Sẵn sàng cho mùa thi: Đa dạng cách thức chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng

GD&TĐ - Các trường học trên địa bàn TPHCM đang đồng thời triển khai giảng dạy theo khung kế hoạch thời gian năm học và tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Học sinh TPHCM tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: M.A
Học sinh TPHCM tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: M.A

Bên cạnh đó, nhiều trường còn tổ chức các kỳ thi thử nhằm giúp học sinh làm quen với điểm mới trong cách làm bài thi cũng như đánh giá năng lực, từ đó có định hướng ôn tập phù hợp.

Tăng cường ôn tập, phụ đạo

Nhằm giúp học sinh lớp 12 làm quen các dạng đề thi theo Chương trình GDPT 2018, vào sáng thứ Bảy hằng tuần, Trường THPT Trần Nhân Tông (quận Bình Tân) tổ chức khảo sát các môn thi tốt nghiệp. Theo ông Đinh Đức Thịnh - Phó Hiệu trưởng nhà trường, hoạt động triển khai từ tháng 3/2025.

Qua mỗi đợt khảo sát, học sinh được làm quen với hình thức và cấu trúc đề thi cũng như những thay đổi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu được áp dụng từ năm nay. Đặc biệt, từ kết quả khảo sát, giáo viên và nhà trường có thể đánh giá chính xác hơn năng lực hiện tại của học sinh, từ đó đưa ra giải pháp giảng dạy và ôn tập hiệu quả hơn.

“Từ đầu học kỳ II, nhà trường đã xây dựng kế hoạch khảo sát và phổ biến tới toàn thể cán bộ, giáo viên về quy định chung, thời gian biểu cho từng buổi khảo sát. Dù kết quả các đợt khảo sát không được dùng để tính điểm kiểm tra, đánh giá, nhưng học sinh vẫn nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động này đối với việc học và chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp.

Nhờ đánh giá sát năng lực học sinh và tổ chức ôn tập, phụ đạo phù hợp, nên nhiều năm nay, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của trường luôn ở mức cao. Riêng năm 2024, 100% học sinh lớp 12 của trường đã đỗ tốt nghiệp”, ông Thịnh cho hay.

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), trong quá trình giảng dạy lớp 12, giáo viên thường xuyên theo dõi tình hình học tập thông qua các đợt kiểm tra giữa học kỳ và các lớp ôn thi tốt nghiệp từ đầu năm, qua đó nhà trường điều chỉnh kế hoạch ôn tập phù hợp.

Bà Trần Thị Minh Đức - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các thầy, cô giáo luôn theo sát học sinh lớp 12, bởi kỳ thi năm nay có nhiều điểm mới, là năm đầu tiên áp dụng Chương trình GDPT 2018 với cấu trúc đề thi và cách làm bài đổi mới. Vì vậy, ngoài trang bị kiến thức, nhà trường còn tổ chức nhiều đợt kiểm tra giúp học sinh tiếp cận sớm với định dạng đề thi, làm quen với hình thức thi để tự tin bước vào kỳ thi quan trọng”.

Theo bà Đức, từ giữa tháng 4/2025, nhà trường đã xây dựng kế hoạch ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo hai giai đoạn. Cụ thể, từ ngày 12 - 31/5, cùng với hoàn tất chương trình môn học, giáo viên sẽ tổ chức ôn tập, chú trọng các kiến thức học kỳ I.

Giai đoạn hai từ ngày 2 - 22/6, học sinh được ôn tập chuyên sâu vào buổi sáng các ngày thứ Hai đến thứ Sáu, tập trung vào kiến thức lớp 12 và hệ thống hóa kiến thức lớp 10, 11. Đồng thời, nhà trường tăng cường phụ đạo theo từng môn cho học sinh có học lực yếu.

da-dang-hinh-thuc-chuan-bi-cho-ky-thi-2.jpg
Trường THPT Đào Sơn Tây tập huấn cho học sinh lớp 12 đăng ký thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Ảnh: NTCC

Tập dượt cho thầy và trò

Cuối tháng 4/2025, Sở GD&ĐT TPHCM ban hành văn bản gửi đến các trường THPT công lập, ngoài công lập và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên về việc tổ chức Kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025 cho 100% học sinh lớp 12 trong thời gian từ ngày 26 - 28/5.

Các đơn vị được yêu cầu chủ động ra đề, tổ chức thi thử nghiêm túc như kỳ thi chính thức, từ khâu ra đề, coi thi đến chấm thi, đảm bảo đúng quy chế. Đây là đợt tập dượt quan trọng, giúp hơn 100.000 học sinh lớp 12 làm quen với các thay đổi trong phương pháp đánh giá của Chương trình GDPT 2018.

Ông Nguyễn Bảo Quốc - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Việc tổ chức kỳ thi thử nhằm rà soát điều kiện dự thi của học sinh lớp 12 năm học 2024 - 2025 tại các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm GDTX, GDNN - GDTX và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDPT, giáo dục thường xuyên cấp THPT trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, việc này giúp kiểm tra công tác tổ chức dạy học, thực hiện chương trình theo quy định của Bộ GD&ĐT; hướng dẫn nội dung trọng tâm của Chương trình GDPT 2018 theo từng môn học, giúp học sinh làm quen với cấu trúc và định dạng đề thi.

“Thi thử còn giúp học sinh, giáo viên nắm rõ phương thức thi mới và thực hiện nghiêm túc các quy định trong quy chế thi tốt nghiệp THPT theo Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT. Công tác tổ chức thi thử còn là dịp dự báo các tình huống có thể phát sinh khi tổ chức kỳ thi chính thức, đồng thời là đợt tập huấn nghiệp vụ, quy chế thi cho giáo viên các trường phổ thông.

Thông qua thi thử, các trường có cơ sở để đánh giá kết quả học tập, phân loại học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập, bổ sung kiến thức và hướng dẫn luyện tập hiệu quả, giúp học sinh đạt kết quả tốt nhất khi bước vào kỳ thi chính thức”, ông Quốc nhấn mạnh.

Ở góc độ nhà trường, ông Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Quận 4) cho rằng, tổ chức kỳ thi thử giống như kỳ thi thật nhằm giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi mới, dạng đề mới và cách làm bài thi. Sau khi thi, nhà trường sẽ phân tích kết quả để đánh giá quá trình học tập của học sinh, từ đó điều chỉnh kế hoạch giảng dạy, bổ sung những phần kiến thức còn thiếu hụt, yếu kém.

“Tiếp xúc sớm với các dạng đề thi tốt nghiệp không chỉ giúp học sinh giảm áp lực tâm lý mà còn rèn luyện kỹ năng làm bài, phân bổ thời gian hợp lý, xử lý tình huống trong phòng thi, qua đó đạt kết quả cao nhất trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, ông Đảo nhận định.

Nguyễn Hồng Ánh Dương - học sinh lớp 12A14, Trường THPT Trần Nhân Tông chia sẻ: “Với em, việc tham gia khảo sát do nhà trường tổ chức có ý nghĩa thiết thực với bản thân. Bởi trước đây, mỗi khi nghĩ đến kỳ thi tốt nghiệp, em lại thấy lo lắng.

Tuy nhiên, nhờ sự động viên, hỗ trợ của thầy, cô giáo và trải qua các đợt khảo sát, em dần thích nghi với áp lực về thời gian làm bài cũng như khắc phục được tâm lý khi vào phòng thi. Em từng bước định hình rõ ràng và nắm chắc hơn về các dạng đề, cấu trúc đề thi, nhận ra được phần kiến thức mình còn thiếu để tập trung ôn luyện”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ