Nga tái lập Quân khu Moscow và Leningrad: Áp lực cực lớn của NATO và Ukraine?

GD&TĐ - Theo giới phân tích, việc Nga tái lập Quân khu Moscow và Leningrad là do NATO bành trướng về phía đông và nguy cơ Moscow bị tấn công từ hướng tây.

Nga tái lập Quân khu Moscow và Leningrad: Áp lực cực lớn của NATO và Ukraine?

Theo bài viết trên trang “Defense Express” của Ukraine hôm 22/12, trong trường hợp xảy ra chiến tranh, các quân khu sẽ trở thành sở chỉ huy của một mặt trận và có vẻ như hình bóng chiến tranh đang hiển hiện khi từ các tòa tháp của Điện Kremlin đã có thể nhìn thấy mặt trận Moscow.

Bài viết cho biết, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga-Ukraine đang chuẩn bị bước sang năm thứ hai, giới chức lãnh đạo quân sự ở Moscow đang ấp ủ những kế hoạch cải tổ quân đội lớn lao.

Theo đó, ngoài các kế hoạch cực kỳ tham vọng của Moscow nhằm tăng cường quân số của Lực lượng vũ trang lên 1,5 triệu quân và thành lập các sư đoàn pháo binh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã công bố kế hoạch khôi phục hai quân khu như dưới thời Liên Xô.

Theo đó, Đại tướng Sergey Shoigu đã nói tại cuộc họp của Học viện Quân sự Cao cấp của Bộ Quốc phòng Nga rằng, việc thành lập hai quân khu Moscow và Leningrad là để tạo ra hai liên minh lãnh thổ chiến lược nằm giữa các vùng quản lý cũ của các lực lượng vũ trang.

Nói một cách đơn giản hơn, đó là quá trình tái cấu trúc các lực lượng vũ trang ở cấp chiến lược và tác chiến cao nhất. Về cơ bản, quân khu là đơn vị quân đội lớn nhất và trên cơ sở do Bộ Quốc phòng quản lý nên khi xảy ra chiến tranh thì trở thành các mặt trận phòng thủ.

Nếu điều này trở thành sự thực, đây sẽ là cuộc cải cách thứ tư đối với các quân khu của liên bang Nga kể từ năm 1991 và là cuộc cải cách thứ hai dưới nhiệm kỳ của tướng Shoigu. Nó cũng đánh dấu một sự thay đổi trong tư duy phòng thủ chiến lược của giới chức lãnh đạo Moscow.

Bản đồ khu vực phòng thủ của các quân khu Nga tính đến năm 2022
Bản đồ khu vực phòng thủ của các quân khu Nga tính đến năm 2022

Theo bình luận của giới phân tích, việc thành lập Quân khu Moscow ở Nga là sự đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước trong tình hình mới, khi biên giới của Khối NATO ngày càng mở rộng về phía đông, dẫn đến yêu cầu phòng thủ khu vực biên giới cũng có sự thay đổi, nên Nga phải thiết lập quân khu mới để đáp ứng yêu cầu phòng thủ đất nước.

Về Quân khu Leningrad, điều này ít nhiều hợp lý và có liên quan đến thực tế là sau khi Phần Lan gia nhập NATO, Nga sẽ có thêm 1.272 km biên giới với Liên minh. Hơn nữa, thành phố quan trọng thứ hai của Nga là St. Petersburg là dải đất hình bán nguyệt nằm giữa hai quốc gia NATO là Phần Lan và Estonia.

Nhưng việc tái lập Quân khu Moscow như dưới thời Liên Xô lại là một vấn đề khác. Đây là bằng chứng trực tiếp cho thấy Điện Kremlin đang chuẩn bị đầy đủ cho việc tổ chức phòng thủ khu vực Moscow ở cấp chiến lược-tác chiến, khi nguy cơ bị tấn công từ phía tây sang (phía Ukraine) đang hiển hiện.

Nhưng sẽ vô cùng thú vị khi quan sát phác thảo “hình hài” mới của hai quân khu mới mà lại cũ này. Bài viết của Defense Express nhắc nhở rằng bây giờ Nga mới thực sự có năm quân khu tương ứng với 5 khu vực hành chính Tây, Nam, Trung tâm, Đông và Bắc.

Hai khu này tồn tại cho đến năm 2010, khi chúng được thay thế trong quá trình cải cách. Hơn nữa, các Quân khu Moscow và Leningrad giống hệt với những quân khu tồn tại trước khi Liên Xô sụp đổ.

Vào thời điểm đó, hai quân khu này bao phủ lãnh thổ hiện tại của các vùng phía Nam và phía Tây và Hạm đội phương Bắc của Nga.

Trong trường hợp hai Quân khu Moscow và Leningrad được tái lập, điều đó có nghĩa là khu vực mới được thành lập dưới sự quản lý Hạm đội phương Bắc sẽ phân chia cho cả 2 quân khu mới và một phần của Quân khu phía Tây sẽ tách ra, thuộc về Quân khu Leningrad.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ