Tương lai mờ mịt

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau khi Israel nối lại chiến dịch tấn công Dải Gaza để tận diệt lực lượng Hamas, cảnh đổ nát lại tái diễn và mở rộng từ phía Bắc xuống phía Nam.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Với tốc độ tấn công dồn dập cả trên không và trên bộ hiện nay và quy mô nhỏ hẹp của Dải Gaza thì sớm hay muộn sẽ đến lúc quân đội Israel phải ngừng chiến dịch quân sự do hết mục tiêu.

Khi đó Dải Gaza sẽ không bao giờ còn như trước thời điểm ngày 7/10 và tương lai của mảnh đất này lại đang được đặt ra với các bên liên quan.

Israel và đồng minh Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm đối tác đủ năng lực và uy tín tiếp quản Dải Gaza sau chiến sự. Một trong những mục tiêu chính trong chuyến công du Israel và Bờ Tây trong tuần qua của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken chính là thảo luận về phương án thành lập chính quyền quản lý Dải Gaza thời hậu Hamas.

Khi Israel phát động chiến dịch trả đũa vụ tấn công của Hamas hôm 7/10, nước này khẳng định sẽ chỉ dừng lại khi Hamas hoàn toàn bị tiêu diệt, mà không đề cập rõ ràng lực lượng nào sẽ thay thế Hamas quản lý Dải Gaza.

Bản thân Israel được cho là cũng không mặn mà với việc quản lý vùng đất có hơn 2 triệu dân này sau khi đã có 38 năm quản lý sau cuộc chiến năm 1967.

Thời gian gần 4 thập kỷ quản lý Dải Gaza đã khiến Israel hứng chịu nhiều tổn thất do phong trào phản kháng của người Palestine. Do đó, giới phân tích nhận định Israel sẽ không tái diễn việc quản lý Dải Gaza sau khi lực lượng Hamas bị tiêu diệt. Điều này cũng đặt ra thế khó cho Mỹ vì chừng nào vùng đất này không được kiểm soát sẽ trở thành mồi lửa để vòng xoáy bạo lực lan ra khắp Trung Đông.

Chính quyền Mỹ từng nhiều lần lên tiếng ủng hộ phương án chuyển giao quyền kiểm soát Dải Gaza cho chính quyền Palestine ở Bờ Tây. Nhưng đây cũng chính là thách thức cho chính quyền Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas vì lực lượng này đã phải rút khỏi Dải Gaza sau khi thất bại trước Hamas trong cuộc bầu cử 16 năm trước. Sau gần 20 năm gián đoạn quản lý, việc tìm kiếm sự ủng hộ của người dân địa phương đối với chính quyền Palestine sẽ không đơn giản.

Trong 16 năm cầm quyền tại Dải Gaza, lực lượng Hamas cũng đã có ảnh hưởng sâu đậm đến mọi phương diện xã hội, chính trị, an ninh, kinh tế tại vùng đất này. Việc vận hành bộ máy hành chính, quân sự, an ninh của Hamas cùng sự ủng hộ rộng rãi của người dân sẽ trở thành một thách thức cho bất cứ lực lượng nào khác đến thay thế quản lý Dải Gaza.

Khi phương án Israel hay chính quyền Palestine quản lý Dải Gaza đều khó khả thi, Mỹ và Israel đang tính đến một phương án mới là mời các nước Ả Rập dẫn đầu một chương trình tái thiết và quản lý vùng đất này trong một thời gian. Đây được coi là giai đoạn chuyển giao quyền lực cần thiết và phù hợp, tránh sự thay đổi đột ngột trong điều hành Dải Gaza.

Ngoài ra, giới chức Israel còn từng đề cập đến phương án đề xuất NATO hoặc Liên Hợp Quốc cử lực lượng gìn giữ hòa bình đến Dải Gaza nhưng đều không khả thi và quá nhạy cảm.

Chính vì vậy, phương án đang “sáng cửa” nhất hiện nay là đề xuất của Israel là lập Chính quyền Tái thiết Gaza do Ả-rập Xê-út và UAE dẫn đầu. Tuy nhiên, điều khó nhất là chính các nước Ả Rập này lại không tỏ ra mặn mà với kế hoạch, càng đẩy tương lai Dải Gaza vào cảnh mờ mịt hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Trái ổi

Truyện ngắn: Trái ổi

GD&TĐ - Tiếng thắng gấp cháy bánh của chiếc xe máy ở phía sau, ông Mạnh vội quay nhìn. Một đôi nam nữ ngồi trên xe SH màu trắng tinh, quay ngang.
Tranh minh họa vua Trần Dụ Tông đi chơi bị trộm mất ấn tín và gươm báu.

Chuyện những ông vua chạm mặt trộm, cướp

GD&TĐ - Trong lịch sử phong kiến nước Việt, một số vị vua từng gặp trộm, cướp vào ban đêm và được chính sử ghi chép, để lại những câu chuyện 'dở khóc, dở cười'.