Từ một cuốn sách, nghĩ về người thầy phu chữ

GD&TĐ - Trong số những người nghiên cứu về lý luận văn học và văn học Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện là nhà văn, nhà báo chuyên đi sâu nghiên cứu lịch sử lý luận, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX. 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện bên Tuyển tập Tiểu luận - Phê bình - Chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn, 2018.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện bên Tuyển tập Tiểu luận - Phê bình - Chân dung văn học, NXB Hội Nhà văn, 2018.

Đến nay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã có đến 7 cuốn sách in riêng. Trong số đó, tuyển tập tiểu luận – phê bình – chân dung văn học 1974 - 2017: “Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” đã để lại trong lòng người đọc nhiều điều cần suy ngẫm.

Dày dặn câu chuyện văn chương

Sách tuyển chọn những bài nghiên cứu lý luận, phê bình và chân dung văn học đã được tác giả công bố trong các Hội thảo khoa học, các báo, tạp chí chuyên ngành từ năm 1974 trở lại đây. Nội dung tuyển tập được trình bày thứ tự trong ba phần chính gắn bó trong một chỉnh thể là: Tiểu luận và nghiên cứu; Phê bình; Chân dung văn học.

Ở phần “Tiểu luận và nghiên cứu”: Những bài viết có tính thực tiễn cao được tác giả làm rõ như: Nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của lý luận văn học Việt Nam qua tiếp thu lý luận văn học từ nước ngoài.

Trong bài viết “Chiến lược phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và chăm sóc tài năng văn học nghệ thuật phát triển, làm rạng danh đất nước”, tác giả khẳng định: “Đã đến lúc, chúng ta cần phải có chiến lược và quyết sách táo bạo để phát hiện, bồi dưỡng, trân trọng, đãi ngộ, sử dụng đích đáng, giúp tài năng văn học nghệ thuật phát triển thăng hoa tới những đỉnh cao, làm rạng danh đất nước hôm nay và mai sau”.

Ở phần “Phê bình”, tác giả có những bài viết phê bình những tác phẩm thơ, truyện ngắn, chân dung văn học, hồi ký - tự truyện, tiểu thuyết… Đặc biệt, trong phần này, ông dẫn lời bình 14 truyện ngắn Việt Nam đương đại - của tác giả là những nhà văn nổi tiếng như: Xuân Thiều; Y Ban; Nguyễn Huy Thiệp; Trung Trung Đỉnh; Vi Hồng…

Ông có phần riêng tập hợp những bài viết sâu sắc về cuộc đời và sự nghiệp của Ma Văn Kháng. Đọc kỹ những bài phê bình trong sách này, chúng tôi càng thấm thía lời Hoài Thanh cho rằng, nhà phê bình bên cạnh việc nói đúng về tác phẩm, cao hơn, phải vắt óc sáng tạo, tìm tòi để không lặp lại ý của người khác, mà đến lượt mình, vẫn tìm ra chỗ đặc sắc nơi văn bản tác phẩm để nói và nói một cách hay.

Riêng phần “Chân dung văn học”, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện dựng lại chân thực về chân dung của 34 nhà lý luận, phê bình văn học Việt Nam thế kỷ XX, trong đó, có những nhà lý luận đầu ngành như Thiếu Sơn, Trần Thanh Mại, Phong Lê, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử…

Với 850 trang, ông sắp xếp khoa học từng phần trong tuyển tập theo từng chặng đường của lịch sử văn học Việt Nam đương đại. Nhiều người cho rằng, sở trường của ông có được do tố chất “thiên bẩm” mà người khác ít có.

Nhưng có lẽ mấy ai hình dung được niềm đam mê hết mình trong lao động khoa học của PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện, khi ông tâm huyết, miệt mài làm việc quên mình trên từng trang sách?

Người thầy phu chữ

Với những độc giả nói chung, việc xuất bản tuyển tập hoặc tập sách (là tập hợp những bài đã viết) thì không có gì đáng ngạc nhiên, bởi lẽ đó là “nhiệm vụ” công bố, trình bày trước công chúng. Đành rằng thời nay, việc tác giả tự in sách đã trở nên phổ biến và có thể nói là “dễ dàng”.

Chỉ cần tập hợp bản thảo, bỏ chút tiền túi ra là đã có thể có sách riêng tặng bạn bè. Nhưng chọn ra được đích đáng các bài viết, bản thảo, những bài nghiên cứu miệt mài trong hơn 40 năm để tập hợp lại thì không hề đơn giản.

Như Lỗ Tấn từng nói “trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”, trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học cũng vậy, có những lĩnh vực, khi người nghiên cứu khởi nghiệp, nó chưa từng được ai rẽ lối đi vào.

Với những người nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp thì công việc này rất gian khổ và cần mẫn. Có thể nói không ngoa rằng đó là sự đam mê hết mực, tinh thần “phu chữ” của người viết – tức cần mẫn trên cánh đồng học thuật, nâng niu, trân trọng từng câu chữ thì may ra mới có được thành công ít nhiều.

Tiếp xúc với ông, nhiều thế hệ giảng viên và sinh viên trong ngành đều tìm thấy ở ông hình ảnh một người thầy mẫu mực, giản dị, tận tình với học trò; đối xử với mọi người chân thành, trung thực, nhân hậu; một nhà khoa học chân chính và đời thường.

Ông đã và đang tham gia công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ngành Ngữ văn, ngành Báo chí tại một số cơ sở đào tạo sau đại học trong cả nước từ hơn 20 năm gần đây. Đặc biệt, niềm say mê nghiên cứu, nếp làm việc bền bỉ, liên tục của ông khiến lớp trẻ, khâm phục, noi gương.

Cảm giác chung khi đọc toàn bộ tập sách là tác giả có kiến thức văn uyên bác, hàm súc, đọng lại những kỷ niệm, ghi dấu về một đời hoạt động bền bỉ với văn chương, nghệ thuật.

Khi nhắc tới cuốn sách này, người ta có thể quên đi nhiều chi tiết, hình ảnh, nhưng dấu ấn về tác giả thì sẽ khắc sâu vào tâm trí người đọc - một tấm gương sáng về tinh thần tự học, say mê nghiên cứu khoa học, một nhà giáo mẫu mực, hiền minh.

Có một sự trùng hợp là cả 7 tập tiểu luận – phê bình của ông đã xuất bản, tập nào cũng đều có điểm “đặc biệt” giống nhau. Đó là chữ “và” kết nối hai vế trong tên cuốn sách: Văn chương và tác giả (1995); Tài năng và bản lĩnh nghệ sĩ (2000); Phong cách và đời văn (2005); Lý luận, phê bình và đời sống văn chương (2010); Văn chương, nghệ thuật và thẩm mỹ tiếp nhận (2015), và lần này Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương cũng không phải ngoại lệ.

Phải chăng, đó là điểm nhìn và tư duy của nhà nghiên cứu, lý luận phê bình chuyên nghiệp - luôn nhìn mọi việc khách quan, đa chiều, trong mối quan hệ biện chứng, cộng sinh.

Có một điều cũng cần nói thêm, minh chứng cho sự trân trọng những giá trị tinh thần của ông, ngoài tuyển tập này. Đó là bảo tàng - thư viện gia đình của ông (phôi thai từ năm 1962) với cái tên “Thế Uẩn Thư trai”. Bảo tàng - Thư viện đã giúp vào việc lưu trữ bằng hiện vật truyền thống tốt đẹp của đại gia đình, nền nếp gia phong từ bao đời đã được bồi đắp, từ đó giáo dục con cháu noi gương kế thừa và phát huy những điều tốt, khắc phục những điểm bất cập còn tồn tại.

Nơi đây còn tạo mọi điều kiện đáp ứng cho việc tự học, nghiên cứu, quán triệt tác phong khảo sát thực chứng, khiêm tốn nhún nhường, chịu khó tích lũy kiến thức cho mọi thành viên trong gia đình, không phân biệt các thế hệ già, trẻ. Tất cả sách, báo, tạp chí, tài liệu… được bài trí chật kín cả hai phòng của tầng 4, thậm chí cả tại nơi nghỉ, làm việc.

Nhìn ngoài có vẻ bề bộn nhưng thực ra đã được sắp xếp một cách ngăn nắp, hợp lý và hết sức khoa học, hài hòa. Có thể nói những nguồn sách báo, tư liệu và kỷ vật đó thật là vô giá thuộc văn hóa đọc, ít người có được.

Cho đến tận bây giờ, khi nhắc về ông, người ta đều nhớ đến các tên gọi như: “Người thầy có tâm, có tầm, có đức”, “Người tiếp lửa cho nghề viết”, “Con số 7 may mắn”...

Ông xứng đáng là biểu tượng sinh động về tấm gương, phẩm chất căn cốt của người nghiên cứu. Đó là tạo lập được một tư duy khách quan, thực chứng “nói có sách, mách có chứng”, một bậc “hiền giả” của làng văn nghiên cứu.

Thiết nghĩ, bằng tình yêu cháy bỏng với khoa học, PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện đã dành trọn thời gian quý báu cho khoa học trong quỹ thời gian trải 7 thập kỷ tuổi đời. Tình yêu ấy như phấn thông vàng lặng lẽ, lan tỏa đến muôn nơi, truyền tình yêu đến bao thế hệ nghiên cứu khoa học kế cận.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.