Vạch trần thủ đoạn ổ nhóm mạo danh nhân viên VOV lừa đảo

Các đối tượng tiếp cận với người bị hại, tự xưng là nhân viên phụ trách chuyên mục Nhắn tìm đồng đội của kênh VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam. 

Các đối tượng bị bắt giữ tại Cơ quan Điều tra.
Các đối tượng bị bắt giữ tại Cơ quan Điều tra.

Chúng thông báo mộ liệt sỹ mà người bị hại đăng tin tìm kiếm đã xác định được địa điểm và yêu cầu nạn nhân gửi tiền lộ phí bằng mã thẻ cào điện thoại. Dù đã được cảnh báo qua các phương tiện thông tin đại chúng, song với cách moi tiền tinh vi này, nhiều nạn nhân đã dễ dàng bị lừa.

Chiêu "moi tiền" xảo quyệt

Ngày 23/10, Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với lực lượng Công an thành phố Hà Nội bắt giữ 6 đối tượng, gồm: Trương Quang Thắng (SN 1992), Trương Văn Đức (SN 1998), Nguyễn Thế Anh (SN 1996), Trương Minh Hải (SN 1990), Trương Quang Khánh (SN 1997) và Phạm Văn Thắng (SN 1994, đều trú tại xã Kỳ Lâm, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, cũng có một số nạn nhân đã mạnh dạn làm đơn tố giác gửi đến các cơ quan chức năng, phản ánh về việc bị các đối lừa đảo chiếm đoạt một số lượng tiền lớn bằng hình thức nộp tiền thẻ cào điện thoại. 

Họ cho biết, sau một thời gian đăng tin tìm mộ liệt sỹ trong chuyên mục Nhắn tìm đồng đội trên kênh VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam, người bị hại nhận được điện thoại của các đối tượng tự xưng là nhân viên phụ trách chuyên mục nói trên, thông báo mộ liệt sỹ người thân mình đăng tin tìm kiếm, nay đã xác định được địa điểm. 

Vui mừng vì mộ người thân thất lạc nay đã tìm thấy nên các nạn nhân đều chấp nhận mọi điều kiện của đối tượng lừa đảo.Thời gian gần đây, người dân thành phố Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc xôn xao trước việc bị một số đối tượng lừa tiền qua thẻ cào điện thoại. 

Với các "chiêu độc" của mình, kẻ gian đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo khiến cho nhiều người tự nguyện chuyển tiền cho chúng. Đã có không ít người khi "dính bẫy" nhưng lại e ngại, không đến trình báo cho các cơ quan chức năng, vì thế kẻ xấu được đã lừa đảo thêm nhiều nạn nhân khác.

Các đối tượng đã yêu cầu người bị hại nộp một số tiền để làm thủ tục tìm kiếm, khai quật mộ. Một số nạn nhân khác lại nhận được các cuộc điện thoại giả danh là cán bộ một số địa phương, xác nhận vị trí phần mộ liệt sỹ người nhà đang tìm kiếm, đề nghị nộp tiền để làm kinh phí đi đường và mời gia đình đến nhận mộ.

Hình thức nộp tiền đưa ra là yêu cầu người bị hại mua thẻ điện cào thoại Viettel mệnh giá từ 100 - 500 ngàn đồng, cào lấy mã thẻ và nhắn tin đến số điện thoại của các đối tượng. 

Tuy nhiên, sau khi người bị hại làm theo hướng dẫn và gọi lại để hỏi thêm thông tin thì thuê bao không liên lạc được. Biết mình bị lừa đảo nên người bi hại đã đến trình báo tại các cơ quan chức năng để điều tra, làm rõ.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan chức năng đã xác định được các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo hiện đang cư trú tại địa bàn huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). 

Ngày 17/10, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với Công an huyện Kỳ Anh tiến hành bắt giữ hai đối tượng Trương Quang Thắng (SN 1992) và Trương Văn Đức (SN 1998, đều trú tại Kỳ Lâm, Kỳ Anh). 

Tại Cơ quan Điều tra, Thắng và Đức đã cúi đầu nhận tội. Qua đấu tranh khai thác, chúng khai nhận đã lấy thông tin (số điện thoại, thông tin cá nhân) của người đăng tin tìm mộ liệt sỹ trên chuyên mục Nhắn tìm đồng đội kênh VOV - Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó gọi điện đến, giả danh là nhân viên phụ trách chuyên mục, hoặc cán bộ địa phương có mộ liệt sỹ để yêu cầu người bị hại nộp tiền theo hình thức như trên. Số mã thẻ chiếm đoạt được, chúng bán lại với giá 70% rồi chia nhau tiêu xài.

Nhận diện các chiêu dụ dỗ nạn nhân

Cũng trong quá trình đấu tranh với các đối tượng, Công an huyện Kỳ Anh đã bắt giữ thêm 4 đối tượng, gồm: Nguyễn Thế Anh, Trương Minh Hải, Trương Quang Khánh và Phạm Văn Thắng đều trú tại Kỳ Lâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh). 

Tất cả bọn chúng đều trong một ổ nhóm, thực hiện hành vi phạm tội với thủ đoạn như trên, nhưng có một điểm khác là chúng gọi điện thoại cho các thuê bao bất kỳ, thông báo đã nhận được giải thưởng của Viettel và yêu cầu người trúng thưởng nộp tiền để làm lệ phí nhận giải bằng hình thức gửi mã thẻ cào điện thoại.

Một điều tra viên cho biết, hướng điều tra ban đầu đi vào ngõ cụt, bởi các nạn nhân và đối tượng gây án chưa hề gặp nhau, chỉ nghe qua giọng nói lơ lớ, nửa Bắc, nửa Nam nên Cơ quan Điều tra không thể khoanh vùng được các đối tượng nghi vấn. 

Hơn nữa do chúng liên hệ chủ yếu qua hệ thống Internet, sử dụng số điện thoại ảo, sim rác, không thể xác minh được. Do vậy, công tác điều tra của cơ quan chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Với những phương thức thủ đoạn phạm tội nêu trên, lực lượng công an căn cứ tài liệu điều tra, xác minh, thu thập được đã có đủ căn cứ xác định các đối tượng nêu trên có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 226B - Bộ luật Hình sự.

Được biết, thời gian qua, trên địa bàn cả nước, tình trạng kẻ gian lợi dụng sự cả tin của khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo qua điện thoại vẫn diễn ra thường xuyên. 

Các "chiêu trò" của chúng ngày càng được biến hóa dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là vẫn là việc các đối tượng lừa đảo mạo danh các nhà mạng, nhắn tin hoặc gọi điện cho khách hàng thông báo trúng thưởng với giá trị lớn, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, nạp tiền, chuyển tiền vào tài khoản đã được chỉ định,... hoặc giả danh bạn bè, người thân nhờ nạp thẻ cào. 

Qua thông tin thu thập được, có thể thấy tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh vào yếu tố tâm lý, lòng tham và sự nhẹ dạ, cả tin của người bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản .

Đại tá Đặng Hoài Sơn - Trưởng Công an huyện Kỳ Anh - cho biết: "Đây không phải lần đầu tiên Công an huyện Kỳ Anh thực hiện bắt giữ các đối tượng lừa đảo bằng hình thức lừa đảo qua điện thoại. 

Vào khoảng giữa tháng 2 vừa qua, chúng tôi cũng đã bắt giữ 4 đối tượng có hộ khẩu thường trú tại xã Kỳ Lạc (Kỳ Anh) về hành vi tương tự.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc nhiều người bị lừa đảo qua điện thoại. Nguyên nhân đầu tiên là thiếu thận trọng, do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin của người dân. 

Thứ hai, nắm được tâm lý của người dân thích nhận phần thưởng nên chúng rất dễ dàng để lợi dụng. Một trong những thủ đoạn đó là tra tìm danh bạ rồi gọi điện đi khắp cả nước để lừa đảo. Người dân cần tỉnh táo, cảnh giác trước những thủ đoạn tương tự, tránh rơi vào những cái bẫy mà bọn tội phạm giăng ra".

Cần nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy lừa đảo

Mặc dù thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại đã được cảnh báo rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn có nhiều người "mắc bẫy" vì hầu hết các đối tượng sử dụng những chiêu thức tinh vi, được tính toán kỹ lưỡng, có hệ thống.

Trước những thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại để chiếm đoạt tài sản, các cơ quan chức năng thông báo đến nhân dân trên địa bàn cả nước biết rõ thủ đoạn này, đồng thời có biện pháp phòng ngừa, không để trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo. 

Không cung cấp số CMTND, số tài khoản, sổ tiết kiệm cho bất kỳ ai qua điện thoại. Khi nhận tin nhắn trúng thưởng, nợ cước điện thoại hoặc các vấn đề khác tương tự phải báo ngay cho lực lượng công an để kịp thời xử lý.

Theo doisongphapluat.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...