Tháp tùng Đoàn công tác có đại diện một số Bộ, cơ quan như: Bộ KH&ĐT; Bộ Xây dựng; Bộ Công Thương; Bộ TN&MT; Bộ Tài chính; Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Vụ Giáo dục đại học; Văn phòng Bộ GD&ĐT; Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD&ĐT)...
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh có ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
Tỉnh Bạc Liêu có ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành.
Tỉnh Sóc Trăng có ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành.
Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh phát biểu tại buổi làm việc. |
Tín hiệu khả quan phát triển kinh tế - xã hội
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn làm trưởng Đoàn công tác làm việc với 3 tỉnh, để trao đổi, nắm bắt về tình hình triển khai thực hiện, khó khăn, vướng mắc, qua đó báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn.
Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh ,từ tháng 7/2023 đến nay, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với 3 tỉnh hằng tháng, có báo cáo Thủ tướng, đồng thời tổng hợp đầy đủ các kiến nghị của 3 tỉnh gửi tới Bộ KH&ĐT và các Bộ, cơ quan liên quan để nghiên cứu, giải quyết.
Hầu hết các kiến nghị, đề xuất của 3 tỉnh đã được các Bộ, cơ quan liên quan ghi nhận, giải quyết và trả lời.
Kết quả năm 2023, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 3 tỉnh đạt khá cao. Về quy mô GRDP, tỉnh Trà Vinh xếp thứ 40/63 tỉnh/thành với quy mô GRDP đạt 72.441 tỷ đồng; Sóc Trăng đứng thứ 44 với quy mô GRDP đạt 65.709 tỷ đồng; Bạc Liêu đứng thứ 48 với quy mô GRDP đạt 55.633 tỷ đồng…
Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh 2 tháng đầu năm 2024, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, lĩnh vực công nghiệp, ngay sau Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp nhanh chóng đi vào hoạt động, số lao động trở lại làm việc đạt trên 98%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 63,18%, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 5.943,759 tỷ đồng, đạt 14,73% kế hoạch, tăng 33,26% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 2 tháng đầu năm, thành lập mới 90 doanh nghiệp (đạt 17,3% kế hoạch) so với cùng kỳ, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 21 doanh nghiệp.
Tổng kế hoạch vốn năm 2023 là 4.760 tỷ đồng, đến 31/1/2024, giải ngân đạt 95% (cùng kỳ giải ngân đạt 94,8% kế hoạch). Phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 đảm bảo đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định; tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 4.766,745 tỷ đồng, đến 16/02/2024, giải ngân 700,025 tỷ đồng, đạt 14,7% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân đạt 10,3% kế hoạch).
Thành viên trong đoàn công tác trả lời các kiến nghị của địa phương. |
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu thông tin, sản xuất công nghiệp trong 2 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng khá so với cùng kỳ. Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp ước tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Hoạt động thương mại và dịch vụ nội địa trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 2 ước đạt 6.106,30 tỷ đồng, nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng ước đạt 12.479,71 tỷ đồng, đạt 14,55% kế hoạch, tăng 5,54% so với cùng kỳ.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2 ước đạt 64,14 triệu USD, nâng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 2 tháng ước đạt 130,7 triệu USD, đạt 11,28% kế hoạch, tăng 5,65% so với cùng kỳ.
Trong tháng 12/2023, UBND tỉnh đã phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 đến các chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Tính đến ngày 20/2/2024, đã giải ngân 231,831/3.635,492 tỷ đồng, đạt 6,38% kế hoạch.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng báo cáo tại buổi làm việc. |
Tỉnh Sóc Trăng cũng có tín hiệu khả quan về kinh tế, ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1/2024 tăng 11,07% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 1/2024 đạt 7.844,6 tỷ đồng, tăng 2,06% so với tháng trước, tăng 5,31% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh Sóc Trăng là 5.854,534 tỷ (ngân sách Trung ương 2.780,059 tỷ đồng; ngân sách địa phương 3.074,475 tỷ đồng).
Về kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tính đến 15/2/2024, đã giải ngân 5,5% kế hoạch...
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Triển khai quyết liệt giải pháp phát triển kinh tế, xã hội và giải ngân vốn đầu tư công
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thay mặt Đoàn công tác đánh giá cao kết quả đạt được của 3 tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên có thể đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 3 tỉnh đều đã đạt được những kết quả khá khả quan trên các mặt sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ chi tiết và thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý, bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo của các tỉnh cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công và xuất nhập khẩu.
Bộ trưởng đề nghị 3 tỉnh bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra năm 2024, tiếp tục phát huy tinh thần, kết quả đã đạt được của năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; khắc phục khó khăn để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm, thúc đẩy xuất nhập khẩu.
Các địa phương tập trung vào một số nội dung như: Rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, quý để tập trung chỉ đạo, điều hành; giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh...
Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực “tăng tốc” cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Khẩn trương phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công ngân sách Nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng giao, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật đầu tư công và các nghị quyết của Chính phủ. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng.
Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh trên tất cả các lĩnh vực; thực hiện thực chất cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy định kinh doanh…