Tuyển sinh trường nghề gặp khó: Khi giá trị cốt lõi chưa thuyết phục được người học

GD&TĐ - Dịch Covid-19 khiến nhiều trường nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh và chưa tuyển đủ chỉ tiêu.

Giờ học CNTT của học viên Trường CĐ Nghề chất lượng cao Hà Nội.
Giờ học CNTT của học viên Trường CĐ Nghề chất lượng cao Hà Nội.

Thiếu chỉ tiêu trầm trọng

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, hiện toàn thành phố có 59 trường cao đẳng và 64 trường trung cấp. Tính đến đầu tháng 10/2021, bậc cao đẳng mới tuyển sinh đạt hơn 44%, bậc trung cấp đạt hơn 27%.

Trước đây, khi các trường đại học xét tuyển xong thì khối trường nghề dễ dàng hơn khi tuyển sinh bằng học bạ. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, trường đại học đa dạng phương thức đầu vào. Điều này dẫn tới các trường cao đẳng, trung cấp phải chờ đến cuối mùa tuyển sinh mới biết được có đủ chỉ tiêu hay không.

Theo chuyên gia, phần lớn do dịch bệnh gây khó khăn, những sinh viên muốn học nghề sẽ học ngay tại địa phương để giảm chi phí, hạn chế lên thành phố lớn để tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra, việc có nhiều cơ hội vào đại học đã khiến số học sinh muốn học nghề giảm đi.

TS Hoàng Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bách khoa Sài Gòn cho biết, trường mới tuyển được 60% trong số hơn 500 chỉ tiêu. Trong khi cán bộ nhà trường đã đến tận các trường trung học phổ thông, trung học cơ sở để tuyển sinh. “Dù không thuận lợi, trường vẫn cố gắng tìm hướng giải quyết. Trong đó tập trung vào các ngành nghề chất lượng cao để thu hút người học” - TS Hoàng Văn Phúc nói.

Tình hình tuyển sinh trường nghề ở bậc trung cấp cũng gặp nhiều khó khăn. ThS Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM cho biết, năm 2021 trường có 600 chỉ tiêu. Hiện, có 300 thí sinh đăng ký trực tuyến, nhưng mới chỉ có hơn 100 em nhập học.

TS Lê Đình Kha – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng cho biết, khó khăn chung của các trường là làm sao để không những tuyển sinh được, mà còn phải tuyển được thí sinh có chất lượng vào học.

Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, công tác tuyển sinh trong hệ thống GDNN khó khăn hơn rất nhiều. Dịch bệnh đã làm hạn chế lớn trong việc tiếp cận trực tiếp học sinh cuối cấp, cũng như tổ chức các chương trình, hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Theo TS Lê Đình Kha, muốn tuyển sinh được cần cả một quá trình xây dựng và phát triển. Giá trị cốt lõi phải đạt được là bảo đảm chất lượng đào tạo. Sinh viên tốt nghiệp phải được doanh nghiệp đánh giá cao, có kỹ năng nghề nghiệp tốt. Đồng thời, có tác phong công nghiệp, có tư duy giải quyết các vấn đề.

Hơn nữa, nhà trường cần đẩy mạnh tư vấn tuyển sinh. Hoạt động tư vấn tại trường phổ thông, tư vấn tập trung cần được tổ chức theo khu vực. Những buổi hướng nghiệp cần có sự tham gia, đồng hành của đội ngũ giảng viên nhằm giúp thí sinh hiểu về ngành, nghề mà mình muốn đăng ký học. 

Đẩy mạnh truyền thông, tư vấn hướng nghiệp

Mới đây, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) cũng có công văn gửi các đơn vị GDNN trực thuộc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp. Mục đích nhằm hoàn thành mục tiêu tuyển sinh GDNN năm 2021.

Theo đó, Tổng cục đề nghị các Sở LĐ,TB&XH, các cơ sở GDNN tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp và quảng bá hình ảnh về hoạt động GDNN. Qua đó, thực hiện đổi mới, đa dạng hóa, áp dụng linh hoạt mở các hình thức truyền thông phù hợp với đặc điểm vùng miền, địa phương, đối tượng người học.

Các nội dung truyền thông tập trung vào truyền thông nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam. Đặc biệt là nội dung Thư của Chủ tịch nước kêu gọi đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động vì một Việt Nam chiến thắng dịch bệnh và phát triển bền vững. Đồng thời xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp ứng phó với Covid-19, đảm bảo cung ứng nguồn lao động có kỹ năng, góp phần chống đứt gãy chuỗi lao động....

Tổng cục cũng yêu cầu các cơ sở hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động để tìm kiếm việc làm mới và duy trì việc làm cho người lao động. Phối hợp với các ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho giáo dục nghề nghiệp. Tích cực mở các chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp định kỳ kịp thời, chất lượng, hiệu quả.

Trong điều kiện cho phép của địa phương, tổ chức các sự kiện, hoạt động về giáo dục nghề nghiệp tại các địa điểm công cộng, nơi vui chơi, trong khuôn viên nhà trường… Kết hợp với truyền thông và phát trực tiếp trên các trang mạng xã hội của nhà trường.

Xây dựng các biển quảng bá, pano… phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 bảo đảm hấp dẫn, phù hợp, kịp thời.

Ông Vũ Xuân Hùng - Vụ trưởng Đào tạo chính quy (Tổng cục GDNN) cho biết, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 nên Tổng cục GDNN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị tăng cường truyền thông, tuyển sinh trực tuyến. Mặc dù, hoạt động tuyển sinh gặp nhiều khó khăn nhưng về cơ bản vẫn đạt được kết quả khả quan.

Theo tổng hợp của Vụ Đào tạo Chính quy, đến giữa tháng 8/2021 mới nhận được báo cáo tổng hợp về tuyển sinh của gần 1 nửa tổng số cơ sở GDNN. Cụ thể, có 215/400 trường cao đẳng, 262/463 trường trung cấp và chỉ có 308 trong tổng số gần 2 nghìn trung tâm đào tạo nghề có số liệu báo cáo công tác tuyển sinh.

Theo đó, trình độ trung cấp, cao đẳng tuyển sinh, đào tạo được hơn 75 nghìn người, đạt khoảng 13% kế hoạch năm 2021. Con số này bằng khoảng 83% so cùng kỳ năm 2020. Tuyển sinh, đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo thường xuyên cho khoảng 800 nghìn người (đạt 44% kế hoạch năm).

Số người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng 60 nghìn người. So với năm 2020, số người được hỗ trợ học nghề giảm mạnh do nguồn ngân sách hỗ trợ không được cấp. Như vậy, số tuyển sinh mới đạt khoảng 935 nghìn người trên tổng kế hoạch cả năm là 2,4 triệu người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.