Theo khuyến cáo của chuyên gia, thí sinh cần tỉnh táo và có sự tính toán phù hợp, nhất là với những ngành đặc thù như kinh tế, sư phạm cũng sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực để xét tuyển.
Tận dụng cơ hội để tăng khả năng đỗ
Theo PGS.TS Phạm Thu Hương – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương, năm 2022, nhà trường mở thêm 3 chương trình đào tạo mới liên quan đến chuyển đổi số và giữ ổn định 6 phương thức tuyển sinh như năm trước. Nhà trường đa dạng hoá chương trình đào tạo, phương thức tuyển sinh để phù hợp với chương trình đào tạo trong bối cảnh hiện nay.
Sự thay đổi chỉ tiêu ở các phương thức cũng như chỉ tiêu của phương thức mới không được gây ảnh hưởng tới quá trình chuẩn bị của thí sinh. Điều này giúp người học có được lựa chọn xét tuyển phù hợp với năng lực và nguyện vọng nghề nghiệp của mình; Đồng thời, các trường đại học lựa chọn được thí sinh đáp ứng yêu cầu của các chương trình đào tạo và mục tiêu phát triển.
Đa số học sinh khối 12 trên cả nước đã đi học trực tiếp trở lại. Tuy nhiên, theo thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên môn Hóa học tại Hệ thống giáo dục Học mãi, năm nay có quá nhiều phương thức tuyển sinh dễ khiến thí sinh bị “rối” và không biết học, ôn thi làm sao cho hiệu quả. Dù số lượng các phương thức tuyển sinh rất nhiều và đa dạng (gần 20) nhưng có thể tóm gọn lại thành hai nhóm là xét tuyển và thi.
Xét tuyển bằng hồ sơ tức là sử dụng kết quả học tập THPT hoặc các chứng chỉ, giải thưởng mà thí sinh có sẵn. Xét tuyển bằng phương thức thi gồm: Tốt nghiệp THPT; Kiểm tra tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Đánh giá năng lực của các ĐHQG. Trong bối cảnh như vậy, thí sinh cần nhanh chóng chốt ngay nguyện vọng xét tuyển mình mong muốn càng sớm càng tốt. Tất nhiên, việc này phải suy nghĩ kỹ từ nhu cầu bản thân; nếu cần có thể nghe tư vấn từ gia đình, thầy cô hay chuyên gia. Khi đã chốt được nguyện vọng phải chọn luôn phương thức thi và xét tuyển.
“Nếu các em định hướng nộp hồ sơ vào khối trường kinh tế có thể nghĩ tới một số cái tên như Kinh tế Quốc dân, Ngoại thương, Tài chính, Ngân hàng, Thương mại... để rải hồ sơ. Nếu muốn ngành Y có thể chọn các trường thuộc tốp 1, tốp 2 và các tốp kế tiếp để gửi hồ sơ. Nếu chọn phương thức THI, các em nên cân nhắc kỹ công thức “Tốt nghiệp THPT + 1”.
Gần đây, thông tin về kỳ thi đánh giá năng lực rất “nóng” và nhiều thí sinh đang bị cuốn vào việc tham gia thi các kỳ thi này ở mức hơi thái quá. Đa số các trường vẫn dành chỉ tiêu cho phương thức thi tốt nghiệp THPT. Cho dù tổ chức bao nhiêu kỳ thi riêng đi chăng nữa, thì trong năm nay và các năm sau, Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn là một trong những căn cứ quan trọng và được chấp nhận rộng rãi nhất khi xét tuyển” – thầy Vũ Khắc Ngọc lưu ý.
Chuẩn bị kỹ nếu thi đánh giá năng lực
Từng có nhiều năm tham gia công tác tuyển sinh, TS Nguyễn Đào Tùng – giảng viên cao cấp, Chủ tịch Hội đồng Trường Học viện Tài chính nhận định: Trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng sâu rộng như thời gian qua, đa số các trường đại học vẫn giữ ổn định phương thức tuyển sinh của mình; nếu có thay đổi thì chỉ ở khâu diễn giải rõ nội dung hoặc tái cơ cấu lại phương thức xét tuyển của mình.
Trong đó, có 3 phương thức cố định được nhiều nơi áp dụng gồm điểm thi tốt nghiệp THPT, kết quả học tập bậc THPT (tức học bạ) và kết quả bài thi đánh giá năng lực. Ngoài ra là các phương thức kết hợp như thi THPT với kết quả thi đánh giá năng lực, học bạ với đánh giá năng lực hoặc chứng chỉ ngoại ngữ… Do đó, thí sinh phải xác định thật kỹ trước khi chọn phương thức xét tuyển để phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân.
“Hiện mới chỉ có một số ít đơn vị tổ chức kỳ thi này. Hình thức thi này chưa phải do Bộ GD&ĐT tổ chức và chỉ phù hợp với một số trường. Tuy nhiên, phương thức thi đánh giá năng lực đang dần khẳng định được vai trò của mình trong bức tranh tuyển sinh chung. Hiệu quả của hình thức thi này sẽ cần thêm thời gian để có thể kiểm chứng. Năm 2022, Học viện Tài chính cũng dành không quá 10% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả bài thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội hoặc ĐHQG TPHCM.
Mới đây, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội công bố sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực dự kiến vào tháng 5 năm nay để xét tuyển. Khi quyết định, chắc chắn nhà trường đã có tính toán để đảm bảo tính hiệu quả, công bằng và chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là phương án chủ đạo, các thí sinh cần chú ý tìm hiểu kỹ đề án tuyển sinh của các trường để nộp hồ sơ” – TS Nguyễn Đào Tùng lưu ý thêm.
Cô Lê Thị Nhung – Giáo viên lớp 12 Trường THPT Nam Đông Quan (Thái Bình) chia sẻ: Tình hình dịch tại địa phương không quá căng thẳng như các địa phương khác nên thời gian học sinh được đến trường học trực tiếp là đa số. Với những em bị F0, F1 chuyển học trực tuyến, giáo viên giao bài để học sinh làm ra vở, chụp lại bài gửi cho cô giáo chấm qua Zalo.
Thời gian còn lại của năm học này với các em khối 12 là không nhiều nên cả cô và trò đều rất lo lắng. Đây là năm học “quá độ” từ chương trình hiện hành sang chương trình mới. Đặc biệt, nhiều trường sẽ sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực để tuyển sinh. Đây là hình thức khá mới mẻ với các em, nguồn đề không nhiều. Giáo viên phải tích cực hơn nữa để nghĩ và soạn các đề mẫu cho học sinh ôn luyện.
Ngay từ học kỳ I, ngoài việc dạy chương trình song song, giáo viên sẽ cho các em làm đề tổng hợp, trong đó có cả đề luyện thi tốt nghiệp THPT và đánh giá năng lực. Điều này sẽ giúp ích rất lớn với những em có định hướng đăng ký xét tuyển vào trường có sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực, các em có thời gian chuẩn bị.
Được tham gia luyện đề do cô giáo giao ngay từ học kỳ I, em Bùi Trâm Anh, học sinh lớp 12 Trường THPT Nam Đông Quan chuẩn bị sẵn sàng tâm thế để tự tin tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Về định hướng sắp tới, nữ sinh này dự kiến nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào ngành Dược thuộc tổ hợp khối A00 (Toán, Vật lý, Hóa học). Hiện em tập trung luyện các câu hỏi ma trận của đề tham khảo từ nhiều nguồn để củng cố thêm kiến thức cho mình.