Văn bằng giả

GD&TĐ - Cuối tháng 8 vừa qua, Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an đã triệt phá đường dây “làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức”, bắt giữ 16 nghi can cùng hàng chục nghìn bằng giả đã và đang rao bán công khai trên mạng.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Trước đó, C02 cũng đã khám phá ổ nhóm làm hàng nghìn con dấu, tài liệu cơ quan tổ chức với trên 1.500 bộ giấy tờ, tài liệu của nhiều cơ sở giáo dục. Đám tội phạm này đã tự chế tạo, in phôi bằng, giả mạo chữ ký, trực tiếp đóng dấu vào các loại giấy tờ giả để rao bán.

Đáng chú ý là trong số hàng vạn văn bằng, chứng chỉ giả ấy, có cả bằng bác sĩ kèm theo đó là học bạ cùng điểm số “đẹp” để dễ dàng… xin việc(?).

Trong số các loại hàng giả thì bằng cấp giả, mức độ nguy hiểm của nó cũng không thua gì các thứ hàng giả khác. Thậm chí nguy hiểm hơn vì các loại hàng giả khác, người tiêu dùng chỉ có thể mất tiền khi mua phải đồ nhái, đồ dỏm còn văn bằng giả vào tay kẻ bất lương, chúng có thể gây chết người hoặc làm hại cả một thế hệ.

Bằng bác sĩ giả thì thuộc loại nguy hiểm đặc biệt vì nếu người sử dụng nó không có một tí chuyên môn gì, hoặc tay nghề chỉ ở mức… cạo gió mà đi phẫu thuật thì đem đến cái chết cho bệnh nhân là điều khó tránh. Tháng 6 vừa rồi, tại TPHCM cũng đã từng có trường hợp bác sĩ sử dụng bằng giả gây chết người khi phẫu thuật thẩm mỹ.

Chuyện bán đồ giả cho những ai có nhu cầu để họ đạt được mục đích nào đó là việc đã diễn ra lâu nay nhưng hoàn toàn lén lút. Thế nhưng hiện nay, chuyện rao bán bằng giả trên mạng rất công khai, như thể đang bán… rau vậy. Có nhiều lý do để bằng cấp giả tồn tại một cách công khai như thế.

Trước tiên, các cơ quan tuyển dụng luôn lấy bằng cấp ra làm tiêu chỉ “chuẩn” để tuyển người nhưng lại không kiểm tra thực tế trình độ của người được tuyển. Hoặc là biết nó giả nhưng vẫn làm lơ vì người được tuyển dụng ấy là “con đồng chí nào?” - như cách mà người ta vẫn dùng để ám chỉ chuyện “con ông cháu cha” hiện nay. 

Cũng có thể, văn bằng giả ấy chỉ để hợp thức hóa một “chỗ ngồi” nào đó nhưng đang thiếu các tiêu chí về văn bằng cần được bổ sung. Cuối cùng là, một số cơ quan tuyển dụng Nhà nước khá tắc trách trong khi tiếp nhận nhân sự bằng các loại văn bằng mà thiếu kiểm tra mức độ khả tín của nó thế nào.

Vì hiện nay, các trường đào tạo đều có trang web, trong đó có danh sách sinh viên tốt nghiệp năm nào, loại gì… Chỉ cần bỏ ra vài phút truy cập là không khó để phát hiện ra đồ giả. Ấy vậy mà các loại bằng giả vẫn cứ có đất sống thì đó cũng là điều khó hiểu.

Nơi tiếp nhận thì chỉ dựa vào văn bằng có các con dấu “hợp pháp”, còn chỗ công chứng thì lại vô tình tiếp tay cho cái giả mà thiếu kiểm tra kỹ trước khi đóng dấu “sao y bản chính”.

Có lẽ điểm mấu chốt của câu chuyện vì sao bằng giả có đất sống này là vì các cơ quan Nhà nước hiện nay quá chú trọng về bằng cấp mà quên một điều cơ bản là năng lực thực tế. Từ tuyển dụng dựa vào bằng cấp đã đành đến việc đề bạt cất nhắc cũng lấy bằng cấp ra làm thước đo thì chuyện tồn tại bằng giả là điều hiển nhiên.

Chừng nào dẹp bỏ được chuyện đặt nặng bằng cấp thì khi ấy mới triệt tiêu được bằng giả mà thôi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.