Để bảo đảm tiến độ, bên cạnh các giải pháp đôn đốc, gỡ khó còn gắn trách nhiệm đối với các sở, ngành.
Giải ngân công trình trọng điểm
Để bảo đảm giải ngân vốn đầu tư công năm 2024, TP Cần Thơ tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thành phố sẽ kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý phù hợp đối với người đứng đầu đơn vị chủ đầu tư/chủ dự án, quản lý dự án và đơn vị có liên quan về việc chậm tiến độ thực hiện và giải ngân.
Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước TP Cần Thơ, tính đến 21/2/2024, kết quả giải ngân kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công là 1.312,83/7.985,889 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 16,4% kế hoạch vốn thực hiện được HĐND TP giao chi tiết.
Trong đó, cấp thành phố giải ngân 1.040,186/5.103,268 tỷ đồng, đạt 20,4% kế hoạch; cấp quận huyện giải ngân 272,644/2.882,621 tỷ đồng, đạt 9,5% kế hoạch.
Nhằm tiếp tục phát huy và chấn chỉnh các mặt còn tồn tại, hạn chế, giải quyết kịp thời các vướng mắc, điểm nghẽn trong đầu tư thời gian qua, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - Trần Việt Trường, yêu cầu giám đốc các sở, thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, quận, huyện tổ chức rà soát, hoàn thành ngay công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật, sớm khởi công công trình/gói thầu…
Các chủ đầu tư/chủ dự án, đơn vị quản lý dự án, UBND các quận, huyện, căn cứ tỷ lệ giải ngân được giao, có văn bản cam kết tỷ lệ giải ngân, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu giải ngân chi tiết từng tháng gửi Sở KH&ĐT tổng hợp, báo cáo UBND TP.
Tại An Giang, năm 2024 tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh trên 8.029 tỷ đồng, tăng gần 381 tỷ đồng so năm 2023. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 3.686 tỷ đồng, gồm vốn trong nước hơn 3.484 tỷ đồng bố trí cho 12 dự án (10 dự án chuyển tiếp và 2 dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên kết vùng như dự án xây dựng tuyến đường liên kết vùng, đoạn từ thị xã Tân Châu đến TP Châu Đốc, kết nối tỉnh Kiên Giang và Đồng Tháp; Dự án Thành phần 1 thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1); vốn ngoài nước trên 202 tỷ đồng, bố trí thực hiện Dự án Nâng cấp trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Sản - Nhi An Giang.
Vốn ngân sách địa phương năm 2024 gần 4.343 tỷ đồng, bố trí thực hiện theo ngành và lĩnh vực 160 dự án, để chuẩn bị đầu tư 4 dự án, khởi công mới 40 dự án, chuyển tiếp 116 dự án…
Theo đại diện Sở KH&ĐT An Giang, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án theo từng tháng, có phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi từng dự án, gửi về Sở KH&ĐT, Văn phòng UBND tỉnh.
An Giang yêu cầu các chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các dự án phải bảo đảm hồ sơ thủ tục; thanh toán, quyết toán vốn kịp thời, chặt chẽ, bảo đảm đúng quy định.
Các đơn vị liên quan có trách nhiệm triển khai thi công dự án phải bảo đảm chất lượng, hiệu quả sau đầu tư; chủ động rà soát và đề xuất khối lượng cát bảo đảm cho các dự án, đặc biệt là các dự án giao thông trọng điểm...
Cầu Trần Hoàng Na - công trình trọng điểm của TP Cần Thơ sắp được khánh thành. |
Vốn giao đến đâu giải ngân hết đến đó
Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ về sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, giải ngân đầu tư công và xuất nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu, báo cáo cho thấy, 2 tháng đầu năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn 3 tỉnh: Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã đạt được những kết quả khá khả quan trên các mặt sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bổ chi tiết và thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu.
Trao đổi về công tác giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 bảo đảm đúng nguyên tắc, tiêu chí theo quy định.
UBND tỉnh Trà Vinh tổng kế hoạch vốn năm 2024 là 4.766,745 tỷ đồng, đến 16/2/2024, giải ngân 700,025 tỷ đồng, đạt 14,7% kế hoạch (cùng kỳ giải ngân đạt 10,3% kế hoạch).
Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 giải ngân 633,517 tỷ đồng/4.440,821 tỷ đồng, đạt 14,3% kế hoạch; kế hoạch năm 2023 chuyển sang (dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023) giải ngân 66,508 tỷ đồng/192,624 tỷ đồng, đạt 34,5% kế hoạch.
Ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh là 5.854,534 tỷ đồng; trong đó ngân sách Trung ương 2.780,059 tỷ đồng; ngân sách địa phương 3.074,475 tỷ đồng.
Kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, tính đến 15/2/2024, đã giải ngân 5,5% kế hoạch. Trong đó, ngân sách Trung ương giải ngân 4,22% kế hoạch; ngân sách địa phương giải ngân 6,67% kế hoạch…
Năm 2024, tỉnh Bạc Liêu tích cực triển khai nhiều công trình, dự án động lực gắn với quy hoạch đã được công bố.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh này, công tác đầu tư xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công gắn với những giải pháp căn cơ hơn.
Trong đó, cần tăng cường vai trò của cấp ủy và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác này, dựa trên phương châm “vốn giao đến đâu giải ngân hết đến đó”…
Ông Phan Thanh Duy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, công tác đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm chỉ đạo tập trung triển khai thực hiện quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn.
Trong tháng 12/2023, UBND tỉnh Bạc Liêu đã phân bổ vốn đầu tư công năm 2024 đến các chủ đầu tư để sớm triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Tính đến 20/2/2024, đã giải ngân 231,831/3.635,492 tỷ đồng, đạt 6,38% kế hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cũng cho biết thêm, trên cơ sở phân bổ của Chính phủ, Bạc Liêu thực hiện rất tốt, nhưng các công trình hạ tầng trên địa bàn đang gặp khó khăn về cát san lấp, dẫn đến bị chậm tiến độ.
Thực hiện các dự án trọng điểm do Trung ương đầu tư quản lý, hiện nay rất khó, vì Bạc Liêu không có nguồn nguyên liệu tại chỗ, nhất là cát để san lấp, dẫn đến tiến độ thi công của cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa phương chậm tiến độ.
Về giải pháp, Bạc Liêu là một trong những địa phương được Bộ GTVT chọn để thí điểm lấy cát biển san lấp.
Theo đánh giá, tác động về môi trường không ảnh hưởng, lúa vẫn phát triển tốt, độ sụt lún cơ bản bảo đảm...