Duyên nợ giữa trời văn
Sinh ra và lớn lên ở miền “đất võ trời văn” huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định trong thời buổi chiến tranh loạn lạc, Hồ Thế Hà trải qua những tháng năm tuổi thơ cơ cực. Nhưng cũng chính trong nỗi gian truân chinh chiến phân ly của những thành viên trong gia đình đã thấm rát để ông thấu hiểu thêm kiếp nhân sinh, nhân thế.
Xuất thân trong một gia đình nhà Nho với truyền thống hiếu học cộng với tình thương, tấm lòng nhân hậu của người mẹ “thuộc nhiều dân ca, đã hát và ru suốt những tháng năm dài” đã nuôi dưỡng, sớm hun đúc nên một tâm hồn nhạy cảm mà cũng vô cùng mô phạm để sau này giúp ông trở thành một nhà thơ, dạt dào xúc cảm, nhà phê bình văn học sâu sắc và một nhà giáo tâm huyết với nghề…
Học lớp chuyên Toán ở Trường PTTH Phù Cát (Bình Định) nhưng ông lại yêu vô cùng trang thơ, trang văn thấm đẫm vị mặn cuộc đời. Vì thế, năm 1977, Hồ Thế Hà quyết định thi vào Khoa Văn Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Trường Đại học Khoa học Huế), rồi cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam diễn ra, học hết năm thứ nhất, chàng sinh viên ấy lên đường nhập ngũ và trở thành người lính của đoàn quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Chiến tranh kết thúc, Hồ Thế Hà trở về mái trường đại học để tiếp tục miệt mài bên trang sách cho thỏa niềm đam mê theo nghiệp văn chương giữa vùng đất văn hóa núi Ngự sông Hương. Năm 1985, ông tốt nghiệp đại học khi tuổi đời đã tròn 30.
Được giữ lại làm giảng viên, Hồ Thế Hà cùng đồng nghiệp không ngừng dấn thân, trải nghiệm và tâm huyết với giảng đường, với công việc viết sách, nghiên cứu...
Năm 2000, ông trở thành Tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam tại Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội), rồi được phong hàm Phó Giáo sư Văn học năm 2005 và được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010.
Hồ Thế Hà (trái) có mặt đều đặn các hội đồng bảo vệ. |
“Vai” nào cũng cháy hết mình
Tôi thật sự khâm phục và ngưỡng mộ năng lượng làm việc và sức sáng tạo dồi dào của Hồ Thế Hà. Ông vừa dạy cho sinh viên đại học, vừa dạy cho thạc sĩ và nghiên cứu sinh; vừa hướng dẫn các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ...
Vừa gặp ông say sưa trên bục giảng, lại thấy ông ngồi vào hội đồng bảo vệ luận văn, luận án hay hội đồng nghiệm thu và xét đề tài khoa học các cấp…; đêm về thì làm thơ, nghiên cứu văn học và dịch thuật…
Trong vai nào - nhà giáo, nhà thơ, nhà khoa học… Hồ Thế Hà cũng “cháy” hết mình với thái độ và tâm thế của một người làm chủ và đầy đam mê. Ông tâm sự:
“Tôi không chấp nhận lối làm việc nửa vời. Phải tận tâm, tận lực khi đã lựa chọn và dấn thân”. Có lẽ, với tâm niệm đó nên người tri thức có vốn văn hóa uyên bác Đông – Tây đã lao động sáng tạo không ngừng nghỉ để liên tiếp cho ra đời những “công trình” có giá trị.
Sáu tập thơ đa dạng phong cách nhưng luôn khắc khoải, đau đáu kiếp nhân sinh, thi nhân Hồ Thế Hà đã thật sự gửi đến người, gửi đến đời bao khát vọng… Đi về trong thế giới thi ca là những vần thơ của một tâm hồn đa cảm. Khoảnh khắc; Nghìn trùng; Xác thu; Thuyền trăng; Tơ sương và Xem mơ đã làm nên một gương mặt thơ nồng say và cháy bỏng với tình yêu và với cuộc đời. “Mở lòng ra với cỏ cây/ tôi như lạc giữa vơi đầy thiên nhiên/ và chiều đã khép bình yên/ Luyến lưu tôi trở lại miền trần gian”.
Thơ - cuộc lãng du giữa đời thực
Tâm hồn nhạy cảm, mở lòng ra ngân rung tình yêu với cuộc đời, trân trọng từng khoảnh khắc trôi qua, Hồ Thế Hà sáng tạo nên những câu chữ đẹp lung linh giữa “núi thơ” của biết bao thi nhân.
Với Hồ Thế Hà, làm thơ như một cuộc lãng du giữa cõi mơ và thực. Đọc thơ ông, tác giả Yến Thanh nhận xét: “Hồ Thế Hà sống trong thơ, viết thơ, tư duy hành xử theo lối thơ.
Thơ chính là vũ trụ tinh thần của ông, hơn là một nghề nghiệp hay đam mê thuần túy. Tôi thường xem ông là người có tam vị nhất thể thơ: Vừa là người sáng tác thơ, vừa là người nghiên cứu thơ, lại vừa là người đọc/thuộc thơ đáng nể. Cái tam vị nhất thể thiên – địa – nhân này thống nhất, đổ bóng và tương hỗ trong tư duy Hồ Thế Hà, giúp ông thành công trên nhiều lĩnh vực của thi giới”.
Từ trải nghiệm trên bục giảng với chuyên ngành Lý luận văn học và Văn học Việt Nam, Hồ Thế Hà không ngừng nghiền ngẫm trăn trở để rồi “phu chữ” ấy liên tiếp gởi đến bạn đọc những tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học. 8 tập chuyên luận Phê bình văn học in riêng, 20 tập in chung và chủ biên… quá đủ để làm nên một cây bút phê bình văn học Hồ Thế Hà giữa trời văn chương thời hậu hiện đại.
Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên; Thơ Việt Nam hiện đại – Thi luận và chân dung; Những khoảnh khắc đồng hiện; Khoảng lặng thơ… là những công trình nghiên cứu của anh để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc.
Biết bao tháng năm đứng trên bục giảng, dạy và hướng dẫn đề tài cho biết bao đối tượng khác nhau, vì thế Hồ Thế Hà luôn nhận ra mình sẽ viết gì, viết như thế nào cho phù hợp trong những bài nghiên cứu, phê bình. Sinh viên, giáo viên, nghiên cứu sinh đều cần những trang viết của ông – những trang viết có lửa, lửa của đam mê và trách nhiệm.
Viết và viết, Hồ Thế Hà miệt mài cày xới giữa cánh đồng văn chương bằng duyên nợ, bằng khát vọng như chính nỗi niềm của ông về công việc này: “Nghề văn là nghề cao quý, nhưng lắm gian nan và hệ lụy. Có được tác phẩm hay phải lao động nghệ thuật say mê và phải huy động nhiều năng lực tư duy khác nhau trên chất liệu ngôn ngữ mà mình lựa chọn.
Nhưng ngôn ngữ nhiều khi cũng trở nên bất lực trước sự đỏng đảnh của cảm xúc và suy tưởng mà trong những khoảnh khắc vô thức, chủ thể sáng tạo không thể làm chủ được chúng hoặc ảo tưởng về chúng. Vì vậy cứu cánh mà người nghệ sĩ dựa vào vẫn lại là ngôn ngữ - ngôn ngữ trong ngôi nhà hữu thức bừng sáng trí tuệ và lấp lánh lời giải đáp của mình về những điều hằng cửu tốt đẹp của cuộc sống và con người”.
Tôi biết, với Hồ Thế Hà, dạy học, làm thơ hay viết nghiên cứu, phê bình văn học đều xuất phát từ cảm xúc thật sự, vì những giá trị cốt yếu và nhân văn của con người. Hồ Thế Hà vẫn cứ đam mê, vẫn cứ trăn trở, ôm ấp bao hoài bão, dự định.
Hè năm 2018, ông bị tai biến nhẹ, phải nằm điệu một thời gian tại Bệnh viện Trung ương Huế. Vậy mà sức khỏe vừa hồi phục, Hồ Thế Hà lại bắt tay ngay vào công việc. Ông sợ sự chảy trôi của thời gian, của những dự định ấp ủ mà không thực hiện kịp.
Nghĩa là với ông, dạy học, nghiên cứu sáng tạo nghệ thuật mãi là miền đất hứa, vẫy gọi sự dấn thân. Hồ Thế Hà tiếp tục viết, viết về những gì thuộc về nhân cách con người. Ông “khoe” với tôi sẽ xuất bản tập trường ca về người lính khoảng 2000 câu trong năm 1019.
NGƯT. PGS.TS Hồ Thế Hà. |
Giản dị giữa đời thường
Cả một núi công việc từng ngày, từng tuần... ấy vậy mà chưa bao giờ Hồ Thế Hà “chậm trễ”, ông làm đến nơi đến chốn. Tận tâm cho từng tiết giảng, nghiêm túc cho mỗi trang phê bình... vậy mà giữa cuộc đời thường, Hồ Thế Hà luôn giữ cho mình một lối sống giản dị và lãng tử, phong lưu.
Với sinh viên, ông là người thầy gần gũi, dễ mến, hòa đồng. Những nghiên cứu sinh luôn cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với ông. Hồ Thề Hà trở thành người tiếp lửa đam mê cho những ai muốn theo nghiệp nghiên cứu và bén duyên với văn chương, nghệ thuật.
Chạy đua với thời gian nhưng vẫn cứ an nhiên với cuộc đời. Tôi thật sự nể phục cái sự “nhớ dai” của ông: Thuộc làu làu muôn vàn câu thơ của mình, của người; thuộc và nhớ tên, từng khuôn mặt của sinh viên, nghiên cứu sinh từng theo học, thuộc tên bạn bè, anh em dù mới gặp một, hai lần…
Ông luôn nhiệt tình và trải lòng ra với mọi nguời. Tôi thích sự dấn thân, biết chấp nhận một cuộc lữ hành truân chuyên giữa phiên chợ văn chương vốn không dễ nhưng lại quá thiết tha tình người với một trái tim dễ yêu thương, dung hòa của anh.
Với tôi, với những ai biết và yêu mến Hồ Thế Hà, ông xứng đáng là một chân dung đẹp, một tấm gương lao động hết mình. Tình yêu, niềm say mê làm việc với khối lượng tác phẩm, công trình đều đặn ra đời của ông là dẫn chứng thuyết phục nhất để thắp lên ngọn lửa sống hết mình cho những bạn trẻ không biết quý trọng thời gian và tuổi xuân, sống trong “ao đời bằng phẳng”.
Từ ông, tôi nhận ra ý nghĩa của câu châm ngôn Sống là không chờ đợi để thỏa sức đam mê, để cống hiến, để tìm thấy ý nghĩa giá trị cuộc sống và của cuộc đời.
63 tuổi, Nhà giáo Ưu tú sinh ra ở miền “đất võ trời văn” sống giữa lòng Cố đô Huế vẫn đều đặn lên lớp, làm thơ viết phê bình văn học… Bằng tâm thức của một trí thức, tôi biết, với Hồ Thế Hà sẽ không bao giờ là đủ. Ông sẽ tiếp tục dấn thân và ấp ủ những dự định để nối dài thêm, mở rộng ra chân trời văn chương không có giới hạn.