Hạn chế tiếp thu khi dạy thực hành online
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hoạt động đào tạo của cơ sở GDNN bị ảnh hưởng lớn.
Theo ông Chu Đức Khoan, Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ (Hà Nội), các tiết dạy thực hành nghề trực tiếp của nhiều giáo viên gần như phải ngưng vì dịch bệnh.
Để dạy học trực tuyến trong mùa Covid-19, nhà trường đã nhanh chóng triển khai việc sử dụng trang bị thiết bị công nghệ giảng dạy online với hệ thống thiết bị máy móc hiện đại. Các thiết bị này mô phỏng cho các chuyên ngành, nghề liên quan đến hướng dẫn kỹ năng thực hành nghề…
Tuy vậy, việc dạy thực hành nghề online vẫn gặp nhiều khó khăn như việc tiếp thu kỹ năng nghề còn hạn chế. Giáo viên giảng dạy chỉ truyền tải các kỹ năng hướng dẫn mẫu bằng cách mô phỏng qua video. Nghĩa là giáo viên thao tác mẫu trực tiếp trên các thiết bị, dụng cụ vật tư thật và quay video lại để cho học sinh quan sát. Sau đó cho học sinh xem video rồi thầy trò cùng quan sát và tương tác.
Tuy nhiên, việc dựng video mô phỏng gây tốn kém về công sức, vật tư, tài chính và thời gian. Và phải có thiết bị quay tốt, phòng quay tốt thì chất lượng video và âm thanh mới đảm bảo.
Theo ông Chu Đức Khoan, để có được kỹ năng tốt nhất trong thực hành nghề, học sinh phải được thực hành trực tiếp trên thiết bị dụng cụ vật tư thực. Giáo viên sẽ hướng dẫn và cầm tay chỉ việc cụ thể. Để giải quyết được vấn đề này, trong từng bài giảng thực hành, giáo viên phải giảng dạy với thời gian dài hơn để hướng dẫn các em tiếp thu được những kỹ năng cơ bản.
Việc học trực tuyến khá tốn kém. Nhà trường và giáo viên đã đầu tư tăng thêm vật tư thực hành để hoàn thiện sản phẩm và có đội ngũ quay video để mô phỏng kỹ năng.
“Ví dụ, bài giảng về lắp đặt điều hòa không khí thì chúng tôi phải thực hiện các kỹ năng lấy dấu lắp đặt cục nóng, lấy dấu lắp đặt cục lạnh, kỹ thuật uốn ống, loe ống đồng, và kỹ năng siết bắt rắc co, kỹ năng đấu nối dây điện, ống nước…
Đồng thời, trong mùa dịch này lại phải có thêm đội ngũ quay video dựng phim và biên tập thành video hoàn chỉnh để truyền tải cụ thể nhất từng kỹ năng từng việc cho học sinh hiểu được, thao tác được kỹ năng đó. Những vấn đề, những kỹ năng còn vướng, sẽ được thầy và trò tiếp tục tương tác để học sinh hiểu hơn về từng kỹ năng thực hành” - ông Chu Đức Khoan chia sẻ.
Học trực tuyến chỉ nên là phương pháp tạm thời
Theo giảng viên Hà Quốc Trung – Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu: Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, việc học trực tuyến làm giảm sự tương tác trực tiếp giữa giảng viên và sinh viên. Tâm lý của các em thường chưa sẵn sàng để tham gia học trực tuyến, nhất là khối ngành kĩ thuật cần được thực hành trên máy móc. Hiện, một số trường nghề còn thiếu thiết bị giảng dạy của giáo viên và thiết bị học tập của học sinh. Vì vậy, chưa đáp ứng hiệu quả của quá trình dạy và học.
Giảng viên Hà Quốc Trung cũng cho biết, nhiều giáo viên gặp khó trong quản lý học sinh, sinh viên. Bởi mỗi em học trực tuyến ở mỗi nơi khác nhau, thiết bị học của các em cũng không đồng bộ. Giáo viên mất nhiều thời gian vào việc quản lý lớp. Khi học trực tuyến, học sinh, sinh viên mệt mỏi hơn vì phải quan sát và nghe giảng liên tục, sự tương tác giữa giáo viên và các em không cuốn hút. Sự đánh giá kết quả bài giảng cũng khó khăn.
Giảng viên Hà Quốc Trung cho biết thêm, đối với giáo dục nghề nghiệp, nếu học online chỉ là phương pháp tạm thời trong thời gian ngắn thì các trường có thể xoay xở được. Điều lo lắng là nếu kéo dài, sinh viên thụ động và thiếu tính tự giác. Từ đó, khi thiếu đi tính tương tác trực tiếp sẽ làm giảm sự rèn luyện, hoàn thiện bản thân trong nền nếp học tập.
Ngoài ra, việc học trực tuyến kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch chung và nhiều hoạt động khác của nhà trường. Việc thiếu tương tác trong môi trường thực hành sẽ khiến sinh viên bị hạn chế điều kiện để học hỏi và thực hành những kỹ năng, thái độ ứng xử nghề nghiệp.
Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết: Giáo dục nghề nghiệp là lĩnh vực giáo dục đặc thù. Các trường phải phụ thuộc vào đặc điểm ngành nghề để xây dựng chương trình đào tạo trực tuyến. Đối với các ngành có hàm lượng lý thuyết nhiều như kế toán, chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn viên du lịch… có thể áp dụng hình thức học online.
Đối với những ngành học như ô tô, điện tử, cơ điện… chỉ đào tạo được những buổi học lý thuyết, thực hành gặp nhiều khó khăn. Những ngành nghề này, người học phải được thực hành bằng giác quan vật lý nên bắt buộc phải được tiếp xúc với máy móc mới có thể học được.
Đánh giá về hiệu quả của phương pháp học trực tuyến đối với giáo dục nghề nghiệp, ông Đồng Văn Ngọc cho rằng: Cần có những thay đổi cho phù hợp mới có thể đạt được hiệu quả trong dạy nghề. Đặc biệt, không nên áp dụng nền tảng công nghệ, chương trình đào tạo, giáo trình đào tạo từ trực tiếp sang trực tuyến. Các trường phải điều chỉnh chương trình cho phù hợp với cách học online.
Đồng thời, giáo viên phải thiết kế giáo trình, giáo án, học liệu số hóa phù hợp chứ không phải áp dụng nguyên giáo trình học trực tiếp sang học trực tuyến. Ngay cả phương pháp sư phạm dạy trực tuyến cũng phải đổi mới, khác với cách dạy trực tiếp.
“Theo đánh giá chủ quan, hiện nay, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn áp dụng cách dạy trực tiếp sang trực tuyến không mang lại hiệu quả cao cho đào tạo nghề. Các trường phải có phần mềm đào tạo chuyên biệt thích hợp. Chương trình đào tạo phải thực hiện trên nền tảng số mới mang lại hiệu quả trong dạy học trực tuyến” – ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.