Từ chối dự án triệu đô, về quê hương chế tạo thuốc cho người Việt

GD&TĐ - Từ chối những dự án nghiên cứu triệu đô nơi xứ người, chị trở về Việt Nam sau thời gian du học để tiếp tục theo đuổi ước mơ của mình, tìm ra loại thuốc điều trị ung thư cho người nghèo.

Tiến sĩ Liên Phương cảm thấy hạnh phúc khi được chế tạo thuốc cho người Việt.
Tiến sĩ Liên Phương cảm thấy hạnh phúc khi được chế tạo thuốc cho người Việt.

Săn học bổng cho ước mơ du học

T.S Trần Hà Liên Phương - Giảng viên trường ĐH Quốc tế, thuộc ĐHQG TPHCM - là 1 trong 3 nữ tiến sĩ trẻ Việt Nam nhận học bổng Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học. Chị còn là tác giả của 23 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.

Sinh năm 1981, trong một gia đình trí thức nề nếp, cô gái Trần Hà Liên Phương thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp từ người thân. Tuổi thơ của chị gắn với kỷ niệm đẹp về những mái trường thân yêu ở TPHCM. 

Tốt nghiệp trường THPT Lê Hồng Phong, chị thi đậu 2 trường đại học, rồi chị chọn ngành Dược của Trường ĐH Y Dược TPHCM để bắt đầu con đường vào đời của mình. 

Từ những ngày ở giảng đường ĐH, Liên Phương đã có tiếng tích cực trong các hoạt động tập thể, một thủ lĩnh sinh viên với vai trò phó bí thư rất chịu “quậy”. Ngoài việc học, Phương sớm tự rèn luyện bản thân bằng nhiều việc, làm thêm, tham gia ngoại khóa và tích cực rèn luyện tiếng Anh. 

Tốt nghiệp ĐH loại giỏi, được nhiều công ty Dược mời về làm, nhưng chị đã gác sang một bên để săn tìm học bổng cho ước mơ được du học, được tiếp tục “đào sâu” hơn nữa về ngành dược. 

Một năm sau, ước mơ du học cũng thành hiện thực. Chị nhận được học bổng và sang học tại trường ĐH Quốc gia Kangwon (Hàn Quốc).
Vốn có gene học thuật và nghiên cứu từ ba mẹ, cộng thêm tính thích tìm tòi, Trần Hà Liên Phương rất cần mẫn, nghiêm túc trong nghiên cứu khoa học. 

Tác phong làm việc đó đã giúp chị luôn đạt kết quả tốt và được bạn bè, đặc biệt là các giáo sư ở trường đánh giá cao. Năm 2011, chị nhận bằng Tiến sĩ dược và trở về nước. 

TS Trần Hà Liên Phương (bìa trái) trong ngày nhận học bổng
TS Trần Hà Liên Phương (bìa trái) trong ngày nhận học bổng 

Mở hướng đi mới về thuốc ung thư tại Việt Nam

Nghiên cứu khoa học như giải một bài toán khó. Có thể mất một khoảng thời gian dài đến rất dài. Hiện đề tài của tôi chỉ mới dừng lại ở những kết quả bước đầu trong phòng thí nghiệm.

Tiến sĩ Liên Phương   

Đến trường ĐH Quốc tế tìm gặp TS Phương trong những ngày cuối năm, nhiều người vẫn thấy, ngoài giờ lên lớp, chị vùi đầu nghiên cứu ở phòng thí nghiệm với mong muốn đẩy nhanh dự án: “Nghiên cứu làm tăng hiệu quả điều trị ung thư bằng việc kết hợp Fucoidan và các thuốc kháng ung thư khó tan để chế tạo các hạt nano”. 

Nói về dự án thuốc ung thư mới, T.S Phương không ngần ngại chia sẻ: “Đó là hướng đi mới tại Việt Nam. Còn trên thế giới, những đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano để điều chế thuốc đã khởi động từ vài năm nay. May mắn khi tôi được Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Nha Trang hỗ trợ nguồn nguyên liệu quan trọng. Đó là Fucoidan, được chiết xuất từ tảo nâu vốn phổ biến tại các vùng biển của Việt Nam. 

Fucoidan có hiệu quả trong việc chống lại sự tạo thành và phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có công bố nào ứng dụng nguyên liệu này như một hoạt chất trị ung thư cho các hệ nano, ngoại trừ các công bố về việc nghiên cứu quy trình chiết xuất. Đó cũng là khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đầu của đề tài cần giải quyết”.

Theo chị, các thuốc điều trị ung thư hiện dùng thường có khối lượng phân tử bé, khó tan trong nước, phân bổ rộng trong cơ thể. Nên khi thuốc vào cơ thể thường bị đào thải nhanh ra khỏi hệ thống tuần hoàn máu, dẫn đến phần lớn các phân tử thuốc không thể đến được vị trí mô ung thư để điều trị và gây độc cho các tế bào khoẻ mạnh.

Chưa kể kèm theo là những tác dụng phụ, như giết chết tế bào lành. Vì vậy, việc kết hợp một thuốc khó tan và Fucoidan (loại dễ tan) để chế tạo các hạt nano được mong đợi sẽ cho hiệu quả trị ung thư tăng gấp bội và giảm thiểu các tác dụng phụ thường gặp. 

Hạt nano sẽ lái các hạt thuốc tìm đến đích, đồng thời len lỏi vào các khe hở trong cấu trúc tế bào ung thư để tiêu diệt. Một vài loại thuốc vào hạt nano thì hiệu quả điều trị càng cao” - T.S Phương nhấn mạnh. 

Theo đề án nghiên cứu của chị, việc chế tạo hạt nano mang thuốc điều trị ung thư sẽ khắc phục được các vấn đề trên. 

Mặt khác, do đặc tính cấu trúc tế bào ung thư thì hạt nano còn dễ đi đến và dễ được hấp thụ vào các tế bào này. 

“Vấn đề là cần nghiên cứu tìm cách để gắn thuốc vào các hạt nano mà không làm mất hoạt tính điều trị và làm tăng tính tan của thuốc. Nếu gắn được một vài loại thuốc vào hạt nano thì hiệu quả điều trị càng cao”, TS phương nhận định. 

Và đề tài của vị tiến sĩ trẻ cũng nhận được 100% phiếu đề cử từ Hội đồng khoa học và được Hội đồng khoa học trao học bổng nghiên cứu cấp quốc gia L’Oreal – UNESCO “Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học” vào tháng 11/2013. (Việt Nam chỉ có 3 người đạt). 

Đề tài của chị nhận được học bổng dựa trên tính hiện đại và tính khoa học của đề tài như Giáo sư Phạm Thị Trân Châu nhận xét: “Tác giả đã sử dụng nguyên liệu mới là Fucoidan là một polymer ưa nước có trong tảo nâu, có tác dụng chống ung thư để liên hợp với một thuốc chống ung thư khác không có tính ưa nước để gắn vào hạt nano. Nghiên cứu sẽ giúp tạo được hạt nano mang thuốc có lớp vỏ ưa nước nên dễ dàng tuần hoàn trong máu, do đó làm gia tăng nồng độ thuốc trong mô ung thư”. 

Thành công của hướng nghiên cứu này sẽ đóng góp một hệ trị liệu mới thật hiệu quả trong công tác điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam. Nhưng với chị, học bổng đó vừa là niềm vui, vừa là áp lực, bởi con đường nghiên cứu khoa học của bản thân vẫn còn khá non trẻ.

Ngoài kiến thức có được sau nhiều năm đèn sách, có lẽ niềm tin lớn nhất trong nghiên cứu của chị chính là nuôi dưỡng giấc mơ… con trẻ của mình.

Hạnh phúc khi được sống trên đất Việt, chế tạo thuốc cho người Việt

Từ chối dự án triệu đô, về quê hương chế tạo thuốc cho người Việt ảnh 2TS Liên Phương giản dị trong cuộc sống thường ngày 

Tốt nghiệp ra trường với tấm bằng dược sĩ, rồi học lên cao học cũng đúng chuyên ngành đã chọn trước đó, mãi đến khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc tế KangWon (Hàn Quốc), TS Phương mới chuyển hướng làm quen với khái niệm công nghệ nano trong điều chế thuốc. 

Vậy mà chỉ trong 5 năm nơi xứ người, chị đã có đến 23 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế uy tín. Và trong năm 2013, chị cũng có 2 bài gửi đăng trên Journal of Biomedical Nanotechnology. 

Với “lý lịch” đó, chị có thể được nhận vào nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm lớn, được làm việc cùng với các giáo sư uy tín. Tuy nhiên, quê hương luôn là nỗi trăn trở. Được sống ngay trên quê hương, tự tay điều chế thuốc cho người Việt bao giờ cũng tạo cho chị niềm thích thú hơn cả. Và chị đã viết thư gửi cho Giáo sư Võ Văn Tới (Trưởng khoa Kỹ thuật y sinh của trường), với mong muốn được là cộng sự của thầy.

Giờ đây, sau những giây phút vùi mình trong phòng thí nghiệm, TS Phương lại trở về bên gia đình nhỏ của mình. Chị thừa nhận, thật khó để phân chia giữa nghiên cứu khoa học và gia đình đâu là tình yêu lớn nhất. Bởi gia đình chính là động lực để chị tiếp tục hoàn thành giấc mơ tìm ra một hệ trị liệu mới thật hiệu quả trong công tác điều trị bệnh ung thư ở Việt Nam, nhất là cho những bệnh nhân nghèo.

Gặp Tiến sĩ trẻ Trần Hà Liên Phương, ít ai có thể ngờ rằng với vẻ bề ngoài khá giản dị, ít nói, nhỏ nhắn, chị lại là người để lại nhiều dấu ấn cho khoa học với thành tích nổi trội đến thế...

Hướng tới Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, kỷ niệm 70 năm xây dựng và phát triển nền giáo dục Việt Nam, bắt đầu từ 3/4/2015 đến ngày 28/8/2015, báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Vụ Thi đua Khen thưởng, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) mở chuyên mục "Gương sáng, việc hay ngành Giáo dục".

Chuyên mục nhằm giới thiệu, tôn vinh các tấm gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh, sinh viên; những điển hình tiên tiến xuất sắc tại các cơ sở giáo dục... 
 
Sau khi đăng tải trên các ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại, những tấm gương, những bài báo xuất sắc nhất sẽ được tuyển chọn vào tuyển tập sách do báo Giáo dục và Thời đại phát hành. Ban Biên tập mong muốn nhận được bài viết của các nhà báo, cộng tác viên cùng đông đảo bạn đọc. 
 
Bài, ảnh tham gia chuyên mục xin gửi về địa chỉ: thiduayeunuoc@gmail.com; hoặc: Báo Giáo dục và Thời đại, 29B Ngô Quyền, Hà Nội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ