PGS.TS Nguyễn Trọng Cơ (Giám đốc Học viện Tài chính) cho biết: “Hội thảo lần này không chỉ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học của Học viện, mà còn tăng cường mối liên kết với các tổ chức, hiệp hội nghiên cứu về tài chính công của Pháp”.
Hội thảo nêu kinh nghiệm quốc tế và thực trạng hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách nhà nước tại Việt Nam. Ảnh: An Nhiên |
Hội thảo đã giới thiệu 32 bài viết, thể hiện các quan điểm, phương pháp, nội dung và phản ánh các kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước về cơ sở khoa học, kinh nghiệm quốc tế và thực trạng hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho GD Việt Nam.
PGS.TS Nguyễn Vũ Việt (Phó Giám đốc Học viện Tài chính) nêu: “Hiệu quả và hiệu lực chi Ngân sách nhà nước cho giáo dục là yêu cầu then chốt trong quá trình đổi mới cơ chế, chính sách và quản lý tài chính trong ngành giáo dục Việt Nam. Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và đánh giá thực trạng về hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho GD là nền tảng để xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho các đề xuất, kiến nghị có giá trị đối với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, trong quá trình sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học; cải cách định mức phân bổ, cơ chế phân bổ và cơ chế quản lý chi ngân sách, nhằm đảm bảo tính hiệu lực và hiệu quả chi ngân sách Nhà nước cho GD ở Việt Nam trong giai đoạn tới”.
GS Michel Bouvier (Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Tài chính công của Pháp- FONDAFIP) tại Hội thảo. Ảnh: An Nhiên. |
Nói đến kinh nghiệm của Cộng hòa Pháp về tài trợ của nhà nước trong GD, GS Michel Bouvier (Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu Tài chính công của Pháp- FONDAFIP) chia sẻ: “Nghiên cứu và đào tạo là điều kiện không thể thiếu, là yếu tố cơ bản trong sự phát triển của mỗi quốc gia. Một chính sách không thể phát huy được hiệu quả nếu không có cơ quan chủ trì hợp lý, quyết định vấn đề chi cho thực hiện chính sách. Ngân sách nhà nước dành cho GD- ĐT phải được theo dõi cẩn thận. Ở Pháp, để quyết định được khoản ngân sách chi cho GD- ĐT phải dựa trên cơ sở và những nhiệm vụ khác nhau, từ đó cụ thể hóa thành những chương trình khác nhau. Trong đó, bao trùm lên tất cả là một chương trình tổng thể...”.
Cũng tại Hội thảo, các nhà khoa học đến từ Ban Tài chính ĐH, Ban Giáo dục thành phố, Đoàn luật sư thành phố Paris đã có những tham luận và trao đổi về chính sách, cách thức và biện pháp chi ngân sách nhà nước tại Pháp. Phía Việt Nam, các nhà khoa học cũng đã có những tham luận đi sâu vào thực trạng chi ngân sách nhà nước cho GD.
Các chuyên gia Pháp đã cung cấp nhiều kinh nghiệm về chi ngân sách nhà nước. Ảnh: An Nhiên |
Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho GD tại Việt Nam đang ở mức 20% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm. PGS.TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) phân tích: “Ở Việt Nam Bộ GD&ĐT chỉ chịu trách nhiệm phân bổ ngân sách cho các đơn vị trực thuộc Bộ. Toàn bộ ngân sách chi cho GD từ mầm non, tiểu học, THCS, đến THPT thuộc trách nhiệm, sự phân bổ của chính quyền các địa phương. Xây dựng định mức chi ngân sách cũng do địa phương thực hiện.
Bộ GD&ĐT chỉ có vai trò quyết định trong khoảng 6% trong tổng ngân sách dành cho GD, còn lại do các bộ khác hoặc địa phương quản lý chi. Ngành GD đang cố gắng chuyển từ quản lý chi ngân sách theo đầu vào sang quản lý theo kết quả đạt được. Đã có thông tư, nghị định hướng dẫn về việc “đặt hàng” cho GD và chi ngân sách theo nhiệm vụ được giao, tuy nhiên chưa được triển khai trên thực tế”.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An đánh giá: “Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam”, giai đoạn 2017- 2019 thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về khoa học giáo dục giai đoạn 2016- 2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.
Thông qua đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học trong chương trình, Bộ GD&ĐT kỳ vọng sẽ xác định được rõ những luận cứ khoa học, nhằm đề ra các giải pháp hữu hiệu, nâng cao hiệu lực hiệu quả quá trình quản lý nhà nước trong GD- ĐT. Nghiên cứu đề tài của các nhà khoa học đã góp phần cung cấp luận cứ để Bộ GD&ĐT thực hiện sửa đổi một số điều của Luật GD ĐH (đã được Quốc hội thông qua ngày 19/11/2018) và sửa đổi Luật GD- Dự án Luật GD (sửa đổi) được Quốc hội thông qua hôm nay, ngày 14/6/2019 và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020”.
Theo Thứ trưởng Lê Hải An, các báo cáo, tham luận của các nhà khoa học đến từ Cộng hòa Pháp tại Hội thảo đã đóng góp nhiều kinh nghiệm quan trọng cho Việt Nam. Đồng thời, các tham luận của những nhà khoa học Việt Nam cũng có những điểm mới, đề xuất được những giải pháp đáng chú ý trong vấn đề chi ngân sách nhà nước.
Từ hội thảo này, Bộ GD&ĐT mong muốn có thêm những luận cứ, luận chứng khoa học có tầm quốc tế trong việc đề xuất những giải pháp, những chính sách, nhằm hoàn thiện công tác tài chính trong lĩnh vực GD- ĐT, góp phần thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện lĩnh vực GD- ĐT của Việt Nam.
Học viện Tài chính được giao chủ trì đề tài “Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ở Việt Nam”. Đây là đề tài nằm trong Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”.