Bí ẩn đội 600 chiếc ‘tàu ma’ chở dầu cho Nga

GD&TĐ - Theo truyền thông phương Tây, hiện có một đội tàu dầu bí ẩn không mang quốc tịch Nga gồm 600 chiếc, đang giúp Moscow vận chuyển dầu khắp thế giới.

Bí ẩn đội 600 chiếc ‘tàu ma’ chở dầu cho Nga

Kênh truyền hình Mỹ CNN hôm 02/3 có bài viết cho biết, dầu của Nga tiếp tục có những khách hàng mua mới trên khắp thế giới, bất chấp lệnh trừng phạt của phương Tây và hiện Moscow đang bán dầu với sự trợ giúp của một “đội tàu ma” đông đảo lên tới 600 chiếc.

Theo CNN, mặc dù biết rõ Moscow đang bán dầu cho nhiều nước trên thế giới nhưng ngay cả những người cả ngày lẫn đêm chuyên theo dõi chuyển động của dòng vận chuyển dầu Nga cũng không thể xác định chính xác ai đang vận chuyển nguồn nguyên liệu thô cho Moscow.

Theo kênh này, khi phương Tây thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, một “đội tàu chở dầu bí ẩn” đã xuất hiện, ngày càng có nhiều tàu bắt đầu tham gia và sẵn sàng giúp vận chuyển dầu của Nga.

Các chuyên gia đã tính được khoảng 600 tàu như vậy, chiếm 10% tổng số tàu chở dầu lớn trên thế giới, nhưng hiện vẫn chưa rõ ai sở hữu và điều hành nhiều con tàu này.

Theo CNN dẫn nguồn tin riêng cho biết, những công ty vận chuyển mới ít ai biết đến đã xuất hiện. Vai trò của “đội tàu ma” đã tăng lên rất nhiều sau khi Nga chuyển hướng cung cấp số lượng dầu lớn hơn cho hai ông lớn châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ.

Trong một số trường hợp có sự tham gia của các công ty vỏ bọc ở Dubai (Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE) hoặc Hồng Kông (Trung Quốc). Một số tàu chở dầu đã được mua lại ở châu Âu, số còn lại là những tàu cũ lẽ ra đã bị đưa vào bãi rác nhưng đã được “mông má” lại.

Việc giao nguyên liệu thô đến các quốc gia xa hơn có liên quan đến sự phức tạp và rủi ro pháp lý bổ sung, đặc biệt là sau khi các nước G7 đặt giá trần cho xuất khẩu dầu của Moscow. Do đó, hầu như không có ai lần ra được gốc gác Nga của những con tàu này hoặc mối liên hệ giữa chuyến hàng với các công ty Nga.

Ông Richard Matthews, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của EA Gibson cho biết, có những đội tàu không có bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với Nga và cũng có đội hầu như chỉ kinh doanh trực tiếp với Nga, nhưng về mặt công khai, các tàu này không hề có bất cứ mối liên hệ nào với Moscow.

Một số đội tàu sẵn sàng nhận dầu từ các cảng của Nga và ra khơi với một lá cờ của nước khác, thì một số tàu chưa bao giờ cập các cảng của Nga nhưng luôn vận chuyển vàng đen của Nga, được xuất khẩu lòng vòng qua các nước trung gian không bị áp đặt lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo ông Sergei Kolobanov, Phó Giám đốc Trung tâm kinh tế các ngành nhiên liệu và năng lượng CSR cho biết, do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với các nước mua dầu Nga, một số quốc gia châu Á đã mua dầu của Nga rồi bán lại cho các nước khác, hoặc được Moscow “nhờ vả” để chuyển trung dầu cho các đồng minh.

Ngoài ra, một số nước châu Á đã thay thế các sản phẩm tinh chế của Nga trên thị trường châu Âu bằng các sản phẩm của họ, được chế biến từ dầu thô của Nga, ví dụ như Ấn Độ vào năm 2022. Về bản chất, họ bán dầu của chính mình nhưng thực ra là bán bán sản phẩm tinh chế từ dầu Nga để kiếm lợi.

Do đó, lệnh trừng phạt của phương Tây trên thực tế đã không chặt đứt được chuỗi cung cấp của Nga, đồng thời lại mang đến nguồn lợi không nhỏ cho các đồng minh của Moscow.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ