Các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động: Học thuật, tài chính, nhân sự để phục vụ cho chính sách phát triển của nhà trường, đủ sức cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế.
Nội lực thúc đẩy phát triển
Giáo dục đại học đang khẳng định sự phát triển mạnh mẽ, bắt nhịp với khu vực và thế giới. Quyền tự chủ cho các trường đại học đang được đề cao hơn bao giờ hết. Việc tự chủ sẽ giúp các trường đại học sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực của mình, thích ứng nhanh và kịp thời với những yêu cầu mới của xã hội, từ vấn đề xây dựng nội dung chương trình, trang thiết bị phục vụ đào tạo cho đến việc quy hoạch, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực và huy động chất xám sao cho hiệu quả.
Ngày 1/7, Luật GDĐH có hiệu lực pháp lý sẽ là bước ngoặt để các hoạt động học thuật, đào tạo, nghiên cứu khoa học hướng đến phát triển toàn diện và hiệu quả hơn. Đặc biệt trong đó, theo tinh thần Luật định thì tính ràng buộc giữa cơ quan chủ quản và các trường sẽ bớt đi nhiều. Hoạt động của trường sẽ hoàn toàn do HĐT nắm giữ và chịu trách nhiệm.
Luật GDĐH có hiệu lực thi hành với 4 nhóm chính sách mới. Đặc biệt trong đó là việc mở rộng tự chủ và nâng cao tự chủ của toàn hệ thống. Trong đó, HĐT được đề cao, phải là cơ quan quyền lực cao nhất của trường đại học, có toàn quyền quyết định về nhân sự chủ chốt (hiệu trưởng), xây dựng chiến lược phát triển của nhà trường cũng như các chủ trương đầu tư lớn.
Ảnh minh họa |
HĐT là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu (các đại học công lập), tiếp nhận quyền tự chủ từ Nhà nước để triển khai tự chủ ở các cơ sở GDĐH. Các trường sẽ có điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của mình trong tất cả các phương diện hoạt động: Học thuật, tài chính, nhân sự để phục vụ cho chính sách phát triển của nhà trường, đủ sức cạnh tranh trong toàn hệ thống và với quốc tế. Các điều khoản cũng giúp các trường tiết kiệm thời gian và giảm bớt những thủ tục hành chính khi triển khai hoạt động.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia GD, Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực thi hành sẽ là bước tạo đà cho GDĐH, là nội lực để thúc đẩy sự bứt phá và phát triển của các nhà trường. Đặc biệt, khi vai trò HĐT theo quy định mới với đầy đủ các thành phần, bộ máy này sẽ có tác động đến sự phát triển chung, không chỉ những người trong trường mà còn cả những người ngoài trường với tỷ tệ tối thiểu 30% là các nhà quản lý, nhà hoạt động xã hội, nhà khoa học, các cơ quan của tổ chức khác.
Những người này sẽ xem xét và đưa ra chiến lược hoạt động của trường sát với nhu cầu của xã hội với những điều kiện bảo đảm chất lượng của trường. HĐT sẽ là cơ quan tư vấn, giám sát hoạt động tổng thể của nhà trường đáp ứng yêu cầu đào tạo, nghiên cứu, cũng như chịu trách nhiệm trước xã hội về những quyết định của mình.
Ảnh minh họa |
Xóa rào cản tâm lý
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, để quản trị hiệu quả và nâng cao tính tự chủ thì trường đại học cần phải được tách ra khỏi cách hoạt động như một tổ chức Nhà nước mà nên được quản lý như mô hình doanh nghiệp. Nói cách khác, đó là việc tách khỏi cơ quan chủ quản và tự lực trong các hoạt động của trường với sự điều hành của HĐT.
Khi đó, vai trò của HĐT sẽ như Hội đồng quản trị; HĐT được giao mọi quyền hạn về tuyển dụng bổ nhiệm hiệu trưởng, quản trị nguồn nhân lực (tuyển dụng, đào tạo, đãi ngộ, sa thải nhân viên), chất lượng đào tạo (tuyển sinh, học phí, chất lượng giảng dạy…). HĐT với sự góp mặt của đại diện các thành phần như quy định sẽ tập trung trí lực để các trường phát triển. Được thực hiện đầy đủ cơ chế tự chủ, không còn ràng buộc nặng nề bởi cơ chế chủ quản, một hội đồng trường tốt, cùng đội ngũ cán bộ giảng viên năng động, giỏi giang sẽ là nội lực thúc đẩy phát triển.