Cụ thể, dự thảo Luật đề xuất chuyển một số thẩm quyền từ Chính phủ sang Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, chuyển thẩm quyền từ Chủ tịch UBND cấp tỉnh sang Giám đốc Sở GD&ĐT, chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp các cấp học phổ thông từ cơ quan hành chính nhà nước về cơ sở giáo dục để thực hiện chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý giáo dục, cơ quan hành chính không làm thay việc của cơ sở giáo dục.
Cụ thể: Chuyển thẩm quyền quy định chi tiết về hướng nghiệp, phân luồng trong giáo dục từ thẩm quyền của Chính phủ thành thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT (Điều 9).
Sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 12: Chuyển thẩm quyền từ thẩm quyền của Chính phủ thành thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng trình độ tương đương của một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù”.
Giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định các trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi đã quy định tại Luật (sửa đổi khoản 4 Điều 28), thay vì Luật hiện hành (khoản 2 Điều 28) quy định chi tiết các trường hợp học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định.
Đề xuất sửa đổi thẩm quyền thành lập, sáp nhập, chia tách nhà trường (Điều 52): Giao UBND cấp xã quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Chủ tịch UBND cấp tỉnh đối với cơ sở giáo dục ở các cấp học còn lại, trừ những trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.