề mà mỗi bạn phải tìm tòi để định hướng nghề nghiệp cho bản thân.
TS Dương cho rằng “hiểu nghề” có thể đọc trong sách bởi vì hiện nay có rất nhiều sách phân tích kĩ lưỡng về các ngành nghề để sinh viên tìm hiểu. Về “hiểu thời thế” chính là xu hướng thời đại, cách mạng 4.0 ở trước mắt các bạn trẻ.
Quan trọng nhất là sinh viên phải tự hiểu được chính mình, biết đâu là thế mạnh, sở trường, đam mê của mình để mà đi sâu khai thác. Các bạn cũng cần có thái độ chăm chỉ, nghiêm túc, biết phối hợp trong công việc... nếu muốn phát triển trong xã hội thị trường.
Sau khi giải quyết được 3 vấn đề đầu tiên, cuối cùng là vấn đề chọn lựa. Bạn cảm thấy đối với năng lực của mình thì có thể làm những nghề nào, tìm hiểu thông tin về những nghề đó và xu hướng của thời đại với ngành nghề mà bạn mong muốn. Ví dụ như bạn thích một làm một nghề nhưng cần phải quan tâm bạn có phù hợp với ngành nghề đó hay không, chính sách của nhà nước đang khuyến khích kinh doanh loại mặt hàng nào, cấm loại mặt hàng nào... để có chọn lựa cho chính xác.
TS Thẩm Dương kết luận: “Các bạn phải tự hướng nghiệp, ai “khôn thì người đó sống”. Bởi vì trong thời đại hội nhập hiện nay không có “cửa” ổn định. Không phải chỉ xin một công việc rồi tuyên bố tôi có nghề rồi an nhàn tận hưởng. Sẽ không lâu đâu khái niệm về công việc mà bạn đang biết sẽ mất đi, thay vào đó là một người làm nhiều việc, đa-zi-năng”.
Bốn vấn đề sinh tồn
TS Dương tin tưởng Cách mạng công nghiệp đang xảy ra và diễn biến của nó không ai ngờ được. Trong khi đó, sinh viên lại ảo tưởng rất nhiều, đánh giá chính mình cao hơn thực tế.
TS Dương nói rằng đặc điểm đầu tiên của cách mạng công nghiệp 4.0 là tốc độ. Nó phát triển rất nhanh, tăng trưởng biến động. Do vậy, ai thiếu thích nghi sẽ bị đào thải.
Đặc điểm thứ hai cách mạng công nghiệp 4.0 là phá vỡ cách quản trị xã hội và quản trị doanh nghiệp, quản trị cá nhân kiểu cũ, yêu cầu cách thức mới phù hợp và hiệu quả hơn.
Đặc điểm thứ 3 là những yếu tố lõi: kĩ thuật số, công nghệ sinh học và vật lý. Kĩ thuật số điển hình là trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn. Công nghệ sinh học điển hình là nhảy vọt trong nông nghiệp, y dược, chế biến thực phẩm, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu xây dựng... Vật lý đặc trưng là robot thế hệ mới, biểu hiện là: xe hơi tự lái, vật liệu cao cấp, công nghệ nano... Những yếu tố này kết hợp với nhau tạo nên thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh nói về cáhc mạng công nghiệp 4.0, TS Dương cũng phân tích kĩ bản chất của các cuộc cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0 và 3.0. Ông mượn lịch sử phát triển của nhân loại qua các cuộc cách mạng này để ví von trình độ của sinh viên hiện nay.
Ông đặt câu hỏi để mỗi bạn sinh viên tự nhìn lại mình: “Các bạn sinh viên đang ở nhiều điểm xuất phát khác nhau. Có người đang ở trình độ cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0, 3.0. Chúng ta muốn tiến lên 4.0 phải biết rõ bản thân đang ở mức độ nào, để bằng mọi giá tiếp cận 4.0”.
TS Dương khuyên các bạn phải giải quyết 4 vấn đề hướng nghiệp mà ông đã nêu ra. “Ra khỏi trường, việc phải tự mình tìm. Bạn phải có tinh thần khởi nghiệp, tự lựa chọn cơ hội của chính mình bởi vì cơ hội rất nhiều. Ví dụ như bạn học nông nghiệp, tự mình mở một trang trại; bạn học kinh tế, tự mình lập một kế hoạch, hoàn thành từ A->Z... Bạn chắc chắn sẽ thành công”.