35 năm gắn bó với bục giảng
Không chỉ là một nghệ sĩ tài hoa, TS Chu Văn Sơn còn là một nhà giáo có ý thức trách nhiệm xã hội cao. Suốt cuộc đời thầy Sơn vừa lặng lẽ kiếm tìm cái đẹp để nuôi dưỡng tâm hồn con người, vừa không nguôi lo lắng cái đẹp bị thời gian và con người hủy hoại. Trái tim thầy luôn trĩu nặng âu lo trước những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa đang diễn ra hàng ngày có thể bào mòn và làm băng hoại đạo đức xã hội.
Dĩ nhiên, đóng góp quan trọng nhất của nhà giáo, TS Chu Văn Sơn là ở lĩnh vực dạy học. 35 năm đứng trên bục giảng, người thầy tâm huyết đã góp phần trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng cho đất nước một đội ngũ giáo viên dạy Văn ở phổ thông và đại học. Đặc biệt, hướng dẫn thành công trên 50 luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ và đã mang đến cho các thế hệ học trò một tình yêu chân chính đối với văn chương.
TS Chu Văn Sơn không chỉ dạy ở ĐH Sư phạm Hà Nội, mà còn ở nhiều trường đại học khác, tham gia luyện đội tuyển học sinh giỏi Văn quốc gia, học sinh chuyên Văn trường THPT. Ngoài ra, còn giảng văn trên truyền hình, tham gia luyện thi và ra đề thi THPT quốc gia, đại học và học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn.
Dù dạy cho đối tượng nào thì qua mỗi giờ giảng của người thầy nghệ sĩ ấy, học trò đều nhận được những kiến thức cốt lõi, hệ thống bằng một phương pháp truyền thụ tối ưu. Quan trọng hơn, thầy đã truyền cảm hứng, trao chìa khóa để các em mở cánh cửa trái tim đến với văn chương, rồi từ yêu thích đến say mê môn nghệ thuật ngôn từ.
Anh là người có biệt tài biến những cuộc giao lưu thành những giờ phê bình văn học đầy ngẫu hứng. Ở đó, người nghe không chỉ lĩnh hội được những kiến thức mới mẻ, bổ ích, được bồi đắp tình yêu văn chương, mà còn học được phương pháp tư duy, các kỹ năng nghề nghiệp.
Vốn là người duy mỹ, đam mê sự thanh cao, nên cả đời anh là những cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, cái tinh diệu, cái độc sáng trong cuộc sống. Với nhà nghệ sĩ họ Chu: “Đẹp như là một phẩm chất, một giá trị. Đẹp như một cách sống. Đẹp như một nghệ thuật. Đẹp như một lối viết” (Phạm Xuân Nguyên).
Cái đẹp luôn được anh truy đuổi đến tận cùng, nên chúng thường hiện lên trong bài giảng, trang viết của Sơn một cách: “Tinh tế và đủ đầy, diệu hoạt mà khúc chiết, bay bổng mà đằm thắm, nhu yên mà kiêu sa, tung tẩy nhưng đầy sắc sảo” (Nguyễn Thanh Tâm).
Anh quan niệm rằng, cái đẹp nằm trong cái độc đáo và bao giờ cũng là sự gặp gỡ giữa hai đối cực và giống như một sinh thể. Nó không ngừng vận động. Người nghệ sĩ phải có nhiệm vụ phát hiện, bất tử hóa cái đẹp, lan tỏa cái đẹp đến với cộng đồng. Những người yêu cái đẹp (mà tác giả là một minh chứng), luôn biết sống tốt, sống tử tế, lương thiện.
Lan tỏa sự nhạy cảm về mỹ học
Tư duy mỹ học đó đã hình thành ở Chu Văn Sơn (cả trong phê bình và sáng tác, cả văn nói và văn viết) một phong cách nghệ thuật riêng. Đó là lối văn tài hoa, thiên bẩm, chỉ có ở những người anh hoa phát tiết sớm. Nhờ linh giác của mình, anh có khả năng phát hiện những điều vi diệu, tìm thấy những cái đẹp mong manh chỉ xuất hiện trong độ nhòe mờ.
Ví như, cái hơi cháo hành bảng lảng trong truyện ngắn Chí Phèo chẳng hạn. Gắn nghiên cứu, phê bình, với nhà trường và đời sống văn học, những bài viết của nhà giáo Chu Văn Sơn bao giờ cũng có tính phát hiện, vừa hàn lâm vừa cập nhật, bay bổng mà vẫn chừng mực.
Theo anh, thực tế đang tồn tại 3 dạng phê bình: Trên giấy, trên bục giảng, trên mạng. Chúng được chia thành phê bình báo chí và phê bình hàn lâm. Trong ba loại phê bình trên thì phê bình ở nhà trường là có sự lan tỏa lớn nhất, có công lớn nhất trong định hướng thẩm mỹ. Nó khác hai loại phê bình trên ở số lượng người đọc, người học và cách đọc. Do đã bớt kinh viện, đã bám sát đời sống văn học và ứng dụng được những lý thuyết mới lại được quản lý một cách chặt chẽ, nên những công trình lý luận, phê bình ở nhà trường thường có hàm lượng khoa học cao.
Bằng cách phê bình trực giác, anh đã nhanh chóng nắm bắt được toàn bộ hồn vía của mỗi tác giả, tác phẩm. Cộng với trữ lượng văn hóa lớn và bài bản, Chu Văn Sơn đã có được những công trình chuyên sâu: Ba đỉnh cao thơ mới, Thơ Mới - điệu hồn và cấu trúc, Hàn Mặc Tử - một hành trình sáng tạo.
Nhiều khi, chỉ cần vài từ anh đã định danh chính xác thần thái của từng chân dung nghệ sĩ: Xuân Diệu tù nhân của chữ tình, Nguyễn Bính và Kiếp con chim lìa đàn, Hàn Mặc Tử - Chàng thi sĩ khao khát cái tột cùng, Xuân Quỳnh - Cánh chuồn trong giông bão, Vi Thùy Linh - Thi sĩ ái quyền…
Sự nhạy cảm, chiều sâu văn hóa đã mang đến cho anh những tùy bút trứ danh, những tuyệt bút về cái kỳ vỹ, cái độc nhất vô nhị trên đời như: “Angkor - Những đối cực của cái đẹp”, “Sơn Đoòng”, “Kiếp tượng nhà mồ”.
Điều thú vị là, dù viết về những vẻ đẹp dung dị, bé nhỏ thì dường như mỗi trang văn của anh đều đánh thức được những trầm tích văn hóa, đều có những phát hiện mới lạ, khiến ta không ít lần phải ồ lên kinh ngạc.
Càng thú vị hơn khi cái đẹp, cái kỳ của tạo hóa lại được người văn thể hiện bằng thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp. Đó là sự gặp gỡ giữa ngôn ngữ thi ca, nhạc - họa, điện ảnh, vừa ngồn ngộn hơi thở đời sống, vừa hàm ngậm những tư tưởng triết – mỹ sâu sắc”, làm nên “những cơn mưa hoa chữ... Những bản hòa ca của Cái đẹp song trùng: Cái đẹp thực tại và Cái đẹp ngôn từ” (Văn Giá).
Sự ra đi của nhà giáo Chu Văn Sơn, một tài năng đang độ chín đã để lại một khoảng trống khó lấp đầy trên văn đàn và trên bục giảng. TS Chu Văn Sơn dời cõi tạm ở tuổi 58, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho người thân, học trò, đồng nghiệp và những người mộ đạo văn chương. Đặc biệt, ở lĩnh vực sáng tác văn học, sự ra đi của con người tài hoa “3 trong một” ấy đã để lại một khoảng trống thật khó lấp đầy.