“Em thích đến trường vì em thích học, và thầy cô rất thương em”. Tùng mạnh dạn đứng lên phát biểu khi được thầy Đạo, chủ nhiệm của lớp 9A, hỏi cả lớp trong giờ sinh hoạt: “Các em, mỗi người hãy nói cho thầy biết, vì sao các em cần phải đến trường?”.
Hiệu trưởng Quân đứng nơi hành lang lớp học, không khỏi xúc động, thấy khóe mắt cay cay khi nghe đứa con của mình trả lời dõng dạc như vậy. Anh không dám nghĩ có một ngày đứa con không may bị bệnh Down của mình lại có thể chân thành phát biểu như một học sinh bình thường. Cả lớp 9A xúc động, thầy Đạo cũng nghẹn lời. Thầy thấy một tình mến thương bao la của các bạn học sinh trong lớp với người bạn học đặc biệt. Đây là lứa học sinh cuối cùng mà thầy đứng lớp trước khi về nghỉ hưu theo chế độ.
Thầy Đạo đã có hơn 30 năm gắn bó với ngôi trường cấp hai Trúc Lâm này. Năm 1987, thầy chuyển công tác từ Trường Cấp 3 Như Xuân trên huyện miền núi cùng tên về dạy dưới xuôi. Trường cách nhà chừng hơn 10 cây số, ngày nắng ngày mưa thầy đều đặn ngày hai buổi tới trường trên chiếc xe đạp mifa cũ. Trúc Lâm là một trong những xã nghèo nhất của huyện, tỷ lệ học sinh tới trường cũng là thấp nhất.
Hồi mới về trường, thầy Đạo cùng với một số ít các giáo viên phải tới tận từng nhà trong xã để làm phổ cập giáo dục và động viên gia đình cho con em tới trường. Trong xã, không ai là không biết thầy Đạo. Có những gia đình, cả bố, cả mẹ và các con đều là học trò của thầy. Biết bao thế hệ học trò đã được thầy dạy dỗ nên người và sau đó trở về quê hương góp phần xây dựng xã nghèo.
Hiệu trưởng Quân cũng là một người như vậy. Cách đây bốn năm, anh trở về xã nhà nhận nhiệm vụ là hiệu trưởng của ngôi trường cấp hai. Anh không khỏi xúc động khi gặp lại các thầy cô giáo cũ. Thầy cô cũng xúc động khi người học trò nghèo học giỏi năm xưa, nay lại trở thành đồng nghiệp của mình, không những vậy còn là người đứng đầu của nhà trường.
Dù là hiệu trưởng, nhưng thầy Quân vẫn một hai lễ phép với thầy cô cũ. Trước các thầy cô, thầy Quân vẫn coi mình là một học trò như xưa. Giữa thầy Quân và thầy Đạo ngoài tình thầy trò còn là tình đồng nghiệp.
Thầy Đạo là giáo viên thể dục kiêm Tổng phụ trách của trường. Ngày thầy Quân về trường, với quyết tâm xây dựng trường cấp hai của xã thành một trường chuẩn, công việc còn nhiều bề bộn, không ai khác, người đồng nghiệp thân thiết nhất trong Ban giám hiệu của nhà trường, cùng thầy Quân chia sẻ các mối lo và bàn bạc công việc là thầy Đạo.
Là một trong những giáo viên đầu tiên của trường, nên thầy Đạo, cũng như bao thầy cô giáo khác, mong mỏi hơn ai hết ngôi trường mà mình gắn bó, được đầu tư phòng học, sân chơi và các trang thiết bị dạy học hiện đại, để trường đạt chuẩn. Có như vậy thì học sinh của xã, dù còn nghèo, nhưng sẽ có ngôi trường mơ ước và điều kiện học hành tốt hơn.

Tuy vậy, có một điều Hiệu trưởng Quân trăn trở không thôi, không phải chuyện trường lớp mà là chuyện nhà. Thầy Quân có hai đứa con thì chẳng may đứa đầu, là Tùng, bị bệnh Down. Hai vợ chồng cố gắng cho Tùng tới trường để hòa nhập cùng bạn bè.
Tuy nhiên, càng lên lớp lớn, hố sâu ngăn cách giữa Tùng với bạn đồng trang lứa ngày càng rộng ra. Tùng sợ sệt và không còn muốn tới lớp. Thương con, thế nên việc có cho con tiếp tục tới lớp hay không là điều vợ chồng thầy Quân còn đắn đo.
Thầy Đạo khi biết chuyện đã tới tận nhà thăm nhà thầy Quân. Với kinh nghiệm của một nhà giáo lâu năm, thầy nói với thầy Quân: “Em hãy thương thằng bé thật nhiều. Khi được đối xử tốt, được yêu thương, thằng bé sẽ đáp lại một cách rộng rãi. Em nên cho cháu đi học, cháu được hòa nhập với bạn bè. Cháu có thể chơi với các bạn và các bạn cũng tập đối xử bình thường với cháu, đồng thời cho cháu cùng tham gia các hoạt động”. Thầy Đạo động viên thầy Quân yên tâm gửi Tùng vào lớp học 6A mà thầy làm chủ nhiệm.
Từ ngày Tùng vào lớp, thầy Đạo luôn dành cho người học trò đặc biệt một sự quan tâm đặc biệt hơn các học trò khác. Trong các giờ sinh hoạt, thầy kể những câu chuyện khơi dậy tình yêu thương bạn bè của các bạn trong lớp 6A. Rằng với những người bạn gặp hoàn cảnh khó khăn, thì các em cần quan tâm chăm sóc và đối xử tốt với bạn.
Tập thể lớp 6A cùng những lời dạy bảo của thầy Đạo đã đối xử với Tùng như một bạn học bình thường của lớp. Đồng thời các bạn cũng ghi nhớ là Tùng bị hạn chế nên cần kiên nhẫn và cởi mở hơn với bạn. Các thầy cô quan tâm, kiên nhẫn uốn nắn Tùng, nhưng không đặt nặng vấn đề học hành. Với Tùng, niềm vui đến lớp và được vui chơi cùng bạn bè mới thật sự cần thiết.
Ngoài giờ lên lớp, các buổi lao động trên trường như nhổ cỏ, trồng cây, dọn dẹp vệ sinh sân trường, lớp học, Tùng đều hăng hái tham gia cùng các bạn. Tới phiên trực nhật, các bạn phải giặt giẻ lau bảng, quét lớp, chuẩn bị chậu nước, khăn bàn và lọ hoa trên bàn giáo viên. Được thầy cô giao cho việc gì là ai cũng vui lắm, hãnh diện lắm, bởi đó chính là dịp được “làm nhiệm vụ” và cảm thấy tự hào. Tùng đặc biệt ưa thích lao động, việc lau xóa bảng mỗi tiết học đều muốn được làm. Và các bạn vui vẻ dành riêng phần việc này cho Tùng.
Lớp học có một chiếc bảng đen lớn, góc trên ghi sĩ số và số bạn vắng mỗi buổi học. Bảng viết phấn nên thường xuyên phải “sạc pin”, có nghĩa là làm cho bảng bạc màu trở lại đen bóng sau một vài tuần. Những buổi cuối tuần được làm việc đó là những buổi rất vui với Tùng và nhóm bạn được phân công làm nhiệm vụ này. Nguyên vật liệu là những cục pin hỏng, lá khoai lang và cọng chuối. Bảng được lau sạch sẽ rồi sau đó chà xát bằng lá khoai. Tiếp đó pin được đập ra, lấy phần than đen hòa với nước, rồi dùng chổi làm từ thân tàu chuối đập nát bôi thật kĩ lên bảng, và phải bôi hai lượt. Để khô lại là có bảng đen nhánh như mới. Dù sau mỗi buổi lao động, tay chân rồi mặt mũi đen nhẻm, lấm lem vệt pin đen, nhưng Tùng rất vui và cười tươi hớn hở. Giờ đây, mỗi ngày đi học là một ngày vui với Tùng. Cứ vậy Tùng và các bạn lên lớp 7A, rồi 8A và chẳng mấy chốc đã là học sinh lớn nhất của cả trường, lớp 9A.
Ngày nhà giáo, có lẽ là ngày vui nhất với Tùng và có lẽ là cả lớp 9A. Sau buổi sinh hoạt lớp trên trường, buổi chiều lớp được nghỉ học. Cả lớp rủ nhau tới nhà thầy Đạo chơi. Tùng đã dự tính từ trước đó rồi, Tùng về qua nhà cắt mấy cành hoa hồng, hoa thược dược đẹp nhất trong vườn gói vào một tờ giấy báo mang lên trường, đi cùng các bạn tới nhà thầy Đạo. Tùng muốn dành những bông hoa đẹp nhất cho người thầy giáo kính yêu của mình.

Rồi kỳ tổng kết năm học cuối cùng cũng tới, cả lớp bồi hồi xúc động ngày chia tay. Cả lớp đang náo động ồn ã là vậy, nhưng tất cả đều im phăng phắc khi nghe thầy Đạo nói chuyện: “Hôm nay là buổi học cuối cùng của lớp ta. Hôm nay cũng là buổi dạy cuối cùng thầy đứng trước lớp. Thầy sẽ nghỉ hưu vào tháng 6 này. Thầy đã dạy ở ngôi trường của chúng ta hơn 30 năm. Có rất nhiều các anh chị lớn hơn đã học với thầy. Nhưng lớp chúng ta là một lớp học đặc biệt, thầy sẽ luôn ghi nhớ trong lòng.
Lớp chúng ta làm thầy tự hào, không chỉ vì lớp chúng ta học rất giỏi, mà còn biết yêu thương bạn bè, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Thầy tuyên dương lớp trưởng, lớp phó học tập và tất cả các bạn. Thầy đặc biệt tuyên dương bạn Tùng, một thành viên chăm chỉ lao động nhất của lớp.
Lớp chúng ta được sạch sẽ, bảng viết được chùi đen bóng sau mỗi tiết học, là nhờ có bạn Tùng năng nổ nhiệt tình. Nào cả lớp, hãy dành một tràng pháo tay cho Tùng nhé”. Thầy còn nói nhiều, nói nhiều nữa, nhưng Tùng chỉ nhớ lúc đó mình rơm rớm nước mắt như chực bật khóc, xúc động với lời khen ngợi trước lớp mà thầy dành riêng cho mình.
Thầy Đạo nghỉ hưu, Tùng đã vào học cấp ba. Nhưng không có năm nào Tùng không dành những bông hoa đẹp nhất trong vườn nhà cùng với bố Quân đem tặng thầy Đạo vào ngày lễ của thầy cô và tới thăm thầy vào dịp Tết.
Trường Cấp hai Trúc Lâm đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Trong buổi lễ công nhận, Hiệu trưởng Quân mời thầy Đạo, cùng các thầy cô giáo đã nghỉ hưu về dự lễ. Thầy Quân dành lời tri ân chân thành cho các giáo viên và một lời cảm ơn tới thầy Đạo, người đã góp công lao và sức lực để ngôi trường được khang trang và đẹp đẽ như hôm nay.
Về hưu được ba năm thì thầy Đạo ốm nặng. Biết tin, các thầy cô và học trò tới thăm đông lắm. Người lớn tuổi nhất thì như lớp học trò là thầy Quân, còn bé nhất thì là lớp cuối cùng của Tùng và sau đấy bốn khóa.
Mấy tháng sau, thầy Đạo mất. Từng hàng dài học trò tới viếng, ai cũng bùi ngùi xót xa, tiếc thương người thầy đáng kính nhưng lại ra đi sớm quá. Tùng cùng bố thắp nén hương cho anh linh người thầy quá cố. Trước di ảnh của thầy, không kìm được nước mắt, Tùng khóc to, làm Hiệu trưởng Quân bên cạnh cũng nghẹn ngào.
Một người học trò đặc biệt của một người thầy đặc biệt.