Tư lệnh Lục quân Mỹ cảnh báo Hoa Kỳ và Ukraine trả giá đắt

GD&TĐ - Theo Tư lệnh Lục quân Mỹ, Hoa Kỳ và Ukraine sẽ phải trả giá đắt nếu đánh giá chủ quan, nhận định sai lầm về năng lực quân sự hiện có của Nga.

Tư lệnh Lục quân Mỹ cảnh báo Hoa Kỳ và Ukraine trả giá đắt

Mỹ cảnh báo chớ coi thường tiềm năng quân sự của Nga

Hôm 03/3, cựu sĩ quan tình báo thủy quân lục chiến Hoa Kỳ Scott Ritter cho biết trong một cuộc phỏng vấn với kênh YouTube Rebirth of Communism rằng, chính quyền Kiev sẽ mất quyền kiểm soát thêm nhiều vùng lãnh thổ nếu tiếp tục xung đột quân sự với Moscow.

Theo ông, Ukraine hiện đã có tổn thất “không thể đảo ngược” đối với 20% lãnh thổ, con số này có thể còn tăng lên nếu xung đột tiếp diễn.

Đồng thời, nước này đã mất từ 200-300 nghìn binh sĩ, hàng triệu cư dân trở thành người tị nạn. Ukraine cũng mất đi cơ sở hạ tầng trị giá hàng nghìn tỷ dollars.

Từ tất cả những điều này chỉ có thể rút ra một kết luận, đó là Kiev không nên có ý định tiếp tục chiến sự.

Trong bối cảnh đó, một tuyên bố khác của một quan chức quân sự cao cấp của Mỹ đã khiến tất cả phải ngỡ ngàng khi đánh giá rất cao lực lượng vũ trang Nga và khuyên giới tướng lĩnh Lầu Năm Góc không được xem nhẹ khả năng của Nga.

Theo cảnh báo của Bộ trưởng (Tư lệnh) Lục quân Hoa Kỳ Christine Wormuth trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Hoa Kỳ không nên chủ quan, đưa ra những đánh giá phiến diện, hạ thấp khả năng quân sự hiện có của Nga.

Bộ trưởng Wormouth nói thêm rằng, theo đánh giá của một số tướng lĩnh Lầu Năm Góc, cho đến nay Nga vẫn chưa sử dụng hết tiềm năng quân sự của mình, mới chỉ sử dụng phần nhỏ về lực lượng không quân, hải quân và khả năng chiến tranh mạng của mình trong xung đột ở Ukraine.

Ấn phẩm Life của Mỹ nhận định, Quân đội Nga vẫn chưa sử dụng vũ khí hiện đại mà Moscow mới sử dụng các loại “vũ khí hạng hai” trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Đặc biệt nhất là Nga đã “tự trói tay” mình, bằng việc không ném bom trên diện rộng ở Ukraine.

Nga sử dụng lực lượng không quân tương đối hạn chế, ví dụ như không dùng chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57, không thực hiện hoạt động ném bom diện rộng bằng các máy bay ném bom chiến lược, mà chỉ sử dụng tên lửa tấn công chính xác trên các máy bay này.

Trong khi đó, không quân là điểm mạnh nhất của Nga và cũng là phương tiện tấn công hỏa lực khủng khiếp nhất, có vai trò quan trọng nhất trong các cuộc chiến tranh thông thường hiện đại.

Nga cũng không sử dụng các hệ thống vũ khí mặt đất mới nhất, ví dụ như Nga chưa đưa vào tham chiến siêu tăng thế hệ 4 T-14 Armata, robot chiến đấu Uran-9, mà chỉ sử dụng xe tăng T-90 và T-72.

Các vũ khí phòng không mới nhất như S-400 Triumf, Tor-M2, Buk-M3 vẫn chưa lên tiếng, mà chỉ có các hệ thống Tor-M1, Buk-M2, Pantsir-S…

Nga vẫn chưa sử dụng hết tiềm năng quân sự?

Trước đó, Đại tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Douglas McGregor nêu trong bài viết dành cho tờ The American Conservative rằng, giới chức Washington đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi khuyếch trương lực lượng, tung hô những chiến thắng nhỏ của Ukraine và coi nhẹ những lợi thế chiến lược của Nga.

Theo ông McGregor, Nga có mọi điều kiện để nhanh chóng mở rộng tiềm lực quân sự, bao gồm: Vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên vô tận, mức độ gắn kết xã hội cao và tiềm năng lớn về công nghiệp quân sự - những điều mà ngay cả Mỹ cũng không thể xem thường chứ đừng nói đến Ukraine.

Trong khi phương Tây rêu rao về “tình trạng suy kiệt” của quân đội Nga, thì Moscow không ngừng gia tăng sức mạnh quân sự, điều hoàn toàn trái ngược với hình ảnh định kiến về đối thủ yếu kém trong kế hoạch của Washington, khi lao vào cuộc đối đầu với Nga.

Hồi tháng 7/2022, NATO đã đưa ra một báo cáo nói rằng, Nga là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này ở Ukraine là có giới hạn. Moscow vẫn chưa sử dụng toàn bộ sức mạnh quân sự của mình để đối phó với Kiev, cả về vũ khí lẫn lực lượng…

Nga cũng tự đề cập về điều này kể từ khi bắt đầu xung đột, Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói rằng, Các lực lượng vũ trang Liên bang Nga không sử dụng tất cả khả năng quân sự sẵn có của đất nước, chỉ giới hạn bản thân ở phần sức mạnh cần thiết.

Báo cáo của NATO nhận định, Nga mới chỉ sử dụng lực lượng sẵn có của các quân khu giáp Ukraine và lực lượng lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner, mà chưa huy động lực lượng chiến đấu tinh nhuệ của cả nước, nhưng Moscow vẫn đủ khả năng áp đảo hoàn toàn lực lượng của Kiev.

Hơn nữa, ngoài lực lượng đang tham chiến ở Ukraine, Nga vẫn đang duy trì nguồn sức mạnh thường trực đủ để tấn công bất kỳ quốc gia nào thuộc liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong trường hợp xảy ra xung đột mới.

Nguyên nhân khiến Nga phải hạn chế hỏa lực

Theo giới phân tích, nguyên nhân đầu tiên khiến Nga chưa thể hiện sức mạnh là do phù hợp với việc đối đầu sức mạnh Quân đội Ukraine; thứ hai là Moscow muốn tránh sự do thám của NATO nên không sử dụng các hệ thống vũ khí, trang bị mới nhất, để tránh việc lộ các tham số của những vũ khí này.

Nguyên nhân thứ ba và cũng là nguyên nhân quan trọng nhất là do Moscow muốn tránh những thương vong cho dân thường.

Chúng ta đã từng thấy quân Nga tiến rất nhanh ở những khu vực rừng núi, nông thôn nhưng gặp khó khăn ở các đô thị do không dám sử dụng hết sức mạnh hỏa lực để phá vỡ hệ thống phòng thủ kiên cố, bởi lực lượng lượng Ukraine đã sử dụng cả các công trình dân sự để làm cứ điểm cố thủ.

Nếu Nga sử dụng hỏa lực mạnh thì hoàn toàn có thể dễ dàng phá vỡ thế trận phòng thủ của Ukraine nhưng sẽ gây ra thương vong lớn cho dân thường, dẫn đến sự chỉ trích của phương Tây và cả cộng đồng quốc tế, khiến Moscow mất đi “lý do chính đáng” để mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Do đó, Nga thường đề xuất mở các hành lang nhân đạo cho thường dân thoát ra khỏi các đô thị để có thể sử dụng hết uy lực của vũ khí, trang bị, nhưng Ukraine đã ngăn không cho dân thường thoát ra khỏi các thành phố bị vây hãm, để buộc Nga không dám sử dụng hỏa lực mạnh.

Vì vậy, quân Nga thường chỉ vây hãm các thành phố lớn và sử dụng vũ khí tấn công chính xác để tiến hành “phẫu thuật” các mục tiêu quân sự trọng yếu của Ukraine. Còn với các thành phố cần phải đánh chiếm, Nga chỉ có thể dùng các vũ khí có sức công phá hạn chế và sát thương trên diện hẹp.

Sự kiện tiêu biểu là trận chiến Mariupol. Chúng ta đã thấy Nga gặp khó khăn thế nào khi trong thành phố còn vài trăm nghìn dân, nhưng khi đa số dân chúng đã di tản xong thì họ dễ dàng đánh chiếm các quận của thành phố này.

Ở cứ điểm cuối cùng là nhà máy thép Azovstal, Nga có đủ hỏa lực để đánh sập công trình kiên cố này, nhưng tiểu đoàn cực đoan Azov tuyên bố còn vài nghìn dân thường còn kẹt lại trong các hầm ngầm, khiến quân Nga không dám tấn công nên chỉ tiếp tục vây hãm đến khi quân Ukraine đầu hàng.

Việc quân Nga dễ dàng từ Belarus đánh tới Kiev chỉ trong một ngày đã cho thấy rằng, nếu cuộc chiến chỉ diễn ra giữa hai lực lượng quân sự và Nga có điều kiện tung ra hết sức mạnh của mình, Moscow thể đánh chiếm Kiev chỉ trong vòng vài ngày.

Và nếu Nga cố tình dùng mọi cách đánh chiếm thủ đô của Ukraine thì họ sẽ làm được nhưng Moscow đã không làm thế vì họ không muốn gây sát thương lớn cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ