Tỷ lệ giải ngân không tăng

GD&TĐ - Chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng 'nóng' cho dù đây không phải là vấn đề mới...

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo công văn mới đây của Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 4/2024, có 316 dự án, tiểu dự án tại 48 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương do địa phương quản lý là 0%.

Theo đó, Điện Biên là tỉnh có số lượng dự án chưa giải ngân nhiều nhất với 105 dự án, tổng vốn được giao gần 344 tỷ đồng. Tiếp đó là Sơn La, 22 dự án; Hòa Bình, 18 dự án; Quảng Bình, 13 dự án; Bắc Kạn, 9 dự án.

Các tỉnh Đắk Nông, Nghệ An, Hà Tĩnh mỗi tỉnh có 8 dự án; Bắc Giang, Quảng Trị, Bình Thuận, Hà Giang mỗi tỉnh có 7 dự án. Tỉnh Lâm Đồng có 6 dự án nhưng số vốn đầu tư triển khai năm 2024 chưa giải ngân đến ngày 30/4 lên tới hơn 1.000 tỷ đồng…

Để đạt mục tiêu giải ngân trên 95% vốn đầu tư công năm 2024, Bộ Tài chính đề nghị UBND các tỉnh, thành phố nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả nguồn vốn.

Chỉ đạo chủ đầu tư, các sở, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Đẩy nhanh thủ tục giải ngân vốn đầu tư công các dự án chưa giải ngân hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp hơn tỷ lệ giải ngân bình quân của cả nước mà Bộ Tài chính đã công khai hàng tháng.

Chủ động rà soát và điều chuyển vốn theo thẩm quyền giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn. Trường hợp vượt thẩm quyền, đề nghị gửi các bộ có liên quan để tổng hợp theo quy định.

Thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn đầu tư phải theo đúng quy định và ngay khi có khối lượng. Việc tạm ứng, mức vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng theo đúng quy định của Chính phủ, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng “nóng” cho dù đây không phải là vấn đề mới. Theo Bộ Tài chính, lý do là vẫn còn nhiều vướng mắc, trong đó, một số vướng mắc đã tồn tại trong thời gian dài liên quan đến cơ chế chính sách, công tác giải phóng mặt bằng, biến động giá nguyên vật liệu... chậm hoặc chưa được tháo gỡ kịp thời, hiệu quả.

Còn theo một số địa phương thì lý dó là bởi công tác chuẩn bị đầu tư còn chậm, số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024 khá lớn. Nguồn vật liệu san lấp thiếu; công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Năng lực một số cán bộ thực thi nhiệm vụ trong một số lĩnh vực về quản lý dự án, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách Nhà nước còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Có thể thấy, những nguyên nhân dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công gồm cả khách quan và chủ quan đã được chỉ rõ. Vậy điểm nghẽn ở đâu? Tại sao bao nhiêu năm qua việc giải ngân vẫn nan giải dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra?

Có thể khẳng định, việc chậm giải ngân không hoàn toàn do những vướng mắc về chính sách, mà còn có phần chủ yếu do thực thi. Đó là do mỗi địa phương có tính chất, đặc thù khác nhau nên việc triển khai đương nhiên cũng có kết quả khác nhau.

Bởi vậy, ngoài việc nhận diện những nguyên nhân do cơ chế chính sách, phải làm rõ được trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân, từng khâu trong việc dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Vậy nên, như ý kiến của một chuyên gia thì nguyên nhân nào có giải pháp đó. Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công có nguyên nhân chủ quan là nhiều. Cơ chế, chính sách về đầu tư công vừa qua đã được sửa liên tục, qua đó, dù những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn chưa tháo gỡ hết nhưng những “nút thắt” trước kia đã được “gỡ” rất nhiều. Thế nhưng tại sao tỷ lệ giải ngân không tăng tương ứng? Đây là câu hỏi cần phải trả lời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.