Thực nghĩa một chữ 'thầy'

GD&TĐ - Có thể nói, thứ còn lại của Vũ Ngọc Khôi không phải là cái chức to hay danh hiệu lớn mà là cốt cách và tác phẩm, không riêng học trò mà nhiều người gọi anh là THẦY với thực nghĩa của từ này.

Nhà giáo Vũ Ngọc Khôi tại một hội thảo khoa học. Ảnh: NVCC.
Nhà giáo Vũ Ngọc Khôi tại một hội thảo khoa học. Ảnh: NVCC.

Tôi và gia đình anh Vũ Ngọc Khôi có chung kỉ niệm khi ở cùng khu tập thể trên thân đất sau Trường Cấp 3 Lam Sơn cách nay gần 40 năm.

Là người khác tỉnh nhưng gần như trọn tuổi hoa niên, suốt quãng đời làm việc, từ gian khó đến khi thành ông giáo văn hay chữ tốt, Vũ Ngọc Khôi gắn với mảnh đất xứ Thanh như là một nhân duyên tiền định.

Điều này hợp lẽ, bởi hai cụ thân sinh Vũ Ngọc Khôi đều có một phần đời khá dài sống và làm việc tại Thanh Hóa. Bố anh là giáo sư Vũ Ngọc Khánh và mẹ là cụ Lê Thị Tuyết đều có gốc quê huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh).

Đây là miền đất quý hương, nơi khai sinh đại thi hào Nguyễn Du; nhà thơ, nhà chính trị tầm nhìn vượt thời đại Nguyễn Công Trứ; sử gia Trần Trọng Kim tác giả của nhiều công trình lịch sử, văn hóa như “Việt Nam sử lược”, “Nho giáo”...

Tiếp nối con đường chữ nghĩa của các thế hệ đi trước, với nhiều công trình văn hóa dân gian, năm 1981, Vũ Ngọc Khánh được Nhà nước phong học hàm Phó Giáo sư và thật tương thích khi người đời đã tấn phong cụ là nhà Thanh Hóa học, bởi việc am tường về sự học, về văn hóa xứ Thanh.

Thật hiếm và quý khi bản thân gia đình có 3 người: Vũ Ngọc Khánh, Vũ Ngọc Khôi cùng vợ là chị Mai Thị Ngọc Chúc đều là giáo viên văn của trường Lam Sơn. Các cháu nội, con anh chị Khôi - Chúc cũng từ đây mà khôn lớn.

Có thể nói, điểm nhấn trong “trích ngang” của nhà giáo Vũ Ngọc Khôi là việc ba thế hệ của gia đình anh đều thuộc về ngôi trường bậc nhất xứ Thanh, các quý từ “3 trong 1” dành cho gia đình Vũ Ngọc Khôi là điều không cần phải chú giải.

vu-ngoc-khoi-1.jpg
Nhà giáo Vũ Ngọc Khôi.

Tôi từ cấp 3 trường huyện về Lam Sơn trước Vũ Ngọc Khôi ba năm còn anh ở Trạm Đại học đặt gần Ngã ba Môi. Đây là nơi đào tạo giáo viên cấp 3 hệ vừa học vừa làm của tỉnh Thanh. Vũ Ngọc Khôi học Đại học Sư phạm Vinh, anh ra trường năm 1970, lúc đầu được Ty Giáo dục phân công về dạy cấp 3 Đông Sơn sau rời bục giảng tham gia quân ngũ năm 1972 chiến đấu tại mặt trận B5 Quảng Trị.

Thật không may anh bị quân lực Việt Nam Cộng hòa bắt trong một lần đánh nhau tại Cửa Việt khi chỉ còn vài giờ nữa là đình chiến để kí kết Hiệp định Paris và phải hơn hai tháng biệt giam tại Đà Nẵng, Phú Quốc anh mới được trả tự do.

Giai thoại về Vũ Ngọc Khôi khi mới gặp làm tôi thấy nể. Đấy là hồi còn dạy sư phạm 10+3 anh bị an ninh văn hóa “hỏi thăm” khi họ nghe anh giáo họ Vũ “lái” Thơ đón chào Xuân 1961 và Xuân 1980 của Tố Hữu ngay trên bục giảng trước số đông học trò:

“Chào 61 đỉnh cao muôn trượng

đến hôm nay ta vẫn là ta…”

Năm 1961 là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Cả nước khi ấy đang bừng bưng khí thế đi lên chủ nghĩa xã hội, nhà thơ Tố Hữu đã có khúc ca thật sự hào hùng:

“Chào 61 đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây mắt nhìn tám hướng

Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau

Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu”

(Bài ca mùa xuân 1961)

Sau 20 năm, năm 1980, chiến tranh vừa kết thúc, đất nước mới hòa bình thống nhất, đời sống dân ta cực kỳ gian khó do phải đụng đầu với láng giềng phía Bắc và Tây Nam. Dựa vào khoa học vũ trụ của Liên Xô trụ cột của phe xã hội chủ nghĩa, Việt Nam ta khi đó đang có giấc mơ bay vào vũ trụ. Trong thi phẩm “Một nhành xuân” (sáng tác 17/1/1980), nhà thơ Tố Hữu có tứ thơ rất đỗi tự hào:

“Lạ lùng chưa

Ta sống thật đây, gian khổ đêm ngày

Mà cứ tưởng bay trong mơ ước.

Bữa cơm khoai, ít cá nhiều rau

Mà ngăn sông làm điện,

khoan biển làm dầu

Chân dép lốp

Mà lên tàu vũ trụ”.

Với không khí lúc bấy giờ, thì thơ Tố Hữu viết như thế vừa trúng lại vừa đúng, bởi sau đó chừng nửa năm, ngày 23/7/1980, phi công Phạm Tuân cùng nhà du hành Liên Xô Viktor Vasilyevich Gorbatko thực hiện chuyến bay vào vũ trụ trên tàu Liên hợp 37.

Việc anh giáo tỉnh lẻ dám khẳng định “ta vẫn là ta” nghĩa là ta cứ mãi “đi dép lốp” đâu dễ được bỏ qua?! Trước đám đông học trò mà thầy nói câu nhạy cảm thì chân dễ dẫm phải gai sẽ dễ bị người ta nghĩ theo hướng tiêu cực bỉ bôi chế độ. Về sau hỏi lại tôi mới biết đó là chuyện phiếm bàn trà.

Một lần du ngoạn cùng Vũ Ngọc Khôi tôi cười cười trêu: “Bác va vào tượng đài bất khả là cụ Tố Hữu giờ chỗ ấy hết đau chưa?”. Anh cười hì hì tay không giơ lên đầu, chẳng đưa vào ngực mà lại chỉ vào vùng bụng, ý đau ruột chứ không phải đau lòng. Lúc ấy đã tới bữa ăn trưa mà chả thấy cơm đâu? Rõ khéo cái nhà ông anh họ Vũ trường tôi!

Tiếp xúc với Vũ Ngọc Khôi là dân văn lại là con một giáo sư danh tiếng lúc đầu thấy ngại, bởi tôi là dân tự nhiên mà trò chuyện toàn thứ khó, chẳng hạn món ưa của tôi là cổ văn của người Tàu. Vậy mà sau buổi dạy thêm tôi vẫn sang anh trò chuyện, anh có cách nói như kiểu thưởng trà của một bậc túc nho.

Sự dẫn chuyện của anh điềm tĩnh kĩ càng nguồn ngọn trước nhiều vấn đề văn hóa, văn nghệ của xứ ta và thế giới. Đôi khi tôi sốt ruột ngắt lời muốn anh kể tắt cho nhanh thì anh không chịu mà vẫn cứ nhẩn nha mọi sự lại từ đầu. Có lẽ cái nghề nghiên cứu văn học dân gian cùng chất nhà giáo của anh nó phải vậy, đủ xuất xứ, thông ngọn nguồn, ở đâu và do đâu.

vu-ngoc-khoi-2.jpg
Nhà giáo Vũ Ngọc Khôi giảng về tấm gương anh hùng Nguyễn Bá Ngọc cho học sinh tiểu học ở Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Nói thật, tôi và vài người nữa không thích cách kể chuyện xa xôi từ những năm ba đào của anh, phần vì tôi là dân dạy môn tự nhiên não nhiều phương trình và kí hiệu, phần nữa bây giờ là thời buổi số hóa, cái gì không rõ thì hỏi bác Gu gờ.

Tỉ như, trong sổ sách của Ủy ban xã tôi “Tân Khang” đã không còn là tên xóm mà thay vào đó là cái “thôn 5” gọn lỏn. Giá như anh giáo họ Vũ nhà tôi nhận ra cái người ta không muốn có ở mình để từ đó sớm làm cuộc “cách cái mạng” thử coi nó ra răng? Mà anh cứ khư khư ôm mãi món mình ưa thì ôi thôi nhọc lắm!

Kỉ niệm quý của tôi ngay khi còn trong khu tập thể là việc anh cho mượn cuốn “Hành trình về phương Đông” của tác giả Nguyên Phong và “Bản sắc văn hóa Việt Nam” của giáo sư Phan Ngọc.

Nếu như tác phẩm của học giả Phan Ngọc là tri thức cơ sở cần và phải trau dồi thì “Hành trình về phương Đông” lại chỉ ra một cách nhìn và cách đi mà nhân loại thì hiện tại cần và nên biết. Có lẽ, Vũ Ngọc Khôi đã có dự cảm một điều gì đó sẽ xảy đến với tôi nên anh cho mượn tác phẩm chuẩn bị cái phông bảo đảm cho việc của người cầm bút.

Việc nhà giáo khi đương chức hay lúc hưu viết văn làm thơ là chuyện thường thấy. Giáo viên dạy chuyên, đào tạo học sinh giỏi văn quốc gia như Vũ Ngọc Khôi thì đó là chính nghề không phải tay ngang. Anh tham gia Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa từ rất sớm, viết văn, làm báo, khảo cứu các vấn đề văn hóa - lịch sử bằng sự tận tâm, tận lực giữa lúc đời sống còn nhiều gian khó.

Cứ tưởng sở trường của Vũ Ngọc Khôi do thừa hưởng tài lộc từ người bố chuyên về văn hóa dân gian nhưng sức viết của anh nằm ngoài tưởng tượng của tôi qua nhiều tác phẩm theo thể bút kí văn học về các giá trị văn hóa - lịch sử, về đất nước và con người Việt Nam như “Ngàn dặm Trường Sơn” (NXB Thế Giới, năm 2000, được dịch sang tiếng Anh), “Dọc sông Đà”, “Biển Việt - Đảo Việt” và “Truyền thuyết về những người mở cõi”.

Mà bất ngờ hơn cả, năm 2014 anh cho in tiểu thuyết lịch sử Nguyễn Du - “Trên đường gió bụi” (NXB Văn học). Đã nhiều người viết tiểu thuyết về Nguyễn Du riêng Vũ Ngọc Khôi chọn một điểm mở là 10 năm gió bụi để hư cấu. Nhờ đó, người đọc có thể hình dung thêm về một góc tâm hồn của Nguyễn Tiên Điền.

Tác phẩm là sự cảm thương vô bờ với rất nhiều số phận, mà đặc biệt trong đó là thân phận của người phụ nữ cùng những trí thức tài hoa cùng không chút phân biệt họ về yếu tố quốc tịch hay vùng miền. Tiếp độ thăng của cảm xúc, năm 2015, Vũ Ngọc Khôi lại cho ra “Ẩn ức Hồ Xuân Hương” (NXB Hội Nhà văn).

Với thể tài tiểu thuyết lịch sử, họ Vũ đã tạo nên một tài tử, tài nữ là bà chúa thơ Nôm có mối tình si cùng Nguyễn Du thi sĩ. Đây là tiểu thuyết đã được Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa xếp giải Nhất. Đọc “Ẩn ức Hồ Xuân Hương” ta thấy họ Vũ đã vận dụng rất nhiều chất liệu dân gian để lý giải những ẩn ức tâm hồn nhằm giải thích cá tính của Xuân Hương.

vu-ngoc-khoi-4.jpg
Thầy Vũ Ngọc Khôi, cô giáo Mai Thị Ngọc Chúc cùng học trò chuyên văn khóa 1999-2001. Ảnh: NVCC

Với cái thanh kèm cái tục, sự bất cần, mạnh mẽ song hành cùng bao nét tài hoa, nữ thi sĩ đã thả hồn để thi phẩm trở nên bất tử. Vũ Ngọc Khôi đang nên duyên trong thể tài tiểu thuyết lịch sử thì một bất ngờ lại đến với tôi khi được anh tặng tiểu thuyết “Trò chơi - Trời cho” (NXB Hội Nhà văn), còn thơm mùi giấy.

Thật lạ, tác phẩm này không theo duyên thể tài lịch sử như hai cuốn trước mà là niềm u uẩn với thân phận của những người lính không may bị địch bắt rồi được trao trả khi hòa bình lập lại. Mới hay, thời hậu chiến vẫn còn nhiều vấn đề để người đọc phải trăn trở dù tiếng súng coi như đã không còn!

Với hơn 50 năm cầm phấn và cầm bút, Vũ Ngọc Khôi có nhiều học trò đoạt giải văn quốc gia cùng hơn 20 đầu sách đã được các nhà xuất bản tên tuổi cấp phép, hàng trăm bài đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương.

Và không thể không kể tới sự tri ân của anh với mảnh đất và người xứ Thanh, nơi anh và gia đình một thời gắn bó và được lưu lại trong các tác phẩm “Bàn tay ông Lê Lợi”, “Nét văn hóa xứ Thanh”, “Danh nhân văn hóa Đào Duy Từ”, “Địa chí văn hóa Thanh Hóa”, ...

Là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thanh; sáng lập viên, Ủy viên Thường vụ Hội Kiều học Việt Nam; nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Ngọc Khôi - bút danh Hoàng Khôi được học trò và đông đảo bạn bè, độc giả nể phục, quý mến.

Có thể nói, thứ còn lại của Vũ Ngọc Khôi không phải là cái chức to hay danh hiệu lớn mà là cốt cách và tác phẩm, không riêng học trò mà nhiều người gọi anh là THẦY với thực nghĩa của từ này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Trịnh Thị Huyền trình bày biện pháp giáo dục hiện đại trước Ban giám khảo trong Cuộc thi Giáo viên dạy giỏi cấp thành phố.

Gen AI - trợ thủ đắc lực trong dạy học Ngữ văn

GD&TĐ - Đưa trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) vào giảng dạy như công cụ hỗ trợ hiệu quả, cô Trịnh Thị Huyền - giáo viên Trường THPT Hữu Nghị (Lê Chân, Hải Phòng) tiên phong đổi mới phương pháp, hiện đại hóa việc dạy học môn Ngữ văn.

Bức ảnh bà Hiền (hàng đầu thứ 4 từ trái sang) và đoàn công tác chụp chung với Bác Hồ năm 1966.

Một giờ gặp Bác, trọn đời khắc ghi

GD&TĐ - Được gặp Bác chỉ vỏn vẹn một giờ, nhưng với bà Lê Thị Hiền (TP Hà Tĩnh), đó là ký ức không bao giờ phai. Không chỉ vì đó là vinh dự lớn lao, mà bởi từ cuộc gặp ấy, một ngọn lửa trong bà được thắp lên, để rồi suốt cuộc đời bà sống theo ánh sáng ấy.