Trên tinh thần Luật Giáo dục đại học cho phép, sự đa dạng trong cách thức xét tuyển là điều có thể nhận thấy, sự phong phú về ngành học, tăng thêm nhiều cơ hội cho người học và nguồn tuyển của các nhà trường. Các trường trong nhóm GX của năm 2016 cũng đã có những phương án xét tuyển cho riêng mình.
ĐHQG Hà Nội xét tuyển 7.345 chỉ tiêu
Sau 2 năm tổ chức thi đánh giá năng lực trong tuyển sinh vào các trường đại học trực thuộc, năm 2017 ĐHQG Hà Nội đã chốt lại phương án tuyển sinh. Theo đó, năm nay ĐHQG Hà Nội sẽ không tổ chức thi riêng mà sẽ xét tuyển từ kết quả thi THPT quốc gia 2017. ĐHQG Hà Nội sẽ tuyển sinh trong cả nước với tổng chỉ tiêu vào các trường đại học thành viên là 7.345.
Đối tượng tuyển sinh là người học hết chương trình THPT và tốt nghiệp THPT trong năm ĐKDT; người đã tốt nghiệp THPT; người đã tốt nghiệp TCCN, trung cấp nghề và có bằng tốt nghiệp THPT; người tốt nghiệp TCCN và trung cấp nghề nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành chương trình giáo dục THPT không trong thời gian bị kỷ luật theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.
Phương thức tuyển sinh: Đợt 1 xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia theo tổ hợp các môn/bài thi tương ứng; kết quả thi đánh giá năng lực còn hạn sử dụng do ĐHQG Hà Nội tổ chức; chứng chỉ quốc tế của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, Anh. Thời gian xét tuyển (dự kiến) từ 17/7 - 31/8/2017; Đợt bổ sung xét tuyển như Đợt 1, Quy định cụ thể xét tuyển của từng ngành học tương ứng sẽ được công bố trên website của ĐHQG Hà Nội và của các đơn vị đào tạo (nếu có).
Thời gian xét tuyển (dự kiến) trước 15/8/2017; Đối với các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế, chất lượng cao: Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia, kết quả thi đánh giá năng lực hoặc các nguồn tuyển khác theo yêu cầu riêng của từng chương trình; Ngay khi thí sinh trúng tuyển nhập học, các đơn vị đào tạo công bố điều kiện đăng ký học các chương trình đào tạo chất lượng cao, tài năng, tiên tiến, chuẩn quốc tế;
ĐHQG Hà Nội cũng tuyển thẳng, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và Hướng dẫn tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội. Cụ thể, xét tuyển thẳng những thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên đã tốt nghiệp THPT và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQG Hà Nội; thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt từng năm học trong cả 3 năm học THPT và có tổng điểm 4 môn thi tốt nghiệp THPT đạt tối thiểu 32,0 điểm trong đó không có điểm môn nào dưới 6,0 điểm.
Với những trường trong nhóm GX 2016
Các trường trong nhóm GX của năm 2016 cũng đã bắt đầu khởi động công tác tuyển sinh. Mùa tuyển sinh năm 2017, chưa biết những trường này có tái lập lại nhóm không vì Bộ GD&ĐT sẽ đưa phần mềm xét tuyển chung cho tất cả các trường ĐH, CĐ. Thế nên việc nhóm này có hay không việc thống nhất phương án tuyển sinh chung cho cả nhóm là điều chưa rõ. Còn đến thời điểm này, từng trường đã sớm công bố phương thức tuyển sinh riêng cho mình.
Như Trường Đại học Ngoại thương đã đưa ra quyết định bổ sung tổ hợp xét tuyển mới bên cạnh các tổ hợp xét tuyển truyền thống trong tuyển sinh các năm trước. Tổ hợp xét tuyển mới được trường này đưa ra là D07 gồm ba môn Toán - Hóa học - Tiếng Anh được áp dụng trong xét tuyển ở hầu khắp các ngành, chuyên ngành (trừ nhóm ngành ngôn ngữ).
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 3.750, trong đó cơ sở Hà Nội có 2.700 chỉ tiêu, cơ sở TPHCM có 900 chỉ tiêu và cơ sở Quảng Ninh có 150 chỉ tiêu đào tạo đại học chính quy. Trường sẽ xét tuyển dựa vào kết quả Kỳ thi THPT quốc gia, điều kiện sơ tuyển của thí sinh là điểm trung bình chung học tập của từng năm lớp 10, 11, 12 từ 6,5 trở lên và hạnh kiểm của từng năm lớp 10, 11, 12 từ khá trở lên.
Năm 2017, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển hơn 6.000 chỉ tiêu cho các ngành đào tạo đại học. Cụ thể, ngành Kỹ thuật sinh học, Công nghệ sinh học với số lượng nhiều nhất là 950 chỉ tiêu, tiếp sau là ngành Kỹ thuật cơ khí với 900 chỉ tiêu. Để đăng ký xét tuyển vào trường yêu cầu thí sinh phải đạt đủ các điều kiện theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2017.
Thí sinh phải qua sơ tuyển kết quả học tập trong 3 năm THPT và có điểm thi của tổ hợp môn xét tuyển trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017 đạt yêu cầu của trường. Việc phân ngành học (đối với các nhóm có 2 ngành trở lên) được thực hiện ngay sau khi thí sinh trúng tuyển vào trường trên cơ sở nguyện vọng của thí sinh và chỉ tiêu đào tạo ngành do trường quy định.
Đối với một nhóm ngành, điểm chuẩn trúng tuyển bằng nhau cho tất cả tổ hợp môn xét tuyển. Do đó, thí sinh chỉ cần đăng ký một tổ hợp môn xét tuyển có kết quả thi cao nhất. Thí sinh trúng tuyển với kết quả thi đạt yêu cầu của trường có thể đăng ký tham dự bài kiểm tra đánh giá năng lực để được chọn vào học chương trình đào tạo Kỹ sư chất lượng cao và Kỹ sư tài năng.
Trường Đại học Thủy lợi vừa công bố phương án xét tuyển năm 2017, trường tuyển 3.700 chỉ tiêu và dành tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển thẳng.
Cụ thể, phương thức tuyển sinh năm 2017 của Trường Đại học Thủy lợi như sau: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2017 và xét tuyển thẳng những học sinh đạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi toàn quốc, quốc tế theo quy định của Bộ GD&ĐT, học sinh tốt nghiệp các trường chuyên, học sinh đạt loại giỏi 3 năm lớp 10, 11, 12.
Xét tuyển theo các nguyện vọng của thí sinh đã đăng ký (xếp theo thứ tự ưu tiên trên Phiếu ĐKXT): Nếu thí sinh đã trúng tuyển theo nguyện vọng xếp trên thì sẽ không được xét các nguyện vọng sau. Điểm chuẩn trúng tuyển vào một ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm xét của thí sinh và chỉ tiêu đã được ấn định, không phân biệt nguyện vọng ghi ở thứ tự nào giữa các thí sinh đã đăng ký vào ngành đó.
Đối với một ngành, điểm chuẩn trúng tuyển theo các tổ hợp môn xét tuyển là như nhau. Việc xét tuyển sẽ thực hiện từ cao xuống thấp đến đủ chỉ tiêu theo quy định. Trường hợp số thí sinh bằng điểm nhau nhiều hơn chỉ tiêu thì xét ưu tiên điểm môn Toán. Điều kiện tuyển thẳng và điều kiện ưu tiên xét tuyển: Theo khoản 2 điều 7 Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành.