Sử dụng kết quả một kỳ thi
Nhiều quốc gia hiện nay áp dụng một kỳ thi chung trên toàn quốc để tuyển sinh vào đại học. Các trường đại học công lập trên cả nước đều sử dụng kết quả của kỳ thi này để đánh giá chất lượng đầu vào. Trong khi các trường đại học ngoài công lập có thể áp dụng nhiều tiêu chí khác nhau.
Tại Trung Quốc, gaokao là kỳ thi 2 trong 1 vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa để tuyển sinh đại học. Kỳ thi này thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm. Thí sinh tham dự không bị giới hạn độ tuổi.
Tương tự Trung Quốc, kỳ thi đánh giá năng lực đại học (CSAT) tại Hàn Quốc là bài kiểm tra tiêu chuẩn được các trường đại học chấp nhận. Đây được xem như kỳ thi quyết định tương lai của học sinh phổ thông sau 12 năm miệt mài đèn sách. Vì tính chất quan trọng của kỳ thi này, CSAT được toàn xã hội Hàn Quốc quan tâm, chú ý.
Kỳ thi xét tuyển đại học quốc gia Nhật Bản thường diễn ra hai ngày vào tháng 1 hàng năm (do nước này khai giảng năm học mới từ tháng 3). Kết quả kỳ thi được các trường đại học công lập và một số trường tư chấp nhận.
Kỳ thi có 29 bài thi trong 6 môn học gồm Toán, Khoa học, Văn học, Ngoại ngữ, Công dân, Địa lý - Lịch sử. Thí sinh đăng ký trường đại học nào sẽ làm những bài thi theo yêu cầu của trường đại học đó. Nhưng những bài thi này được Bộ Giáo dục, Văn hoá, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản xây dựng.
Tại Anh, GSCE và A-level là hai kỳ thi quan trọng, là tiền đề để học sinh phổ thông đăng ký vào trường đại học, cao đẳng phù hợp năng lực.
GCSE là kỳ thi cấp bằng học thuật đầu tiên tiên trong hệ thống văn bằng Anh cũng là kỳ thi chuẩn hoá quốc tế. Trong 2 năm cuối của chương tình phổ thông bắt buộc (tương đương chương trình lớp 10), học sinh từ 14 đến 16 tuổi phải hoàn thành kỳ thi này với 8 môn học. Kết quả của kỳ thi dùng để tìm việc làm hoặc học tiếp lên bậc đại học.
A-level là chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao, tương đương chương trình lớp 11, 12 tại Việt Nam. Sau khi hoàn thành GCSE, thí sinh có nguyện vọng vào đại học sẽ đăng ký học A-level 2 năm. Chương trình này được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” để vào các trường đại học.
Không tổ chức một kỳ thi chung
Mỹ là một trong những quốc gia không tổ chức kỳ thi chung cho bang hay toàn quốc. Nước này hiện có một số kỳ thi chuẩn hoá như SAT, ACT, thường tổ chức nhiều đợt trong năm. Kết quả của những bài thi này là một trong những yếu tố để xét tuyển đại học tại Mỹ.
Mỗi trường đại học Mỹ, từ đại học đến công đẳng, từ trường công đến trường tư, đều tự chủ tài chính, phương pháp giảng dạy và cách thức tuyển sinh. Do đó, các trường đều chủ động xét tuyển với nhiều đợt xét tuyển trong năm.
Australia và nhiều quốc gia phương Tây như Na Uy, Đức… cũng gần không tổ chức thi tuyển sinh đại học. Tại Australia, học sinh được xét tuyển vào trường đại học dựa trên kết quả học tập trung học hoặc điểm thi STAT, kỳ thi đánh giá năng lực trắc nghiệm gồm Toán, Tiếng Anh, Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Còn tại Na Uy, học sinh phổ thông xét tuyển vào đại học thông qua điểm trung học, điểm thưởng (nếu có) hoặc từng phục vụ quân đội. Đức không tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, học sinh được nhận bằng tốt nghiệp (Abitur) và có thể nộp đơn vào đại học hoặc học nghề.
Kỳ thi tuyển sinh đại học tại Ấn Độ phức tạp hơn so với nhiều quốc gia khác. Học sinh nước này thường phải vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT để nhận bằng tốt nghiệp trước khi thi đại học. Quốc gia này có nhiều kỳ thi đại học khác nhau.
Kỳ thi phổ biến nhất là kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (JEE), kỳ thi chung được tổ chức trên toàn quốc. Đây được đánh giá là một trong những kỳ thi khó nhất thế giới với tỷ lệ chọi cao.
Ngoài ra, các trường có thể tổ chức kỳ thi riêng với bài thi, yêu cầu thi đáp ứng nhu cầu đào tạo và chất lượng sinh viên. Một số lĩnh vực tổ chức kỳ thi riêng. Đơn cử, kỳ thi vào các Viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) là kỳ thi dành cho thí sinh yêu thích lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật. Kỳ thi tuyển sinh quốc gia NEET dành cho học sinh có nguyện vọng theo học khối ngành y dược, chăm sóc sức khoẻ.