Báo cáo tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2023 đạt 75,5% dự toán. Cả năm, ước đạt và phấn đấu vượt dự toán.
Bội chi ngân sách Nhà nước và các chỉ tiêu về nợ công được kiểm soát thấp hơn giới hạn và ngưỡng cảnh báo theo Nghị quyết của Quốc hội. Đặc biệt, việc tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay đạt khoảng 560 nghìn tỷ đồng, bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024 - 2026.
Cải cách tiền lương nhằm tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Hội nghị lần 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành nghị quyết, trong đó có nội dung trình Quốc hội tiến độ cải cách tiền lương.
Cụ thể, lộ trình thực hiện bắt đầu từ 1/7/2024 với tinh thần, quan điểm thực hiện các nội dung Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đó là xây dựng bảng lương mới thay cho bảng lương hiện nay gồm bảng lương về chức danh lãnh đạo từ Trung ương cho đến cơ sở, bảng lương chuyên môn nghiệp vụ và 3 bảng lương cho lực lượng vũ trang.
Tiếp đó là sắp xếp, thu gọn chế độ phụ cấp so với hiện nay. Thứ ba là chế độ tiền thưởng bằng 10% quỹ tiền lương cơ bản không bao gồm phụ cấp. Thứ tư là chế độ nâng bậc lương. Thứ năm là nguồn kinh phí để thực hiện chế độ cải cách tiền lương và cuối cùng là quản lý tiền lương và thu nhập.
Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.
Như vậy có thể thấy, dù cải cách tiền lương với khu vực công là cần thiết và cấp bách nhưng vấn đề quan trọng là nguồn kinh phí và khi cải cách có nâng cao chất lượng, trách nhiệm, hiệu quả làm việc của đội ngũ án bộ, công chức hay không? Bởi như quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì chúng ta đã nhiều lần điều chỉnh nhưng lần này sẽ mang tính chất cải cách.
Không chỉ là điều chỉnh lương, không chỉ là tăng lương, tăng thu nhập mà theo Nghị quyết 27 cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.
Do đó, cần rà soát, sắp xếp lại cán bộ, công chức, những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh phải có biện pháp xử lý. Thậm chí người yếu năng lực cần đưa ra khỏi bộ máy - Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.
Một vấn đề nữa đặt ra khi thực hiện cải cách tiền lương là quá trình thực hiện phải đồng bộ với cải cách các chính sách khác có tác động liên quan trực tiếp như hành chính, tài chính công, chính sách bảo hiểm xã hội... Chú trọng áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, kinh tế số để giảm tối đa lao động thủ công nhưng vẫn tăng năng suất lao động.
Đồng thời có các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường vì khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tổng lượng tiền lưu thông sẽ nhiều hơn, dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng tăng, khi đó, việc cải cách sẽ không còn ý nghĩa.
Tại buổi tiếp xúc cử tri quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng diễn ra mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh rằng, cải cách tiền lương là vấn đề đại sự. Và khi nguồn lực đã sẵn sàng, vấn đề còn lại là tổ chức thực hiện như thế nào để tiền lương thực sự là đòn bẩy nâng cao chất lượng, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức.