Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, thí sinh không nên đặt trọn mục tiêu vào các chứng chỉ mà bỏ quên những phương án tuyển sinh khác nhau.
Lợi thế
Trong đợt xét tuyển đại học năm 2021, Phạm Khôi Nguyên, sống tại Hà Nội đã lựa chọn 3 phương thức xét tuyển vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân với 3 tiêu chí gồm chứng chỉ quốc tế (như SAT, ACT); chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (gồm IELTS, TOEFL) và đoạt giải Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế.
Nam sinh xét tuyển thành công vào trường bằng 3 phương thức trên với điểm IELTS là 6.5 (điều kiện của trường là 5.5), điểm SAT là 1.300/1.600 (điều kiện của trường là 1.200). Theo thứ tự nguyện vọng, Nguyên trúng tuyển qua hình thức xét tuyển chứng chỉ SAT.
Nguyên bày tỏ: Năm thi vào lớp 10, em trượt trường công lập do dồn hết mục tiêu vào thi tuyển sinh. Cú sốc này giúp em nhận ra không nên đặt bản thân vào thế bị động. Thay vì trường chọn em, em muốn được chọn trường, ngành phù hợp với sở thích và năng khiếu. Phương thức xét tuyển đại học nhờ chứng chỉ tiếng Anh, chứng chỉ quốc tế đã giúp em hoàn thành mục tiêu.
Năm lớp 12, Nguyên tự tìm kiếm và in đề án tuyển sinh của các trường đại học ra giấy. Sau khi đọc kỹ từng đề án, em bôi đậm những phương thức xét tuyển có điều kiện phù hợp với khả năng của bản thân và các mốc thời gian cần lưu ý.
Nhờ “rải” hồ sơ không đếm xuể, trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Nguyên đã trúng tuyển 10 trường đại học qua hình thức xét tuyển kết hợp. Do đó, nam sinh bước vào kỳ thi với tâm thế thoải mái, tự tin.
“Em thường chia sẻ với các em khóa dưới hãy theo sát đề án tuyển sinh của các trường đại học. Thời điểm tháng 2, tháng 3, các trường đại học lần lượt thông báo đề án chi tiết nên thí sinh có thể tìm hiểu ngay từ bây giờ.
Tiếp đó, hãy tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh cả trực tiếp lẫn trực tuyến do các trường đại học tổ chức để có cơ hội tìm hiểu về môi trường học, ngành học. Đừng ngần ngại kết bạn và xin lời khuyên từ anh chị sinh viên để chuẩn bị hồ sơ và tâm thế tốt nhất khi xét tuyển đại học”, Khôi Nguyên nhắn nhủ.
Hiện, Nguyên là quản trị viên của nhóm “K64 (2004) NEU - ĐH Kinh tế Quốc dân”, nhóm hỗ trợ tư vấn tuyển sinh do sinh viên trường tổ chức. Vận dụng kinh nghiệm của bản thân, Nguyên tích cực hỗ trợ, chia sẻ thông tin xét tuyển đại học cho học sinh phổ thông.
Là sinh viên năm nhất Học viện Ngoại giao, Hà Nội, Đào Nguyễn Phương Linh đã trúng tuyển đại học qua hình thức xét tuyển bằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS kết hợp điểm học bạ. Điều kiện cho phương thức này là thí sinh sở hữu điểm IELTS từ 6.0 trở lên và điểm trung bình tổng kết 5 học kỳ THPT từ 8,0 trở lên.
Đạt 8.0 IELTS, Linh chia sẻ: Học viện Ngoại giao có tỷ lệ cạnh tranh tương đối cao nên em rất lo lắng khi đặt mục tiêu vào trường. Bên cạnh kết quả thi tốt nghiệp THPT, em cần phương thức dự phòng khác. Ban đầu, em không biết nhiều về IELTS và các phương thức xét tuyển nhưng sau khi tìm hiểu, tham khảo ý kiến của mọi người, em quyết định thi lấy chứng chỉ và nộp hồ sơ.
“Em không cho rằng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là nổi trội hơn chương trình tiếng Anh phổ thông nên trong quá trình học, dù ở bất cứ chương trình nào, các bạn cũng nên học tập nghiêm túc. Ngoài ra, nên có định hướng từ sớm, cân bằng giữa luyện thi IELTS và học trên lớp để có điểm IELTS cao, học bạ đẹp”, Linh bày tỏ.
Theo Linh, điểm IELTS càng cao tương đương khối lượng kiến thức càng lớn. Do đó, thí sinh nên ôn tập từ năm lớp 10, sau đó lấy chứng chỉ trước năm lớp 12 để chủ động thời gian chuẩn bị hồ sơ xét tuyển.
Giống Linh và Nguyên, nhiều học sinh THPT đang học và thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế, phổ biến hơn cả là IELTS. Hiện nay, chứng chỉ IELTS xuất hiện trong đề án tuyển sinh của nhiều trường đại học như Học viện Ngoại giao, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Quốc gia TPHCM…
Không phải kết quả cuối cùng
Cô Nguyễn Thu Trang, giáo viên một trung tâm luyện thi IELTS tại Hà Nội, cho biết: “Trước đây, phần đông học viên của tôi là sinh viên đại học, người đi làm nhưng khi các trường đại học mở phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, ngày càng nhiều học sinh THPT, thậm chí học sinh THCS, đăng ký.
Tôi vẫn dặn dò các em không nên dồn hết kỳ vọng vào điểm IELTS mà bỏ quên các môn học, khối ngành khác vì nhiều trường đại học không chỉ xét tuyển dựa trên điểm IELTS, mà còn kết hợp điểm học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT. Sở hữu chứng chỉ quốc tế có thể giúp thí sinh mở rộng cánh cửa vào đại học, tiếp cận tài liệu học tập tốt hơn chứ không phải “tấm vé” trúng tuyển”.
Nhấn mạnh chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là một trong những điều kiện cần khi xét tuyển đại học nhưng không phải kết quả cuối cùng, PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, lưu ý: Thí sinh cần lưu ý mỗi trường có cách kết hợp chứng chỉ hoặc quy đổi chứng chỉ khác nhau để tham gia xét tuyển, tránh “trượt oan”.
TS Dương Tôn Thái Dương, Phó Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia TPHCM, cho biết: Việc sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế như IB, A-level, nằm trong mục tiêu chiến lược của ĐHQG TPHCM là quốc tế hóa và hội nhập tuyển sinh. Hiện nay, các trường thành viên của ĐHQG TPHCM đã sử dụng chứng chỉ quốc tế kết hợp nhiều kết quả khác như kết quả thi tốt nghiệp THPT, học bạ để xét tuyển với tỷ lệ chỉ tiêu nhất định.