Tuổi 18 mê vẽ tranh góp quỹ từ thiện

GD&TĐ - “Hạnh phúc là khi được làm những gì mình thích”, Thạch Chành Đô - cô gái sinh năm 2000 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) khẳng định với chúng tôi. Việc vẽ và bán tranh để làm từ thiện đã đem đến cho cô họa sĩ nghiệp dư ở tuổi 18 những niềm vui giản dị.

Thạch Chành Đô đam mê vẽ tranh
Thạch Chành Đô đam mê vẽ tranh

Tự học vẽ qua mạng

Nhìn những bức vẽ sống động của Đô, khó tin rằng cô bạn này chưa từng qua một trường lớp đào tạo bài bản nào. Yêu thích và có năng khiếu vẽ từ nhỏ nhưng kinh tế gia đình khó khăn, Đô chỉ có thể theo đuổi đam mê bằng việc tự học qua các video dạy vẽ trên mạng.

Có một tuổi thơ kém may mắn so với các bạn đồng trang lứa. Cha mất sớm, mẹ cũng bỏ đi khi em còn đang theo học tiểu học, Đô được một mạnh thường quân nhận nuôi từ đó, đồng thời lo cho em ăn học đến hết lớp 9.

Đô nghỉ học và phụ giúp việc kinh doanh cho thuê trang phục tại nhà mạnh thường quân trên thành phố Sóc Trăng. Đô cho biết: Em thường tập trung vẽ tranh sau khi hoàn thành xong công việc. Chỉ cần một chiếc bàn, vài tờ giấy trắng loại A4, A5 và những cây cọ vẽ, hộp màu, những bức tranh hết sức sống động của em cứ thế hình thành.

Chị Bùi Thị Hằng, người nhận nuôi dưỡng Đô, chia sẻ: “Hè năm 2018, chị thuê giáo viên về dạy phụ đạo cho con, trong đó có môn vẽ, Đô thấy các giáo viên vẽ, nên thích. Từ đó, em bắt đầu tập tành vẽ theo, ban đầu là những bức tranh đơn giản như bình hoa, động vật, nhà… rồi dần dần đến tranh phong cảnh, làng quê, cây cối và mỗi bức vẽ đều rất có hồn”.

Ngoài ra, em cũng tự nghiên cứu nhiều thể loại mới, cách phối màu, bố cục… đều thông qua những video hướng dẫn trên mạng xã hội.

Chành Đô tâm sự: “Em thích nhất là được miêu tả những cảm xúc, những trạng thái khác nhau của cây cối, sự thay đổi của những mùa trong năm, đường phố, các con vật trên trang giấy”. Có lẽ vì lý do đó mà những tranh vẽ của em đều mang những nét riêng, rất đặc biệt. Màu vẽ em sử dụng chủ yếu là màu sáp và màu nước.

Nét vẽ từ tâm

Chị Hằng chia sẻ thêm: Thấy tranh của Đô vẽ khá đẹp, chị đăng những bức vẽ của em lên mạng xã hội và nhận được nhiều lời khen ngợi từ bạn bè và cộng đồng mạng, qua đó khoảng hơn chục tác phẩm được những người yêu hội họa đấu giá thành công.

Số kinh phí từ việc bán tranh Đô chỉ giữ lại một ít để mua giấy, nguyên liệu vẽ và màu, còn lại em gửi hết cho “Câu lạc bộ 0 đồng” (của Nhóm IV Trần Văn Ơn, thuộc Đoàn Khối các cơ quan tỉnh Sóc Trăng) để các thành viên của “Câu lạc bộ 0 đồng” có thêm nguồn kinh phí tổ chức các hoạt động như: Phát gạo, tập học sinh, chăn màn, nhu yếu phẩm, quần áo cũ… cho người nghèo, thăm trẻ em mồ côi, người già neo đơn, nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam, ủng hộ các gia đình không may bị hỏa hoạn, hay gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh Sóc Trăng.

Khi được hỏi vì sao em lại có suy nghĩ sẽ bán tranh gây quỹ để làm từ thiện, Chành Đô vui vẻ cho biết: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, nên em rất thấu hiểu những người có cùng cảnh ngộ giống như mình. Từ đó, chỉ cần có điều kiện và trong khả năng của mình, em sẵn sàng chia sẻ, chỉ mong sao mọi người ai ai cũng có cuộc sống tốt đẹp hơn”.

Những bức tranh đều là cảm xúc thật, được kể lại bằng tình cảm chân thực, mộc mạc nhất về thế giới xung quanh mà em cảm nhận được, về quê hương nơi em sinh ra, hay là những nơi mà em đã đặt chân đến. Tranh của em đều đầy ắp tình yêu thương giữa con người với con người, con người với thiên nhiên và đều mang những gam màu sáng. Điều đó còn thể hiện những ước mơ trong em về tương lai tươi sáng hơn.

Mong muốn lớn nhất của Đô lúc này là những bức tranh vẽ của mình sẽ tiếp tục nhận được sự đón nhận của mọi người, để qua đó em có thể giúp đỡ được thêm nhiều hoàn cảnh khó khăn. Một tấm lòng thật đáng trân quý của cô gái chưa tròn tuổi đôi mươi.

Đối với Đô, vẽ tranh và làm từ thiện là hai niềm đam mê lớn nhất của em lúc này. Vẽ tranh và giúp đỡ người khác giống nhau ở chỗ đều phải xuất phát từ cái tâm, từ cảm xúc thật. Khi được làm điều mình thích, mình sẽ cảm thấy hạnh phúc. Mình cho đi nhưng cũng sẽ nhận lại được rất nhiều. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...