“Phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi; có nhiều ưu điểm hơn và nên được lựa chọn” – ông Đức chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam, đối với một số ngành nghề lao động nặng nhọc, nguy hiểm hoặc một số ngành nghề đặc thù thì nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay, hoặc quy định “mềm” hơn, tức là người lao động có thể xin nghỉ sớm hơn không quá 5 năm so với tuổi quy định trong Luật sửa đổi. Chẳng hạn như đối với đội ngũ GV, giảng viên trong ngành GD.
Cụ thể: Đối với giảng viên ĐH, đặc biệt là những giảng viên có trình độ cao, các nhà khoa học thì việc tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp, tranh thủ được năng lực, trình độ, kinh nghiệm của đội ngũ này. Có thể áp dụng việc kéo dài tuổi làm việc khoa học sau tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ này như quy định hiện nay (Điều 9, Nghị định 141/NĐ-CP ngày 24/10/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học).
Còn đối với đội ngũ GV, đặc biệt là đội ngũ GV MN, cần cân nhắc thận trọng giữa tuổi đời và tuổi nghề. Đa số GV ở độ tuổi 55 (đối với nữ), 60 tuổi (đối với nam) sức khỏe đã giảm sút nhiều, mắc nhiều bệnh nghề nghiệp như: Thanh quản, phổi, mắt, cơ - xương - khớp… Ngoài ra, họ cũng kém nhạy bén và khó triển khai áp dụng phương pháp giảng dạy mới vào thực tiễn. Vì vậy, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ gây khó khăn cho việc đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện ngành GD đang tập trung nâng cao chất lượng.
“Nếu áp dụng tuổi nghỉ hưu như đề xuất của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) thì cần có cơ chế để các GV này có thể được nghỉ hưu sớm theo nguyện vọng (không quá 5 năm so với tuổi quy định trong Luật). Riêng đối với nữ GV mầm non, do đặc thù công việc, sau 50 tuổi đã rất khó khăn cho công tác nuôi dạy trẻ. Vì vậy không nên tăng tuổi nghỉ hưu đối với đội ngũ này” – ông Vũ Minh Đức góp ý.