Ukraine phản đòn dùng Tomahawk đấu Kalibr?

GD&TĐ - Theo giới quân sự phương Tây, đòn phủ đầu Tomahawk vào các sân bay Nga là tốt hơn so với dùng hệ thống phòng không đánh chặn tên lửa Kalibr Nga.

Ukraine phản đòn dùng Tomahawk đấu Kalibr?

Hai lựa chọn đối với Ukraine

Một bài báo trên trang Defense Express khi bình luận về những diễn biến mới trong cuộc xung đột Nga-Ukraine trong thời gian gần đây đã cho rằng, vũ khí tốt nhất chống lại các đòn đánh bằng tên lửa chính xác tầm xa của Nga chính là cũng sở hữu những tên lửa có tính năng tương tự như đối thủ.

Theo bài báo, Ukraine hiện đang phải đối mặt với nhu cầu cấp thiết phải bảo vệ bầu trời trước các cuộc tấn công bằng tên lửa tấn công chính xác tầm xa của Nga như Kalibr, Kh-555, Kh-101…, để bảo vệ an toàn cho cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước.

Theo giới phân tích quân sự, có hai phương án phổ biến nhất có thể đạt được mục tiêu này, cả hai đều có tính thực tế như nhau và giải pháp tối ưu là sự kết hợp cả hai phương án.

Phương án đầu tiên là cung cấp cho Ukraine đủ hệ thống phòng không để tạo ra một “lá chắn” dày đặc không thể xuyên thủng đối với cả máy bay Nga và các tên lửa hành trình tấn công chính xác tầm xa có khả năng cơ động cao của họ.

Phương án thứ hai là bắt đầu cung cấp vũ khí tấn công chính xác tầm xa tương tự như của Nga, với tầm bắn trên 1.000 km có thể tấn công các mục tiêu quan trọng đối với Moscow, bao gồm cả sân bay Engels - căn cứ chính của lực lượng không quân chiến lược Nga.

Một máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga bị phá hủy sau vụ tấn công vào sân bay Engels ngày 5/12/2022
Một máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga bị phá hủy sau vụ tấn công vào sân bay Engels ngày 5/12/2022

Tất nhiên, tùy chọn thứ hai có vẻ thích hợp hơn nhiều. Dùng Tomahawk đáp lễ đòn đánh của Kalibr sẽ cho phép triệt tiêu tiềm lực của lực lượng hàng không Nga một cách hiệu quả, khiến Moscow sẽ không còn gì để tiến hành các cuộc tấn công tên lửa phủ đầu với Ukraine.

Trên thực tế, các nước phương Tây từ lâu đã thực hành chính sách tiếp cận này, ưu tiên tấn công mạnh vào mục tiêu hàng không chủ chốt của kẻ thù là sân bay, để không thứ gì có thể cất cánh từ đó trong một thời gian dài, thay vì chơi trò chơi may rủi với hệ thống phòng không đuổi theo tên lửa hành trình.

Nhìn lại Chiến dịch “Cáo sa mạc”

Chúng ta có thể tìm thấy một ví dụ minh họa cho cách tiếp cận này trong Chiến dịch trên không mang tên “Cáo sa mạc”, không kéo dài bốn ngày từ 17 đến 20/12/1998, được thực hiện bởi Hải quân và Không quân Hoa Kỳ cùng với Không quân Hoàng gia Anh chống lại chế độ cầm quyền của Saddam Hussein ở Iraq.

Vào thời điểm đó, phương Tây có hai yêu cầu buộc chế độ của Tổng thống Saddam Hussein phải tuân theo nhưng không được Saddam thực thi.

Đầu tiên là do Iraq từ chối tuân thủ thỏa thuận về việc xử lý vũ khí hóa học của mình. Thứ hai là Lực lượng Không quân Iraq đã liên tục vi phạm các vùng cấm bay được thiết lập ở phía bắc và phía nam của đất nước sau “Chiến dịch Bão táp Sa mạc” năm 1991.

Tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-68 của Không quân Mỹ, hiện đã loại biên
Tên lửa hành trình phóng từ trên không AGM-68 của Không quân Mỹ, hiện đã loại biên

Các lực lượng đồng minh không có đủ nguồn lực để bao phủ không phận ở những khu vực được chỉ định và Iraq miễn cưỡng và cố tình trì hoãn loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Đó là lý do tại sao kế hoạch Chiến dịch “Cáo sa mạc” được kích hoạt nhằm tấn công lực lượng phòng không và không quân Iraq, cũng như các cơ sở mà phương Tây cho là địa điểm sản xuất vũ khí hóa học.

Chiến dịch có sự tham gia của 26 máy bay ném bom chiến lược và 100 máy bay hàng không chiến thuật của Mỹ và 30 máy bay chiến thuật của Anh. Hải quân Hoa Kỳ đã triển khai hai nhóm tấn công tàu sân bay mang tiêm kích hạm, tổng cộng 25 tàu và Hải quân Anh cung cấp một tàu khu trục với vũ khí tên lửa.

Trong bốn ngày, nhóm hàng không chiến thuật hỗn hợp của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã thực hiện hơn 650 phi vụ oanh tạc. Lực lượng đồng minh cũng đã phóng hơn 400 tên lửa hành trình các loại AGM-68 và Tomahawk tấn công vào các mục tiêu ở Iraq.

Kết quả là 85% mục tiêu được chỉ định đã bị tấn công, các máy bay hàng không đồng minh không có thiệt hại gì. Mặc dù như thế, ngay sau khi hoạt động chấm dứt, các máy bay của Không quân Iraq vẫn tiếp tục vi phạm vùng cấm bay, tức là bốn trăm quả tên lửa không mang lại kết quả mong muốn.

Phóng tên lửa Tomahawk từ chiến hạm Mỹ trong “Chiến dịch Cáo sa mạc” năm 1998
Phóng tên lửa Tomahawk từ chiến hạm Mỹ trong “Chiến dịch Cáo sa mạc” năm 1998

Vũ khí đã có, chỉ chờ quyết định chính trị

Xét đến hiệu quả của Chiến dịch “Cáo sa mạc”, so sánh diện tích lãnh thổ Iraq quá nhỏ so với lãnh thổ Nga; quy mô của lực lượng không quân và phòng không Iraq cũng kém quá xa so với Nga, số lượng tên lửa cần thiết để phá hủy khả năng của không quân Nga, có lẽ vài ngàn quả vẫn bị coi là quá ít.

Hơn nữa, xét trong bối cảnh hiện nay, một hoạt động ở quy mô lớn như vậy chống lại Nga có vẻ là không thực tế bởi Ukraine không có tên lửa đất đối đất đủ xa và cũng không có tên lửa hành trình tầm xa, trong khi phương Tây vẫn đang hết sức dè dặt trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Kiev.

Ukraine dù đã hết sức nỗ lực nhưng vẫn chưa thuyết phục được Mỹ cung cấp tên lửa tầm xa ATACMS cho các bệ phóng tên lửa HIMARS hoặc cung cấp các máy bay chiến đấu hiện đại cho mình.

Tuy nhiên không ai biết được khả năng các chính trị của các đối tác phương Tây của Ukraine sẽ thay đổi giống như họ đã từng thay đổi vài lần.

Mới đây, Hoa Kỳ đã phê duyệt gói viện trợ quân sự mới bao gồm hệ thống chống tên lửa Patriot lấy từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc, trong khi trước đó các chính trị gia Washington vẫn khẳng định sẽ không cung cấp các hệ thống này cho Kiev.

Ukraine vẫn chưa được Mỹ cung cấp tên lửa đất đối đất tầm xa ATACMS
Ukraine vẫn chưa được Mỹ cung cấp tên lửa đất đối đất tầm xa ATACMS

Việc Ukraine nhận được các hệ thống phòng không tối tân nhất của Mỹ là một bước tiến quan trọng, cho phép chính quyền Kiev có thể mơ đến một ngày họ sẽ được cung cấp những hệ thống tên lửa đất đối đất hoặc tên lửa hành trình tầm xa của phương Tây.

Tuy nhiên, nói về khả năng Ukraine nhận được những tên lửa cho phép nước này vô hiệu hóa lực lượng hàng không Nga ở sâu trong lãnh thổ của đối phương, thì nền tảng này dường như đã có sẵn.

Vài hôm trước, Lầu Năm Góc đã đặt hàng sản xuất 1.700 tên lửa đất đối đất ATACMS vào năm 2023. Để tham khảo, dữ liệu từ các nguồn mở xác nhận rằng, kho dự trữ ATACMS hiện tại của Mỹ là khoảng 1.400 quả.

Ngoài ra, Quân đội Hoa Kỳ đang sử dụng hệ thống tên lửa hành trình tầm xa với phiên bản Tomahawk phóng từ mặt đất, mà lần đầu tiên được Lầu Năm Góc khôi phục sau 30 năm.

Đồng thời, Không quân Hoa Kỳ đang phát triển dự án “Rapid Dragon” nhằm cải tạo tên lửa hành trình AGM-158 để phóng từ máy bay vận tải thông thường, với tuyên bố là “chúng tôi có các đồng minh cần những tên lửa này nhưng không có máy bay để phóng chúng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ