Đình cổ Hà Vỹ, phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đang nhộn nhịp hẳn lên bởi màu son của một triển lãm mang tính về nguồn, tưởng nhớ ông tổ nghề sơn Trần Lư.
Bức tranh đa sắc về nghề sơn ta
Là một sự kiện kéo dài tới ba tháng (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8/2025), Triển lãm “Sắc son” diễn ra ngay trong ngôi đình Hà Vỹ - không gian tâm linh gắn bó với nghề sơn truyền thống, không chỉ tôn vinh nghề sơn cổ truyền của người Việt, mà còn “đánh thức” những quên lãng về một di sản quý giữa phố cổ Hà Nội.
Nằm trong khuôn khổ dự án “Chuyện đình trong phố”, Triển lãm “Sắc son” do nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn làm giám tuyển, trưng bày các sản phẩm sơn mài mỹ nghệ cùng tác phẩm hội họa tranh sơn mài do các họa sĩ trẻ thực hiện, kết hợp với nghệ thuật sắp đặt ánh sáng mang đến những câu chuyện thú vị của nghề sơn ta.
“Sắc son” quy tụ nhiều nghệ sĩ và nghệ nhân nổi tiếng, như: Vũ Xuân Đông, Trương Hoàng Hải, Lại Minh Huyên, Bùi Kim Hiền, Đinh Văn Trọng, Ngô Thành Bắc, Trần Công Dũng, Lolo Zazar, Trần Văn Giáp… giới thiệu đa dạng về chất liệu và hình thức, từ tranh sơn mài, tượng gỗ phủ sơn đến các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nghệ nhân sơn mài Hạ Thái.
Không chỉ là một triển lãm mỹ thuật - mỹ nghệ, “Sắc son” còn được ví là cuộc đối thoại giữa quá khứ và hiện tại, giữa nghề thủ công truyền thống và sáng tạo nghệ thuật đương đại. Từ mảng màu chủ đạo trong sơn mài cổ truyền gồm các sắc son và then, công chúng được dẫn dắt đến một phổ màu phong phú với bốn sắc độ đặc trưng “trai, tươi, thắm, nhì” - thể hiện thẩm mỹ trong nghệ thuật sơn mài, khơi gợi lớp trầm tích văn hóa, phản ánh chiều sâu bản sắc Việt Nam.
Các tác phẩm kết hợp với nghệ thuật sắp đặt ánh sáng do họa sĩ Vũ Xuân Đông thực hiện với ý tưởng tương tác giữa những đám mây đèn lồng, được tạo hình truyền thống mang sắc thái vàng son, với hệ thống kiến trúc lầu gác mái tinh xảo của đình Hà Vĩ, tạo ra hiệu ứng thị giác vừa thực vừa ảo.
Tại triển lãm, ba bức tượng Bác Hồ được lấy nguyên mẫu từ bức tượng đồng của nhóm nghệ sĩ Vũ Xuân Đông, Vũ Công Thiện, Đinh Văn Trọng đã thể hiện tại phòng truyền thống của báo Nhân Dân trước đây. Giờ đây, các tác phẩm được thu nhỏ bằng kỹ thuật mới đặc trưng của sơn ta truyền thống như thếp vàng, thếp bạc và phủ son.
Không chỉ trưng bày những tác phẩm đặc sắc, “Sắc son” còn là hành trình dẫn dắt người xem tới nghe câu chuyện thú vị về nghề sơn - với không gian trưng bày dụng cụ, đồ nghề, vật liệu, chất liệu sơn ta do họa sĩ Trương Hoàng Hải sưu tầm. Từ chổi, bút, cọ, bay, chày giã, bát đựng… tất cả như tái hiện quá trình sáng tạo khổ nhọc của nghệ sĩ, và trở thành bảo tàng thu nhỏ giữa ngôi đình cổ.
Đặc biệt, họa sĩ Ngô Thành Bắc đã trồng 2 cây sơn ta ngay trong khuôn viên sân đình, vừa phù hợp với một danh tích thờ ông tổ nghề sơn, vừa để khách tham quan nhìn thấy cây sơn, chạm vào cây sơn, hiểu được quy trình lấy nhựa, chế biến sơn sống, trộn sơn chín, đánh sơn lấy màu…

Khơi gợi các giá trị văn hóa Thăng Long - Kẻ Chợ
Theo thông tin di sản, đình Hà Vỹ được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 19, do những người dân làng Hà Vỹ (phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông; nay thuộc huyện Thường Tín, TP Hà Nội) lập để thờ ông tổ nghề sơn Trần Lư, người làng Bình Vọng.
Trần Lư đỗ Tiến sĩ năm 1502, là quan Hiến sát sứ có công học hỏi các bí quyết vẽ sơn son thếp vàng từ Trung Quốc, đem nghề về dạy cho dân làng và các xã xung quanh như Hạ Thái, Duyên Tường... Học trò của ông sau lập các phường thợ và tỏa đi khắp nơi làm nghề. Tại Hà Nội, họ lập nghiệp tại phố Hàng Hòm, mở một số cửa hiệu làm và bán hòm gỗ, tráp đựng quần áo... Về sau, họ nhận sơn hoành phi, câu đối, cây đèn, ngai bệ, khám thờ.
Đình Hà Vỹ có quy mô nhỏ, từ ngoài vào là cổng, đi qua lối nhỏ tới kiến trúc chính có dạng chữ “Nhị”, gồm ba gian tiền đường và ba gian hậu cung xây theo kiểu chồng diêm. Theo văn bia hiện còn, ngôi đình được trùng tu nhiều lần vào các năm Duy Tân thứ 8 (1914), Khải Định thứ 6 (1921), Bảo Đại thứ 16 (1941). Năm 1941, đình bị thực dân Pháp đánh sập. Đến năm 1951, đình được khôi phục với quy mô như hiện nay.
Đình Hà Vỹ là một trong bảy ngôi đình trong danh sách “tour đi bộ nghệ thuật”, gồm: Đình Tú Thị (thờ tổ nghề thêu Lê Công Hành), đình Yên Thái (thờ Nguyên phi Ỷ Lan), đình Nam Hương (thờ thần Long Đỗ, Linh Lang, Cao Sơn), đình Trúc Lâm (thờ tổ nghề da giầy Nguyễn Thời Trung), đình Trung Yên (thờ ông Mỗ - Tiến sĩ thời Mạc), đình Phúc Kiến (thờ Thiên Hậu).
Hoàn thành và ra mắt công chúng với các triển lãm độc đáo, dự án “Chuyện đình trong phố” với mong muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa kinh kỳ Thăng Long - Kẻ Chợ, giám tuyển Nguyễn Thế Sơn và nhóm nghệ sĩ đã tiến hành dự án với sự nghiêm túc, ngay từ việc khảo sát, kiểm kê, phân tích cho đến trình bày, hệ thống hóa các điểm di tích phục vụ công tác phát huy giá trị di sản.


Trong thời gian qua, ngoài việc tổ chức các tour đi bộ nghệ thuật, nhóm nghệ sĩ đã thực hiện nhiều trưng bày mang tính “về nguồn” với các tác phẩm gắn với tổ nghề được thờ trong các ngôi đình. Như đình Yên Thái với không gian “Đường tơ” khơi gợi khách tham quan nhớ tới truyền thuyết Nguyên phi Ỷ Lan trên cánh đồng Dâu làng Sủi vào ngày vua đi kén vợ.
Đình Tú Thị thờ ông tổ nghề thêu được xử lý một cách khéo léo các khoảng không gian trống, có ánh sáng trời để treo các mẫu thêu và mẫu vẽ. Đồng thời, cũng trở thành địa chỉ lưu trú sáng tác cho các nghệ sĩ và nghệ nhân trong giới thêu thùa.
Nét đặc trưng xuyên suốt ở các không gian tái sáng tạo trong đình là việc sắp đặt một cách tinh tế các tác phẩm dựa vào đặc điểm không gian có sẵn của đình, vừa hài hòa vừa mới mẻ lại tái hiện được câu chuyện về nghệ thuật, văn hóa và lịch sử của những di sản đô thị đặc biệt.
Theo ông Nguyễn Mạnh Linh - Chủ tịch UBND phường Hàng Gai, hoạt động sáng tạo của các nghệ sĩ thuộc dự án không chỉ đánh thức giá trị di sản, đưa di tích trở thành không gian văn hóa, nghệ thuật, tín ngưỡng gắn kết cộng đồng, mà còn có sức hấp dẫn lớn, thúc đẩy di tích trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.