Từng cán bộ, giáo viên phải nhận thức được sâu sắc nhu cầu, định hướng đổi mới

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sáng 25/9, Đoàn công tác Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 29 Trung ương do Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn dẫn đầu đến khảo sát tại An Giang.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khảo sát thực tế việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương tại An Giang.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khảo sát thực tế việc thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương tại An Giang.

Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (TP Long Xuyên) và THCS Định Thành (huyện Thoại Sơn) tỉnh An Giang.

Tiên phong giáo dục cá thể hoá

Tại buổi làm việc với trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (tỉnh An Giang), Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của nhà trường trong thời gian vừa qua.

Bộ trưởng cho rằng: Mô hình trường chuyên thường được tỉnh quan tâm đầu tư hơn những trường khác, ưu tiên nguồn đầu vào học sinh tốt hơn, giáo viên và cơ sở vật chất cũng được quan tâm đầu tư hơn. Tuy vậy, Bộ trưởng lưu ý việc xây dựng và phát triển đội ngũ phải là khâu quan trọng nhất.

Với trường chuyên thì yêu cầu chuyên môn càng phải cao hơn, đánh giá cần có chiều sâu hơn. Vì vậy, trong đánh giá Nhà trường cần đánh giá thêm phương diện phát triển đội ngũ đặc biệt là khả năng, năng lực của giáo viên nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác đến khảo sát và làm việc với trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (tỉnh An Giang).

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cùng Đoàn công tác đến khảo sát và làm việc với trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (tỉnh An Giang).

“Trường chuyên thì rất chuyên nhưng phải cân bằng mạnh hơn, tranh thủ nhất trong điều kiện áp dụng các giáo dục cá thể hoá để từng học sinh được hỗ trợ phát triển tốt nhất các năng lực, sở trường cá nhân. Kỳ vọng sự đổi mới trường chuyên trong thời gian tới mang tính chất toàn diện và lấy phát triển học sinh làm trung tâm”, Bộ trưởng nói.

"Việc thực hiện đổi mới giáo dục theo NQ29 là việc lớn, phải bắt đầu từ những việc cụ thể, và một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là thực hiện chương trình GDPT 2018, trước mắt là thực hiện tốt kế hoạch năm học, thực hiện tốt từng năm, đổi mới từng khâu thì sẽ làm tốt NQ29”.- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Với trường chuyên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý Ban giám hiệu Nhà trường cần chú ý triển khai vấn đề giáo dục cá thể hoá, cá nhân hoá... Bởi mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là phát triển từng cá nhân học sinh đối với từng lớp. Do đó giáo viên không thực hiện đồng nhất, triển khai bài tập đồng nhất hay giao việc đồng nhất… mà phải giao nhiệm vụ theo năng lực của từng đối tượng học sinh.

“Với trường bình thường thực hiện khó, do đó trường chuyên cần tiên phong cá thể hoá”, Bộ trưởng nói.

Nói về vai trò hệ thống giáo dục mũi nhọn của trường chuyên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị Sở GD&ĐT phải xác định được trách nhiệm đầu tàu của trường chuyên, chia sẻ kinh nghiệm để hỗ trợ cho hệ thống các trường khác, đặc biệt là kinh nghiệm trong đổi mới, dẫn dắt và lan toả hệ thống giáo dục tại địa phương.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Phải thấy được nhu cầu, định hướng đổi mới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, yếu tố đầu tiên và quan trọng là nhận thức được yêu cầu đổi mới. Bộ trưởng mong muốn giáo viên cần được nhận thức tư tưởng và quan tâm vấn đề này. Trong đó từng cán bộ giáo viên phải thấy được nhu cầu, định hướng đổi mới.

Bộ trưởng cho rằng mục tiêu đổi mới rất lớn, dồn dập và mọi thứ chỉ mới bắt đầu, chương trình GDPT 2018 thực hiện mới chỉ thực hiện được nửa đoạn đường nhưng công việc đổi mới còn rất nhiều.

“Đổi mới là một quá trình, mục tiêu đề ra cao, kỳ vọng nhiều nhưng chúng ta cũng từng bước từng bước đi vào chiều sâu, mục tiêu là làm sao đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phát triển năng lực học sinh”, Bộ trưởng nói.

Đối với cấp THCS, Bộ trưởng mong rằng giáo viên chú ý hơn đến vấn đề nền tảng cốt lõi nhất là vấn đề con người, trong đó nhấn mạnh yếu tố hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ giữa các giáo viên chuyên môn trong tổ bộ môn và toàn ngành là vô cùng quan trọng. Để từ sự gắn kết, chia sẻ ấy làm sao phát huy được sự chủ động, sáng tạo và yêu cầu của chương trình GDPT mới.

Một trong những thay đổi sâu sắc và quan trọng nhất theo Bộ trưởng là hoạt động của giáo viên. Vì theo chương trình GDPT mới, vai trò của giáo viên chuyển mạnh từ gánh nặng kiến thức chuyển sang là người dẫn dắt, tổ chức, định hướng và hỗ trợ...để trang bị tối đa kiến thức theo nhu cầu, phát triển năng lực cho học sinh.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể giáo viên trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang).

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chụp ảnh lưu niệm cùng tập thể giáo viên trường THCS Định Thành, huyện Thoại Sơn (An Giang).

“Trong thời điểm đổi mới, thử thách nhiều, hoạt động nhiều hơn và chất lượng hoạt động cao hơn. Việc thay đổi nhiều nhưng thu nhập không thay đổi sẽ dễ khiến đội ngũ giáo viên bị áp lực, vì vậy giáo viên cần được động viên, cần được hỗ trợ” - Bộ trưởng chia sẻ.

"Thực hiện chương trình GDPT mới vừa đem lại cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức. Chúng ta phải thực hiện tốt từng việc, kế hoạch năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo thì từng bước thực hiện tốt NQ29. Làm tốt từng việc, ngày hôm sau tốt hơn hôm nay, năm sau tốt hơn năm nay thì chúng ta làm tốt đổi mới của mình. Không ai đánh giá được sự đổi mới của thầy cô một cách toàn diện bằng chính thầy cô, hãy so với chính mình trong năm trước”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.