Uống sữa ấm vào buổi tối giúp dễ ngủ?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trước khi ngủ, mọi người thường thực hiện nhiều cách khác nhau để có một đêm ngon giấc. Một số người có thói quen tắm nước ấm, tập yoga hoặc uống một ly sữa ấm.

Tryptophan trong sữa có đặc tính thúc đẩy giấc ngủ.
Tryptophan trong sữa có đặc tính thúc đẩy giấc ngủ.

Câu hỏi đặt ra là: Có bằng chứng khoa học nào cho thấy uống một ly sữa ấm khiến dễ ngủ không?

Thành phần gây buồn ngủ trong sữa

Theo các nhà khoa học, sữa chứa nhiều loại axit amin - thành phần cấu tạo của protein. Đó là yếu tố có thể thúc đẩy giấc ngủ theo những cách khác nhau. Hơn nữa, nếu việc thưởng thức một ly sữa ấm giúp mọi người cảm thấy dễ chịu, điều đó có thể tạo tiền đề cho một giấc ngủ ngon.

Ông Michael Breus - nhà tâm lý học lâm sàng, chuyên gia về giấc ngủ được chứng nhận ở California (Mỹ) - cho biết, phương pháp này có thể giúp giảm lo lắng trước khi ngủ. “Một lý do để sữa ấm khiến mọi người buồn ngủ là vì nó khiến bạn nhớ đến người tốt bụng nào đó đã tặng bạn khi còn nhỏ”, chuyên gia này chia sẻ.

Bên cạnh đó, tryptophan trong sữa có đặc tính thúc đẩy giấc ngủ. Tryptophan là một axit amin thiết yếu. Điều đó có nghĩa là cơ thể không thể sản xuất loại axit amin này. Vì vậy, theo Thư viện Y khoa quốc gia Mỹ, mọi người phải hấp thu tryptophan từ chế độ ăn uống.

Một khi hấp thụ tryptophan bằng cách uống sữa hoặc ăn các thực phẩm như trứng, gà tây, cá, đậu nành hay đậu phộng, cơ thể sẽ sử dụng loại axit amin này. Từ đó, tạo ra serotonin hóa học trong não, chuyển hóa thành hormone hỗ trợ giấc ngủ melatonin.

Theo một nghiên cứu năm 2017 trên tạp chí Current Neuropharmacology, melatonin thường được não sản xuất để phản ứng với bóng tối. Hormone này cũng có liên quan đến việc điều chỉnh nhịp sinh học tự nhiên của cơ thể. Mặt khác, serotonin được biết đến với cái tên “hormone hạnh phúc”. Theo một bài báo năm 2002 được xuất bản trên tạp chí Sleep Medicine Reviews, serotonin là tác nhân vừa gây buồn ngủ lẫn tỉnh táo.

Về lý thuyết, ăn thực phẩm hoặc uống sữa giàu tryptophan có thể khiến con người cảm thấy buồn ngủ. Bởi, cơ thể chuyển hóa chất này thành hormone giúp tăng cường giấc ngủ.

Cũng vì lý do đó, có một “lời đồn” phổ biến rằng, ăn thực phẩm giàu tryptophan, như gà tây trong bữa tối Lễ Tạ ơn, là lý do khiến mọi người cảm thấy buồn ngủ. Tuy nhiên, thực tế, sẽ cần rất nhiều tryptophan - nhiều hơn là trong một ly sữa hoặc khẩu phần gà tây - để làm cho một người cảm thấy buồn ngủ.

Tác dụng bị hạn chế

Chia sẻ với Live Science, nhà tâm lý học Michael Breus cho biết, nếu uống khoảng 2 gallon (7,6 lít) sữa, mọi người có thể cảm thấy buồn ngủ.

Tuy nhiên, người uống sẽ cảm thấy khá khó chịu khi hấp thu một lượng sữa lớn như vậy. Thậm chí, người uống có thể cảm thấy buồn nôn. Ngay cả khi một người uống nhiều sữa như vậy, vẫn chưa rõ liệu liều lượng tryptophan cao có đủ để khiến họ cảm thấy buồn ngủ hay không.

Bên cạnh đó, sữa còn chứa nhiều hợp chất khác. Những hợp chất đó sẽ đi vào não qua máu của người uống.

Lin Zheng và Mouming Zhao - các nhà khoa học thực phẩm tại Đại học Công nghệ Nam Trung Quốc - đồng ý rằng, tác dụng gây ngủ của tryptophan trong sữa bị hạn chế. “Tryptophan phải cạnh tranh với các axit amin trung tính lớn khác - như leucine, isoleucine, tyrosine, phenylalanine và valine - để vượt qua hàng rào máu não, trước khi có bất kỳ ảnh hưởng nào đến giấc ngủ”, các nhà khoa học cho biết.

Vì tryptophan là một trong những axit amin ít phong phú nhất trong sữa, nó có thể bị các axit amin khác lấn át khi cố gắng vượt qua hàng rào máu não. Nghiên cứu gần đây của hai nhà khoa học Zheng và Zhao trên chuột cho thấy, các hợp chất khác trong sữa có thể giải thích tại sao nhiều người bắt đầu ngáp sau khi uống một ly sữa.

Trong nghiên cứu được công bố trực tuyến vào tháng 9/2021 trên tạp chí Agricultural and Food Chemistry, một thành phần của sữa gọi là casein trypsin hydrolysate (CTH) đã được chứng minh có tác dụng cải thiện giấc ngủ ở chuột. Hàng trăm peptide - chuỗi axit amin - có thể được tìm thấy trong CTH. Trong khi đó, một số nghiên cứu trên người đã báo cáo rằng, CTH có thể cải thiện khả năng vào giấc nhanh hơn và mang lại chất lượng giấc ngủ tốt.

Theo nghiên cứu, những peptide này liên kết với thụ thể GABA-A. Đây là một thụ thể trong não giúp ngăn chặn tín hiệu thần kinh và thúc đẩy giấc ngủ. Nhà khoa học Zheng cho biết: “Chúng tôi phát hiện, các peptide trong CTH có thể kéo dài đáng kể thời gian ngủ của chuột”.

Nhóm nghiên cứu đã cho chuột ăn các peptide giải phóng khi CTH được tiêu hóa. Một trong những peptide, gọi là YPVEPF, đã được chứng minh có tác dụng đáng kể. Theo một tuyên bố của Hiệp hội Hóa học Mỹ, peptide này làm tăng số lượng chuột vào giấc ngủ nhanh lên khoảng 25%. Trong khi đó, thời gian ngủ của những con chuột này tăng hơn 400% so với nhóm đối chứng.

Đối với nhiệt độ, không có bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy sữa phải ấm để có thể phát huy tác dụng. Nhà khoa học Zheng lý giải, độ ấm của sữa có thể giúp nâng cao tuổi thọ con người. Khi uống sữa ấm, nhiệt độ trong cơ thể tăng. Từ đó, làm tăng lưu thông máu và giúp cơ thể thư giãn.

Song, các hợp chất của sữa, như peptide trong CTH, vẫn liên kết với các thụ thể GABA-A ngay cả khi uống lạnh. Bên cạnh tryptophan, CTH, các hoạt động khác như tập thể dục nhẹ trước khi ngủ, cũng đóng một vai trò quan trọng giúp mọi người dễ vào giấc.

Vì vậy, các nhà khoa học cho rằng, chưa rõ đâu là nguyên nhân chính giúp chúng ta dễ ngủ hơn. Có nhiều loại thuốc ngủ khác nhau. Tất cả đều có chức năng khác nhau để giúp người dùng vào giấc. Một số loại thuốc ngăn chặn hoạt động của hệ thần kinh trung ương.

Trong khi đó, số khác ngăn chặn các hormone gây tỉnh táo. “Có hơn 30 loại thuốc an thần khác nhau. Mỗi loại có một cơ chế hoạt động riêng”, ông Breus chia sẻ. Do đó, theo các chuyên gia, nếu muốn dễ ngủ hơn, mọi người nên thử nhiều phương pháp khác nhau, như tránh dùng caffein hoặc tắt các thiết bị điện tử phát ra ánh sáng xanh.

Theo Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Quảng bá di sản

GD&TĐ - Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã được hơn 10 năm (6/12/2012).