Trường nghề khó tuyển sinh

GD&TĐ - Nhiều trường cao đẳng gặp khó khăn trong tuyển sinh đã phải sáp nhập hoặc giải thể. Năm 2020, 21 trường nghề công lập của Hà Nội chỉ tuyển sinh đạt gần 50% chỉ tiêu.

Tuyển sinh là một trong những vấn đề “sống còn” đối với các trường cao đẳng. (Trong ảnh: Phòng thực hành Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh). Ảnh: NVCC
Tuyển sinh là một trong những vấn đề “sống còn” đối với các trường cao đẳng. (Trong ảnh: Phòng thực hành Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh). Ảnh: NVCC

Tuyển sinh chỉ đạt gần 50%

Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH Hà Nội, năm 2020, mạng lưới 21 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc thành phố đặt mục tiêu tuyển 18.735 người (7.980 chỉ tiêu hệ cao đẳng, 10.755 chỉ tiêu hệ trung cấp).

Tuy nhiên, các trường chỉ tuyển sinh được 2.514 người học trình độ cao đẳng, đạt 31,5% kế hoạch; 6.520 người học trình độ trung cấp, đạt 60,6%... Kết quả tuyển sinh của 21 trường nghề công lập từ đầu năm 2020 đến nay mới đạt gần 50% chỉ tiêu.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó Giám đốc Sở LĐ,TB&XH Hà Nội lý giải, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc gắn kết “bốn nhà”: Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - gia đình nhằm bảo đảm đầu ra cho người học còn thiếu cơ chế ràng buộc, nên chưa có nhiều doanh nghiệp “mặn mà” tham gia.

TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, khó khăn chung của các trường là làm sao để không những tuyển sinh được, mà còn phải tuyển được thí sinh có chất lượng vào học.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, công tác tuyển sinh trong hệ thống GDNN khó khăn hơn rất nhiều. Dịch bệnh đã làm hạn chế lớn trong việc tiếp cận trực tiếp học sinh cuối cấp, cũng như tổ chức các chương trình, hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Theo TS Lê Đình Kha, muốn tuyển sinh được cần cả một quá trình xây dựng và phát triển. Giá trị cốt lõi phải đạt được là bảo đảm chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp phải được doanh nghiệp đánh giá cao, có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Đồng thời, có tác phong công nghiệp, có tư duy giải quyết các vấn đề.

Hơn nữa, nhà trường cần đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh. Hoạt động tư vấn tại trường phổ thông, tư vấn tập trung cần được tổ chức theo khu vực. Những buổi hướng nghiệp cần có sự tham gia, đồng hành của đội ngũ giảng viên nhằm giúp thí sinh hiểu về ngành, nghề mà mình muốn đăng ký học. 

Sau tự chủ là… tăng học phí

Tự chủ đã được Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) khẳng định là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Tuy vậy, khi bắt tay vào thực hiện, tất cả các nguồn thu, chi đều không có sẵn công thức. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực của người quản lý, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Hầu hết trường cao đẳng hướng đến tự chủ đều phải tăng thu, giảm chi. Thông thường là tăng học phí để duy trì. Tuy nhiên, đời sống kinh tế ngày càng khó khăn, để hướng đến tự chủ mà tăng các khoản thu sẽ ảnh hưởng lớn đến tuyển sinh.

Đại diện một số trường nghề phản ánh, do đời sống của nhiều người lao động gặp khó khăn nên nhiều học sinh không thể học nghề. Trong bối cảnh dịch, nhiều lao động mất việc làm, số lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng lên. Theo tính toán, sẽ có nhóm học viên có nhu cầu học nghề ngắn hạn để chuyển đổi nghề nghiệp. Vì thế, nhà trường sẽ rộng mở cơ hội tuyển sinh. Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường lao động không có nhiều cơ hội việc làm, khiến người lao động không định hướng được nên học nghề gì cho phù hợp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tuyển sinh của nhà trường.

NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy -  Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết, phải làm sao để tự chủ nhưng không bị đánh đồng là thương mại hóa giáo dục. Muốn như vậy, phải công khai, minh bạch các nguồn thu, rõ mục đích chi và quyết toán cuối năm với phụ huynh, học sinh. Đây là điều bắt buộc với tất cả các trường và phải có trách nhiệm giải trình nếu như các phụ huynh yêu cầu. Điều quan trọng là các nguồn thu của phụ huynh, học sinh phải phục vụ chất lượng giáo dục, phục vụ trực tiếp cho việc dạy và học. Nghĩa là mức thu học phí tăng lên cũng phải bảo đảm chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… phù hợp mới thu hút được người học.

Cũng theo NGƯT.TS Nguyễn Quốc Huy, vấn đề tuyển sinh vẫn bộc lộ một số hạn chế như mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề đào tạo. Một số nghề nặng nhọc, độc hại, ngành nghề năng khiếu gặp nhiều khó khăn khi tuyển sinh. Ngoài ra, nếu hướng đến tự chủ, nhiều ngành nghề thuộc lĩnh vực nghệ thuật cũng khó duy trì bởi đặc thù đào tạo.

Đồng thời, công tác phân luồng sau tốt nghiệp trung học phổ thông, trung học cơ sở chưa được quan tâm triển khai đồng bộ ở một số địa phương. Công tác dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở cấp quốc gia chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, việc mở rộng quy mô đào tạo, phát triển ngành nghề mới của các cơ sở GDNN gặp nhiều khó khăn.

Về vấn đề chỉ tiêu tuyển sinh, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, không có ai bó hẹp về chỉ tiêu. Trường có nhu cầu bao nhiêu thì đăng ký số lượng bấy nhiêu. Tuy nhiên, để đáp ứng được số lượng học viên tuyển hàng năm, trường phải bảo đảm hội tụ đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình, trang thiết bị… Trường cần  bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được cho phép tuyển sinh theo đúng nguyện vọng.

Như vậy, nói là tự chủ nhưng ở khía cạnh nào đó vẫn nằm trong khuôn khổ. Bởi các cơ sở GDNN phải bảo đảm được các yêu cầu đã quy định mới có thể tự chủ thành công. Đây cũng là bài toán không dễ đối với nhiều trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.