Trường nghề thay đổi để phù hợp với tình hình mới

GD&TĐ - Theo chuyên gia, dịch bệnh Covid-19 cũng là chất xúc tác để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển các giải pháp học tập sáng tạo trong tình hình khó khăn.

Nhiều cơ sở dạy nghề gặp khó khi học trực tuyến vì số giờ thực hành lớn.
Nhiều cơ sở dạy nghề gặp khó khi học trực tuyến vì số giờ thực hành lớn.

Giáo dục nghề gặp khó vì dịch bệnh

Theo ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới toàn xã hội nói chung, vấn đề việc làm và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Cho tới đầu năm 2021, số lượng người lao động sống ở các quốc gia bị hạn chế tới nơi làm việc do Covid-19 vẫn ở mức cao.

Với 93% người lao động trên thế giới cư trú tại các quốc gia có một số hình thức đóng cửa nơi làm việc. Năm 2020, số giờ làm việc trên toàn cầu bị giảm so với quý IV năm 2019, tương đương với 255 triệu công việc toàn thời gian. Sự gián đoạn của thị trường lao động năm 2020 vượt xa tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009.

Đây cũng là thách thức đang xuất hiện đối với cả cung và cầu trong vấn đề việc làm và giáo dục. Nhu cầu về các kỹ năng phù hợp, đặc biệt là kỹ năng và dịch vụ số gia tăng đáng kể. Ngoài ra, nhu cầu tạo ra một môi trường học tập thuận lợi thông qua các hình thức đào tạo thích hợp nhằm đảm bảo việc học tập suốt đời một cách linh hoạt và hiệu quả.

Tuy nhiên, các giải pháp học tập từ xa trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa đáp ứng được so với việc đào tạo trực tiếp. Đặc biệt là những ngành nghề đặc thù kỹ thuật như các nhóm nghề liên quan đến điện, cơ khí, công nghệ ô tô...

Việc giãn cách xã hội cũng như các doanh nghiệp bị đóng cửa cũng làm ảnh hưởng đến triển vọng việc làm của sinh viên. Đồng thời làm suy giảm cơ hội thực tập nghề nghiệp trong các doanh nghiệp.

Việc thiếu các nền tảng học tập từ xa và tài nguyên giáo dục hiệu quả đi cùng với việc gián đoạn hoạt động giảng dạy - học tập. Điều này gây ra tình trạng sa sút tinh thần cho người học và nhà giáo. Đồng thời làm tăng khả năng bỏ học của sinh viên trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Theo số liệu khảo sát trực tuyến của ILO, UNESCO và World Bank tiến hành: 90% số người được hỏi cho biết, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở quốc gia của họ đã bị đóng cửa hoàn toàn. 36% doanh nghiệp có người tập nghề bị ngừng trả phụ cấp và điều chỉnh thời gian đào tạo cho họ. 75% doanh nghiệp sẽ điều chỉnh hoạt động đào tạo sau đại dịch bằng cách chuyển nguồn lực sang các công cụ và phương pháp đào tạo từ xa.

Đại dịch cũng gây ra các thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp. Đó là cơ sở hạ tầng, thiết bị, công cụ để đáp ứng đào tạo kỹ năng trong bối cảnh dạy trực tuyến là rất hạn chế. Việc hỗ trợ cho quá trình học tập dở dang và chuyển tiếp gặp nhiều khó khăn. Các hoạt động vừa học vừa thực tập tại doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Chưa kể đến băn khoăn về việc đào tạo, đánh giá và công nhận kết quả học tập trực tuyến nên tổ chức như thế nào? Có đảm bảo chất lượng hay không? Nội dung chương trình đào tạo và phương pháp sư phạm hiện nay có phù hợp với môi trường đào tạo trực tuyến hay không? Và cần thay đổi điều chỉnh ra sao cho phù hợp?

Kỹ năng, động lực, thái độ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp và sự tham gia của người học trong giai đoạn này gặp nhiều thách thức lớn. Trong khi các nguồn lực hỗ trợ cho việc triển khai đào tạo từ xa còn cực kỳ hạn chế.

Dù vậy, theo ông Ngọc, cuộc khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 cũng là chất xúc tác để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phát triển các giải pháp học tập sáng tạo trong thời gian ngắn. Đồng thời đẩy nhanh việc cung cấp các hình thức đào tạo từ xa trên môi trường số với tốc độ và quy mô chưa từng thấy.

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội.
Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề chất lượng cao Hà Nội.

Tập trung nguồn lực triển khai chuyển đổi số

Đại dịch Covid-19 đã tác động đến tất cả các hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhưng khó khăn, thách thức này cũng là cơ hội để các nhà trường thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi số. Đó là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng, thực tế ảo, thực tế tăng cường. Ngoài ra còn xây dựng học liệu số và các giải pháp linh hoạt thích nghi với diễn biến của đại dịch Covid-19.

“Các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động cụ thể giúp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhanh chóng định hướng và triển khai chuyển đổi số. Đặc biệt là định ra được mô hình quy chuẩn, đồng bộ để việc chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không diễn ra một cách tự phát trên các nền tảng công nghệ khác nhau. Điều này dễ dẫn đến việc không liên thông được cơ sở dữ liệu và không kết nối được với các hệ thống của cơ quan quản lý Nhà nước. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định “chuyển đổi số” là nhiệm vụ lâu dài nhưng cần được xây dựng từng bước và xây dựng đến đâu thì có thể sử dụng đến đó” – ông Đồng Văn Ngọc nhấn mạnh.

ThS Phan Vũ Nguyên Khương - Trưởng khoa Sư phạm giáo dục nghề nghiệp (Trường Cao đẳng nghề Thành phố Hồ Chí Minh) - cho rằng, dạy học trực tuyến là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hạ tầng công nghệ phát triển mạnh mẽ. Nhất là trước diễn biến khó lường của Covid-19. Hình thức dạy và học này đáp ứng tiêu chí về giãn cách xã hội tại các địa phương, an toàn trong tình hình dịch bệnh.

Theo ThS Phan Vũ Nguyên Khương, để việc ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến vào trong quá trình đào tạo đạt hiệu quả, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản.

“Cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của người dạy và người học. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn trên diện rộng về kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin. Trong đó, chú trọng tập huấn cho đội ngũ giảng viên về cách ứng dụng công nghệ thông tin vào thiết kế bài giảng. Định kỳ sau mỗi đợt tập huấn cần tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ phía người dùng để rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời. Từ đó, giúp cho cả người dạy và người học có tâm thế tự tin khi tham gia vào quá trình bồi dưỡng này” – bà Khương nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ