Hé lộ ‘Con đường ma’ đưa linh kiện vũ khí phương Tây về Nga

GD&TĐ - Mặc dù bị áp đặt các lệnh trừng phạt nhưng chuỗi sản xuất UAV Nga vẫn không bị gián đoạn do những “con đường ma” đưa linh kiện phương Tây về Nga.

Hé lộ ‘Con đường ma’ đưa linh kiện vũ khí phương Tây về Nga

UAV Orlan-10 khiến Ukraine mất ăn mất ngủ

Một cuộc điều tra chung tiến hành bởi “Viện nghiên cứu Lực lượng Liên hợp Hoàng gia Anh” (Royal United Services Institute - RUSI), Reuters và iStories tiết lộ rằng, một công ty Nga chuyên sản xuất máy bay không người lái (UAV) Orlan-10, tiếp tục nhận các bộ phận linh kiện của phương Tây thông qua các công ty trung gian ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nga để lách lệnh trừng phạt.

UAV Orlan-10 đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn đạn pháo tới các vị trí trú quân và điểm hỏa lực của Ukraine. Các lực lượng Nga được cho là đã bắn tới 20.000 quả đạn pháo mỗi ngày với sự giúp đỡ đắc lực của loại máy bay trinh sát không người lái cấp chiến thuật này.

Orlan-10 là một UAV công nghệ cao nhưng giá cả hợp lý do “Trung tâm Công nghệ Đặc biệt” (tiếng Nga: Spetsialniy Tekhnologicheskiy Tsentr, tiếng Anh: Special Technology Centre - STC), tên đầy đủ là Công ty Trách nhiệm hữu hạn “Trung tâm Công nghệ Đặc biệt” (STC LLC hoặc STC), chế tạo và sản xuất.

Giá của UAV Orlan-10 dao động từ 87.000 USD đến 120.000 USD cho mỗi hệ thống, quá rẻ nếu so sánh với những loại vũ khí đắt tiền Ukraine đã bị phá hủy vì bị nó phát hiện, giám sát và hướng dẫn hỏa lực tiêu diệt.

Máy bay không người lái trinh sát Orlan-10 được sử dụng để xác định vị trí của các nhóm quân và phương tiện chiến đấu của Ukraine từ độ cao trung bình, truyền vị trí của họ về sở chỉ huy và chuẩn bị cho các cuộc tấn công bằng các UAV tự sát, đạn bay, pháo, tên lửa…, một nhanh chóng.

Khả năng mang theo nhiều loại vũ khí quân sự khác nhau của UAV vũ trang dòng Orlan cho phép nó thực hiện một số nhiệm vụ khác.

Khi có một chiếc Orlan-10 bay trên đầu quân Ukraine, thời gian phản ứng của pháo binh Nga có thể chưa đến ba phút sau khi phát hiện mục tiêu, khiến kẻ thù có quá ít thời gian để chạy trốn khỏi khu vực bị nhắm mục tiêu; còn khi không bị UAV giám sát, thời gian phản ứng của pháo binh Nga là khoảng 20 phút, cho phép các đơn vị Ukraine có thể trốn thoát.

Nó được cho là có khả năng di chuyển với vận tốc thấp nhất 150 km/h và trần bay cao nhất tới hơn 5.000 mét khiến nó khó bị phát hiện và bắn hạ. Tầm bay cao và thời gian lưu không dài chính là một thách thức đối với các lực lượng mặt đất của Ukraine khi chống lại Orlan-10.

Mặc dù Orlan-10 có thể hoạt động ngoài tầm hoạt động của hầu hết các hệ thống phòng không cơ động (MANPADS), nhưng trong nhiều trường hợp, nó cũng bay thấp hơn nhiều để xác định chính xác mục tiêu. Nên trong thực tế, cũng có khá nhiều UAV loại này đã bị bắn hạ.

Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ động số 81 đã hạ được một chiếc Orlan-10 của Nga bằng một pháo cao xạ Zu-23-2 gắn trên xe tải.
Các binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ động số 81 đã hạ được một chiếc Orlan-10 của Nga bằng một pháo cao xạ Zu-23-2 gắn trên xe tải.

UAV Nga dùng nhiều linh kiện phương Tây

Kể từ năm 2014, Nga đã sử dụng các phiên bản khác nhau của dòng UAV Orlan để kiểm soát và giám sát hỏa lực. Một phiên bản khác của dòng máy bay không người lái này cũng có thể nghe lén các cuộc trò chuyện và chặn liên lạc di động; trong khi một chiếc loại khác cũng đã được sử dụng để phát đi các thông điệp tuyên truyền cho lực lượng Nga.

Ngoài ra, máy bay không người lái dòng Orlan cũng có thể được sử dụng cùng với các hệ thống có/không người lái khác, bao gồm cả các UAV khác, để tạo ra các tổ hợp hiệu ứng phức tạp hơn.

Hiện nay, Quân đội Nga cũng đang nỗ lực khẩn cấp để tăng số lượng Orlan-10 sẵn sàng cho các vai trò phát hiện, trinh sát, tác chiến điện tử và SEAD/DEAD (viết tắt của các cụm từ: “Suppression of Enemy Air Defenses” (tức “Chế áp hệ thống phòng không địch”) và “Destruction of Enemy Air Defenses” (“Phá hủy Hệ thống Phòng không địch”) ở Ukraine, khi cả hai bên sẵn sàng cho các hoạt động tấn công chiến đấu mới vào mùa xuân năm 2023.

Do chiến lược quân sự của cả hai bên chủ yếu dựa vào hỏa lực pháo binh nên sự hiện diện hay vắng mặt của UAV Nga ở Ukraine là rất quan trọng trong việc xác định khả năng sát thương của Nga. Do đó, khả năng sản xuất UAV của Nga là điều khiến giới quân sự phương Tây quan tâm nhất.

Trong dòng UAV Orlan, Orlan-10 là một trong những loại UAV sử dụng công nghệ quân sự thiết yếu và có khả năng gây nguy hiểm nhất của Nga, nhưng do quá trình toàn cầu hóa chuỗi cung ứng, một số thành phần cấu kiện và linh kiện dùng để sản xuất loại UAV này lại phụ thuộc vào các nhà cung cấp phương Tây.

Được biết, công ty sản xuất máy bay không người lái Orlan là STC ( “Trung tâm Công nghệ Đặc biệt”) đã chịu lệnh trừng phạt của Mỹ ngay từ năm 2016, không được phép mua sắm vật tư, linh kiện của phương Tây. Và đây là điểm yếu khiến Nga có thể bị gián đoạn quá trình sản xuất.

Thế nhưng Nga vẫn đều đều xuất xưởng các lô UAV Orlan-10 và một trong những chủ sở hữu của STC là ông Alexei Terentyev đã có tuyên bố đáng lưu ý về việc doanh nghiệp này “không cảm thấy ảnh hưởng của lệnh trừng phạt” và thực sự đã “phát triển đáng tin cậy hơn”.

Vậy điều này phải giải thích như thế nào? Hóa ra, nguyên nhân Nga không bị gián đoạn sản xuất UAV là do mặc dù bị phương Tây cấm vận mua sắm linh kiện điện tử nhưng các công ty Nga đã “đi đường vòng” để có được những cấu kiện mà Nga chưa thể sản xuất được, hoặc đã chế tạo được nhưng giá cả quá cao.

Máy bay trinh sát không người lái Orlan-10 có vai trò cực kỳ quan trọng trên chiến trường.
Máy bay trinh sát không người lái Orlan-10 có vai trò cực kỳ quan trọng trên chiến trường.

“Con đường ma” đưa linh kiện phương Tây về Nga

Theo điều tra, phương Tây nói công ty Nga đã sử dụng những “con đường ma” để mua các linh kiện của phương Tây thông qua các nhà trung gian. Chỉ tính từ tháng 1 đến tháng 10/2022, công ty này đã nhập một số hàng rất lớn, trị giá hàng triệu dollars.

Cuộc điều tra liệt kê một số nhà sản xuất bộ phận cho UAV Orlan-10 do Nga sản xuất, bao gồm Altera và Xilinx, Texas Instruments, Microchip Technology, Analog Devices, Linear Technology có trụ sở tại Hoa Kỳ; STMicroelectronics và NXP Semiconductors của Châu Âu; cũng như một số công ty Nhật Bản như: Renesas Electronics và Saito Seisakusho.

Các công ty này không thể trực tiếp cung cấp các bộ phận linh kiện cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Tuy nhiên, một mạng lưới trung gian đã được thiết lập giữa các nhà cung cấp phương Tây và người nhận Nga.

Các nhà điều tra đã phát hiện ra mạng lưới này bằng cách xem xét dữ liệu tài chính và hải quan liên quan đến nhà sản xuất UAV Orlan.

Cuộc điều tra cho biết, STC đã mua một số linh kiện nước ngoài để sản xuất máy bay không người lái thông qua mạng lưới Citilink của Nga. SMT-iLogic của St. Petersburg, nhận được 80% doanh thu từ STC vào năm 2022, là một nhà cung cấp thiết bị điện tử khác.

Theo các tác giả, SMT-iLogic đã mua lại các linh kiện phương Tây từ Asia Pacific Links (Hong Kong). Công ty được cho là đã chi khoảng 6 triệu dollars cho việc mua lại các thành phần của Orlan-10 kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga-Ukraine. Đáng lưu ý, một công dân Nga mang tên Anton Trofimov được coi là chủ sở hữu chính thức của Asia Pacific Links.

SMT-iLogic cũng đã mua các bộ phận cấu kiện của Orlan từ công ty Ik Tech của Mỹ, mà người thành lập chính là Igor Kazhdan - một công dân Nga có quốc tịch Hoa Kỳ. Từ năm 2018 đến năm 2021, Ik Tech đã cung cấp khoảng 1.400 module bộ xử lý GUM3703FEBY được tìm thấy trong đống mãnh vỡ của một chiếc Orlans-10 sau vụ Nga tập kích Ukraine.

Igor Kazhdan bị bắt vào tháng 2, hai tuần trước khi Nga mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, vì bị tình nghi buôn lậu vũ khí và các mặt hàng công nghệ ưỡng dụng vào Nga. Anh ta bị cáo buộc tiến hành kinh doanh với các công ty Nga, trong khi trốn tránh các thủ tục báo cáo và cấp phép ở Mỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.