Tượng vàng Oscar của Leonardo DiCaprio chỉ trị giá 1 USD?

Bức tượng vàng danh giá biết bao người mơ ước sẽ chỉ có giá trị vỏn vẹn 1 USD và chỉ được quyền bán lại cho một đơn vị duy nhất.

Tượng vàng Oscar của Leonardo DiCaprio chỉ trị giá 1 USD?
Cho tới trước ngày 29/2 – ngày lễ trao giải Oscar lần thứ 88 diễn ra, tài tử 42 tuổi Leonardo DiCaprio có tổng cộng 5 lần để tuột tượng vàng ở cả vai trò diễn viên lẫn nhà sản xuất.

Chiến thắng với vai diễn chính trong The Revenant vừa qua là kết quả của hơn 25 năm chờ đợi của anh.

Trang news.com.au vừa đặt ra một câu hỏi thú vị, nếu tài tử điển trai này muốn bán tượng Oscar, anh sẽ bỏ túi bao nhiêu tiền?

Theo một số nguồn tin, tượng vàng Oscar năm nay được làm từ đồng phủ vàng, và mỗi bức tượng có giá trị khoảng 500 USD. Tuy nhiên, điều bất ngờ là nếu chủ nhân của giải Oscar đem bán nó đi, họ sẽ chỉ thu về được vỏn vẹn… 1 USD.

Lý do là bởi, theo quy định của đơn vị tổ chức là Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ (gọi tắt là Viện Hàn lâm), nếu người chiến thắng muốn bán tượng vàng, chỉ có duy nhất đơn vị này được quyền mua lại, và đương nhiên, cái giá mà họ đưa ra sẽ chỉ mang tính chất tượng trưng như vậy.
"Người nhận giải sẽ không được quyền bán hoặc vứt bỏ tượng vàng. Tượng vàng không được bán cho bất cứ ai ngoài Viện Hàn lâm với giá 1 USD. Quy định này cũng áp dụng đối với người thừa kế, người được tặng tượng vàng" - Quy định của Viện Hàn lâm ghi rõ.

Tượng vàng Oscar xuất hiện đầu tiên năm 1929, tượng có hình một hiệp sĩ tay nắm chặt lấy thanh kiếm thập tự chinh, đứng trên một tấm phim có khắc hình 5 cánh hoa. Bức tượng có chiều cao cố định là 34 cm.

Trước đây, việc bán đấu giá tượng Oscar liên tục diễn ra, đặc biệt là sau khi chủ nhân của nó qua đời.
Mỗi tượng Oscar đều được khắc số serie riêng.
Mỗi tượng Oscar đều được khắc số serie riêng.
Để chấm dứt tình trạng này, năm 1951 Viện Hàn lâm đã ra quy định, không cho phép bất kỳ ai bán tượng vàng. Để quản lý được số lượng tượng đã trao, Viện Hàn lâm yêu cầu đơn vị sản xuất cho khắc một số serie riêng dưới chân bức tượng.

Trong lịch sử đã từng có nhiều người tìm cách kiếm tiền từ tượng vàng danh giá này nhưng không thành công. Năm 1989, Cyrus Todd, cháu trai của nhà sản xuất nổi tiếng Michael Todd cố gắng bán tượng vàng của ông nội mình sau khi ông giành được nó vào năm 1956 với bộ phim Around the World in 80 Days.

Ngay lập tức, Viện Hàn lâm đã ngăn chặn hành động này. Năm 2007, Viện Hàn lâm cũng đã kiện gia đình nữ diễn viên Mary Pickford khi họ tìm cách bán một trong những tượng Oscar của cô.

Tuy nhiên, vẫn có một cách để ‘lách luật’ dành cho những người muốn sở hữu tượng vàng danh giá, đó là họ có thể mua những bức tượng được trao trước năm 1951 – trước khi quy định của Viện Hàn lâm ra đời.
David Copperfield là một trong những người mua lại thành công tượng Oscar.
David Copperfield là một trong những người mua lại thành công tượng Oscar.
Bởi vậy, năm 1999, ‘ông hoàng nhạc Pop’ quá cố Michael Jackson đã mua lại bức tượng Oscar dành cho bộ phim Cuốn theo chiều gió năm 1939 từ hãng đấu giá quốc tế Sotheby’s với số tiền cao kỷ lục 1,54 triệu USD.

‘Vua ảo thuật’ David Copperfield cũng bỏ ra 232.000 USD để sở hữu tượng vàng Oscar được trao năm 1943 giành cho Đạo diễn xuất sắc nhất của Casablanca, hiện tại bức tượng được trưng trong phòng ngủ của nhà ảo thuật.

Một số nhân vật khác lại bỏ tiền ra mua lại bức tượng rồi sau đó đem trả lại cho Viện Hàn lâm như đạo diễn Steven Spielberg, năm 2001, ông chi 578.000 USD mua lại tượng Oscar 1938; nam diễn viên Kevin Spacey bỏ ra 156.875 USD để "cứu" một bức tượng trong một cuộc đấu giá và trả nó về với Viện Hàn lâm.
Theo vtc.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ