TS.BS Phạm Lê Duy: Đường đến Quả cầu Vàng năm 2020

GD&TĐ - Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Lê Duy, giảng viên bộ môn Sinh lý, Bí thư Đoàn Khoa Y - Trường ĐH Y Dược TPHCM vừa vinh dự được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt nhận Giải thưởng“Quả Cầu Vàng” năm 2020.

TS.BS Phạm Lê Duy thường xuyêntham gia các chương trình khám bệnh từ thiện cho người dân. Ảnh: NVCC
TS.BS Phạm Lê Duy thường xuyêntham gia các chương trình khám bệnh từ thiện cho người dân. Ảnh: NVCC

Ở tuổi 33 anh đang sở hữu 25 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng và là người Việt đầu tiên trong Ban chấp hành Nhóm Thành viên trẻ của Tổ chức Dị ứng thế giới (WAO).

Hình ảnh đẹp về người bác sĩ - nhà khoa học 

Phạm Lê Duy từng đỗ thủ khoa ngành Bác sĩ đa khoa vào năm 2005, thuộc top 10 thủ khoa đầu ra Trường ĐH Y Dược TPHCM. Tốt nghiệp đại học, được giữ lại trường  làm giảng viên, anh đã chọn về giảng dạy tại bộ môn Sinh lý. Khi trường có chủ trương hỗ trợ cho các giảng viên trẻ tu nghiệp tại nước ngoài, Duy được PGS.TS Lê Thị Tuyết Lan giới thiệu cho GS Hae-Sim Park, một chuyên gia ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng tại Hàn Quốc. Và Duy được sang Hàn Quốc tham gia khóa nghiên cứu sinh tại Trường Y của Đại học Ajou.

Sau khi hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh trong 4 năm rưỡi (từ tháng 3/2012 - 8/2016), anh tiếp tục ở lại để tham gia khóa nghiên cứu hậu tiến sĩ và thực hành lâm sàng tại Khoa Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Đại học Ajou, dưới sự hướng dẫn của GS Hae-Sim Park. TS.BS Lê Duy cho biết: “Tôi theo chuyên ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng nên đã thực hiện và tham gia các nghiên cứu y sinh học phân tử để tìm ra các cơ chế bệnh sinh, các dấu ấn sinh học để chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến dị ứng và miễn dịch như hen suyễn, mày đay, viêm da cơ địa. Nghiên cứu mà tôi tâm đắc nhất là về vai trò của bạch cầu đa nhân trung tính trong bệnh hen, trong đó có vai trò của bẫy DNA ngoại bào trong cơ chế sinh bệnh học của bệnh lý hen nặng. Hiện giờ, các đồng nghiệp của tôi tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục mở rộng cho các nghiên cứu tiếp theo”.

“Tôi cảm thấy rất vinh dự và có thêm  nguồn động lực để phấn đấu nhiều hơn nữa. Áp lực duy nhất là tôi phải cố gắng là giữ hình ảnh tốt đẹp về người bác sĩ và nhà khoa học Việt Nam, cố gắng tạo sự gắn kết giữa chuyên ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng ở Việt Nam với thế giới”, TS.BS Duy chia sẻ.

Sau khi được bầu chọn vào Ban chấp hành nhóm thành viên trẻ của WAO, TS.BS Lê Duy đã giới thiệu thêm một bác sĩ Việt Nam nữa (TS.BS Trịnh Hoàng Kim Tú – Trung Tâm Y sinh Học Phân Tử, Trường ĐH Y Dược TPHCM) tham gia vào WAO. “Những cánh én nhỏ như chúng tôi có thể không làm nên được mùa xuân, nhưng chúng tôi rất mong được là những cánh én mang tin báo hiệu một mùa xuân mới cho chuyên ngành đầy hứa hẹn phát triển trong tương lai. Chúng tôi rất mong ngày càng nhiều BS Việt Nam sẽ tham gia vào các tổ chức quốc tế, cùng nhau phát triển chuyên ngành này”, TS.BS Lê Duy tâm sự.

TS.BS Phạm Lê Duy – Giảng viên, Bí thư đoàn khoa Y, Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: NVCC
TS.BS Phạm Lê Duy – Giảng viên, Bí thư đoàn khoa Y, Trường ĐH Y Dược TPHCM. Ảnh: NVCC

Truyền “lửa” đam mê 

Phạm Lê Duy luôn năng động và nhiệt huyết, hết mình trong các hoạt động Đoàn Hội từ thời sinh viên (SV) cho đến nay. Với anh, việc tham gia công tác Đoàn Hội tạo rất nhiều cơ hội thử thách để rèn luyện, phấn đấu và hoàn thiện các kỹ năng mềm, ví dụ như sắp xếp thời gian, làm việc nhóm, lãnh đạo, giao tiếp, đối phó với stress… Đó là những kỹ năng cực kỳ cần thiết cho một bác sĩ hay một nhà khoa học. TS.BS Duy cho biết thêm, chính hoạt động Đoàn – Hội đã giúp anh thấy được các thế mạnh của SV như sáng tạo, năng động, chịu học hỏi, có sức khỏe, và đặc biệt là các em rất thích được tham gia NCKH. Do đó, anh luôn khuyến khích và hỗ trợ SVtham gia  NCKH, tham gia các cuộc thi NCKH để có nhiều cơ hội học hỏi.

Không chỉ hỗ trợ, truyền lửa cho SV, TS.BS Lê Duy còn tìm cách giúp các đồng nghiệp trẻ  đến với NCKH. Anh cho biết thực tế nhiều bác sĩ, các bộ giảng dạy trẻ rất muốn làm nghiên cứu, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hoặc không biết tìm đâu ra kinh phí để thực hiện nghiên cứu của mình. Chính vì lý do đó mà Trung tâm Hỗ trợ Dự án và Đổi mới sáng tạo (GIC) của ĐH Y Dược TPHCM được thành lập gần đây, do PGS.TS Phạm Lê An là giám đốc và TS.BS Duy là một trong các thành viên, đã giúp đỡ cho các giảng viên của trường giải quyết vấn đề trên. “Tôi tin rằng trong tương lai, NCKH của Nhà trường sẽ càng ngày càng phát triển vượt bậc, đặc biệt là từ các giảng viên trẻ”, TS.BS Duy chia sẻ.

Chia sẻ về bí quyết của mình, Lê Duy cho biết: “Lựa chọn đúng những gì mình thích”. Khi học đúng ngành, đúng đam mê thì sẽ luôn có một động lực mạnh mẽ, thôi thúc mình phải phấn đấu, luôn giúp mình có một năng lượng dồi dào, giúp vượt qua các khó khăn trong quá trình học. Theo tôi, phương pháp học tốt nhất là phù hợp với bản thân nhất, không liên quan đến cũ hay mới. Cho nên, các bạn SV nên thử nghiệm và tìm ra một phương pháp phù hợp với mình nhất và bảo đảm được các chuẩn năng lực mà chương trình đào tạo yêu cầu. Riêng về Y khoa, làm việc nhóm là cực kỳ cần thiết, nên SV cần tìm cho mình một nhóm học tập để cùng nhau tiến bộ”.

Ngoài ra, để cân bằng giữa việc học và cuộc sống, SV cần tìm cho mình một cách giải trí lành mạnh, vừa giúp rèn luyện thể chất, vừa giúp phát triển trí não và các kỹ năng mềm. Các bạn có thể chơi thể thao, học một loại nhạc cụ, học vẽ, học ngoại ngữ… Tất cả những hoạt động này luôn được Đoàn Thanh Niên và Hội Sinh viên của các trường ĐH tổ chức rất nhiều”, TS.BS Lê Duy cho biết thêm.

TS.BS Phạm Lê Duy đã tham gia viết 24 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng và 1 bài báo đăng trên một tạp chí của Pháp cùng chuyên ngành. Nhờ những thành tựu NCKH, TS.BS Phạm Lê Duy là thành viên BCH nhóm thành viên trẻ WAO qua 3 nhiệm kỳ (2015 - 2017, 2017 - 2019, 2019 - 2021).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.