Tuyển sinh trường nghề: Mở ngành đổi mã vẫn “đói” người học

GD&TĐ - Nhiều trường nghề đã phải mở ngành mới hoặc đổi tên, mã ngành, hay điều chỉnh cách xét tuyển và tư vấn để thu hút người học.

Để bảo đảm chất lượng, các cơ sở đào tạo nghề cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy nghề. Ảnh minh họa
Để bảo đảm chất lượng, các cơ sở đào tạo nghề cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy nghề. Ảnh minh họa

Khó tuyển sinh

Các trường cao đẳng, trung cấp khối giáo dục nghề nghiệp đã công bố phương án tuyển sinh cho năm 2021 và bắt đầu nhận hồ sơ. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhiều trường có những mã ngành chỉ nhận được số lượng đếm “trên đầu ngón tay”.

Theo ông Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, tình hình tuyển sinh năm nay không khả quan hơn năm trước vì dịch bệnh diễn biến phức tạp. Hiện trường mới nhận được rất ít hồ sơ đăng ký xét tuyển. Vì nguồn tuyển chậm trễ, phụ huynh lưỡng lự. Đến nay, một số trường còn chưa xác định được số lượng đăng ký nên trường gặp nhiều khó khăn. Có thể đến tháng 7, các em học THCS mới nộp hồ sơ và đến tháng 9, các em học THPT mới bắt đầu tìm hiểu những trường nghề và nộp hồ sơ.

Để đáp ứng nhu cầu của xã hội và phù hợp với tình hình, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn mở thêm khối ngành ngôn ngữ với 3 ngành: Ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật cho 150 chỉ tiêu.

Theo ông Hoàng Văn Phúc, học viên học các ngành này có thể vừa học nghề vừa học được ngoại ngữ, dễ dàng kiếm việc trong thị trường lao động mở, hòa nhập. Sau khi học xong, học viên có thể học tiếp ở nước ngoài hoặc sang lao động. Đồng thời, học viên có thể làm việc tại các công ty nước ngoài ở Việt Nam hoặc làm hướng dẫn viên du lịch, biên dịch viên, phiên dịch viên… Theo ông Phúc, đây cũng là cách để thu hút nguồn tuyển sinh cho nhà trường.

Hiện, nhiều trường đã mở rộng, đổi mới ngành nghề đào tạo để đáp ứng nhu cầu của người học cũng như vấn đề lao động việc làm. ThS Trần Kim Tuyền, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề TPHCM cho biết, dự kiến trường xét tuyển 1.215 chỉ tiêu cho 14 ngành cao đẳng và 525 chỉ tiêu cho 10 ngành trung cấp. Hiện, trường cũng chưa nhận được nhiều hồ sơ nên vẫn tiếp tục công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh trực tuyến cho học sinh. Bên cạnh đó, trường cũng cho học sinh nộp hồ sơ trực tuyến. Có thể phải đến tháng 7 hoặc tháng 8 học sinh mới bắt đầu nộp hồ sơ tuyển sinh nhiều.

Cũng theo ThS Trần Kim Tuyền, trường đang làm hồ sơ để đổi tên, mở rộng những nhóm nghề kén thí sinh để thu hút các em hơn. Một số ngành được ưu tiên như nghề chế biến thực phẩm được đổi thành công nghệ thực phẩm. Ngành cắt gọt kim loại đổi thành công nghệ chế tạo. Nghề điện tử công nghiệp thay cho nghề điện…; Để tuyển sinh, trường cũng bổ sung những nghề đã có ở hệ cao đẳng nhưng chưa có ở hệ trung cấp.

Lo lắng việc đổi tên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hay lộ trình đào tạo, ThS Trần Kim Tuyền cho rằng: “Việc đổi này chỉ là đổi tên nghề, chứ thực chất vẫn đào tạo nghề đó và có thể bổ sung một số chuyên môn cụ thể. Thay đổi này để nghe hiện đại hơn, phù hợp với sự phát triển của xã hội, thu hút thí sinh hơn. Nhưng hiện tại, trường vẫn giữ cả tên mới và cũ để duy trì tuyển sinh, đào tạo và sẽ thay đổi dần theo lộ trình”.

Mở mã ngành phải bảo đảm được chất lượng đầu ra

Nhiều cơ sở GDNN khác cũng ồ ạt mở thêm mã ngành học mới. Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM xét tuyển 1.400 chỉ tiêu cho 20 ngành cao đẳng, tăng gần 100 chỉ tiêu so với năm 2020. Trường dự kiến mở thêm 7 ngành mới với 280 chỉ tiêu như các ngành logistics, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí, quản trị khách sạn… Với bậc trung cấp, trường tuyển 800 chỉ tiêu cho 13 ngành khác nhau.

ThS Phạm Đức Khiêm - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Dù nhiều trường sẽ gặp khó khăn trong tuyển sinh nhưng hầu hết đã có “kịch bản” cho việc phát triển, nâng cao chất lượng đào tạo và các chính sách thu hút người học. Đối với nhà trường, năm 2021 sẽ là năm quan trọng khi trường bắt đầu kết hợp với trung tâm giáo dục thường xuyên giảng dạy chương trình giáo dục bảy môn cho các em đã tốt nghiệp THCS.

Đây là đối tượng được nhiều cơ sở GDNN “để mắt” tới nhằm hướng nghiệp cho các em khi còn là học sinh. Điều này cũng giúp các em đủ điều kiện dự thi tốt nghiệp THPT, có thể liên thông lên ĐH sau này.

Tuy nhiên, lưu ý trong vấn đề mở nhiều mã ngành, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng: Phải có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường. Điều này nhằm bảo đảm được chất lượng đầu ra cũng như việc làm cho sinh viên. Từ đó, nhà trường phải hiểu được nhu cầu của doanh nghiệp tuyển dụng như thế nào, yêu cầu về nhân lực ra sao... Qua đây, trường sẽ chủ động thay đổi chương trình, phương pháp đào tạo, bổ sung những nội dung mà trước đó nhà trường chưa có.

Ví dụ như hợp tác với Hàn Quốc thì cần đưa các chương trình học về văn hóa, ngôn ngữ, đặc thù của người Hàn… Như vậy, các em sẽ được đào tạo ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu của các đơn vị tuyển dụng lao động.

Như vậy, để việc liên kết được thành công, nhà trường phải bám sát với yêu cầu của doanh nghiệp. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần hiểu về quá trình đào tạo của nhà trường một cách xuyên suốt.

Ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh: Mở thêm mã ngành học cũng là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, các cơ sở đào tạo nghề cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy nghề. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quy mô tuyển sinh, cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Phô diễn sức mạnh tên lửa

GD&TĐ - Chảo lửa Trung Đông những ngày qua chứng kiến một sự kiện mang tính lịch sử khi Iran phóng gần 200 quả tên lửa đạn đạo vào Israel.