PGS.TS Văn Giá: “Mỗi bài phê bình văn học phải trở thành một áng văn”

GD&TĐ - "Từ cái cốt, cái nền là tác phẩm văn học có giá trị, người viết phê bình hình thành cho mình cái tứ, tiếp đó là hệ thống ý, rồi đến sự thăng hoa của câu chữ; tất nhiên sự thăng hoa chỉ có được khi người viết phê bình có cảm xúc sâu sắc với tác phẩm mình lựa chọn", PGS.TS Văn Giá nhận định. 

Đại biểu và khách mời tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức lý luận phê bình văn học, nghệ thuật
Đại biểu và khách mời tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức lý luận phê bình văn học, nghệ thuật

PGS.TS Văn Giá đến với Hội Liên hiệp VHNT tỉnh và Chi hội Nghiên cứu, phê bình và văn nghệ dân gian (NCPB&VNDG) tỉnh Phú Thọ vào một sáng mùa đông. Cái giá lạnh đầu mùa của vùng trung du Bắc Bộ nhanh chóng được xua tan khi giọng nói ấm áp, truyền cảm của anh vang lên tại Hội trường Hội Liên hiệp VHNT tỉnh.

Anh nói về các dạng phê bình đang thịnh hành, nói lý luận mà như trò chuyện, chân tình, gần gũi. Trước hết, anh nói về việc đáng buồn khi diễn đàn xuất hiện một số bài phê bình để hạ bệ người khác, mang màu sắc ác cảm cá nhân đối với tác giả để chê bai tác phẩm.

Tiếp đó là lối phê bình nhạt nhẽo, viết nhanh, cứ thấy có tác phẩm mới là viết ngay và luôn, nhưng viết nhạt, không có giá trị học thuật. 

Theo PGS.TS, đáng trân trọng là lối viết có chất học thuật, lối viết này khó và kén độc giả vì khi viết, họ dựa hẳn vào một trường phái, một lý thuyết cụ thể nào đó, phê bình như một thử thách, như một sự vẫy gọi, mong cầu một nền phê bình có chất lượng.

Hiện nay, theo PGS. TS Văn Giá, có 3 dạng phê bình thịnh hành. Thứ nhất, Phê bình thông tấn (còn gọi là PB báo chí): Điểm sách, đọc sách, bài viết thường có dung lượng dưới 1000 chữ, giới thiệu sách, có nhận định ngắn, nhận định bước đầu, tổng quát. Các bài viết này để đăng báo là chủ yếu, nhất là báo ngày/tuần. Văn nghệ rất cần loại phê bình này. Nó giúp cho người đọc hình dung được hơi thở sống động và đa dạng của đới sống văn học.

PGS.TS Văn Giá.
 PGS.TS Văn Giá.

Thứ hai, Phê bình nghệ sỹ: Người sáng tác làm phê bình là sự tự ý thức về nghề, giúp cho khả năng nhìn tác phẩm của mình như nhìn tác phẩm của người khác. Đến lượt viết phê bình về tác phẩm của người khác cũng rất thuận lợi. Sản phẩm của kiểu phê bình này có sức hấp dẫn đối với người đọc vì sự tinh tế trong lối viết, lối cảm nhận và đánh giá, rất có cá tính (tiêu biểu là Xuân Diệu).

Thứ ba, Phê bình học thuật: Phê bình của những người nghiên cứu, được đào tạo và thủy chung với nghề, nói như cố GS. Nguyễn Đăng Mạnh, “Phê bình đi ra từ nền đại học”. Tiêu biểu cho lối phê bình này là hàng loạt các giáo sư, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp như Hoàng Ngọc Hiến, Hà Minh Đức, Nguyễn Đăng Mạnh, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn, Đỗ Lai Thúy, Trần Đình Sử, Lã Nguyên…

Phê bình học thuật thực ra cũng cần tích hợp nhiều khuynh hướng phê bình để làm nên giá trị cho mỗi áng văn phê bình.Và, đã làm phê bình, đọc phê bình, cũng cần biết các dạng phê bình khác nữa:

Phê bình tiểu sử: Dựa vào tiểu sử của nhà văn để khám phá tác phẩm (còn gọi là phê bình  tri âm), người phê bình dựa vào các chi tiết tiểu sử trong cuộc đời của nhà văn để cố gắng hiểu cho hết, cho sâu tư tưởng mà nhà văn đặt vào tác phẩm. Trước 1945, tiêu biểu cho lối phê bình này là những tác giả Trần Thanh Mại, Lê Thanh. Sau này, trong nền văn học cách mạng, một số cây bút phê bình cũng coi trọng dạng phê bình này. 

Phê bình ấn tượng: Tiểu biểu cho lối viết này là Hoài Thanh với nguyên tắc: “Lấy hồn tôi để hiểu hồn người”. Hoài Thanh đạt đến độ điêu luyện về ngôn từ, đẩy bài phê bình thành một áng văn khi viết “Thi nhân Việt Nam”, khiến người đọc khi đọc bài phê bình còn được thưởng thức chiều sâu và sự tinh tế của tiếng Việt. Bên cạnh đó là Thiếu Sơn với “Phê bình và cảo luận”, Trương Chính “Dưới mắt tôi”.v.v…

Phê bình dưới góc nhìn văn hóa: Bất cứ nhà văn nào cũng thuộc về một nền văn hóa nào đó, ví dụ truyện ngắn Nguyễn Hữu Nhàn biểu đạt rất nhiều hàm lượng văn hóa. Và tâm đắc với truyện ngắn Nguyễn Hữa Nhàn, PGS TS. Văn Giá có bài viết “Truyện ngắn Nguyễn Hữu Nhàn dưới góc nhìn văn hóa”, Nguyễn Xuân Khánh có “Mẫu thượng ngàn”, “Hồ Quý Ly”,  “Đội gạo lên chùa”… Nguyễn Hữu Nhàn đặt ra vấn đề: Con người trở  nên có phẩm giá người, con người đầy đặn các giá trị hơn lên khi có văn hóa; và dân tộc muốn phát triển thì cần phải bắt đầu từ/bằng văn hóa. 

Bất cứ phương pháp phê bình nào cũng có sở trường, sở đoản riêng. Ví dụ, dòng họ và phong tục là của truyện “Mảnh đất lắm người, nhiều ma”; văn hóa nông thôn, văn hóa dân tộc thiểu số, nhất là của người Dao đỏ làm nên truyện ngắn Nguyễn Hữu Nhàn…

Người viết phê bình phải tìm ra được phương pháp tương thích cho đối tượng thích hợp bởi thực tế, không có phương pháp nào vạn năng. Đỗ Lai Thúy thành công nhất là phê bình phân tâm học, nhưng anh cũng dùng nhiều đến lối tiếp cận của phê bình tiểu sử, phê bình văn hóa…

Sự sáng tạo trong nghệ thuật không chỉ bằng năng lực ý thức, mà có một yếu tố chi phối rất mạnh nữa, đó chính là tiềm thức. Người phê bình giỏi là người phát hiện ra khả năng nghĩa của ngôn từ trong tác phẩm văn, thơ.

Bởi vì khi sáng tác văn, thơ, người sáng tác đã viết từ tri thức, từ ý thức mạch lạc, sáng sủa; đồng thời còn sáng tác bằng phần vô thức, tiềm thức, mơ hồ, thầm kín và không kiểm soát được.

Trong thơ, đó là thi sỹ Hoàng Cầm khi viết Lá diêu bông, Cây tam cúc…; trong văn xuôi đó là Thạch Lam, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…Vì vậy, phê bình cần phải khám phá cái phần tiềm thức, vô thức trong các tác phẩm văn học để thấy chiều sâu và vẻ đẹp bí ẩn của nghệ thuật. 

Để nâng tầm viết phê bình, nhất định phải lựa chọn được tác phẩm độc đáo, từ nội dung tư tưởng đến nghệ thuật của tác phẩm có giá trị thì mới tạo được niềm yêu thích, mê say cho người viết phê bình.

Từ cái cốt, cái nền là tác phẩm văn học có giá trị, người viết phê bình hình thành cho mình cái tứ, tiếp đó là hệ thống ý, rồi đến sự thăng hoa của câu chữ; tất nhiên sự thăng hoa chỉ có được khi người viết phê bình có cảm xúc sâu sắc với tác phẩm mình lựa chọn. 

Phê bình rất cần sự sáng tạo, cần sự trau chuốt ngôn từ để bài viết thực sự là một áng văn, có sức hấp dẫn đối với độc giả.
Hy vọng là tiền đề của thành công.

Hy vọng, sau buổi tập huấn của PGS.TS Văn Giá, công việc viết phê bình của Phú Thọ sẽ ít nhiều khởi sắc. PGS.TS Văn Giá đã thành công với nghề, hy vọng anh sẽ lan tỏa sự thành công trên quê hương Đất Tổ Vua Hùng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ