Trường vùng khó nỗ lực… vượt khó!

GD&TĐ - Năm học mới đã bắt đầu, tuy nhiên nhiều trường học ở vùng núi tỉnh Quảng Bình vẫn đối mặt với nỗi lo về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình học tập, giảng dạy của thầy và trò nơi đây.

Giáo viên nhiều trường học tại huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình vệ sinh trường lớp để đón Khai giảng năm học mới. Ảnh: Đăng Đức
Giáo viên nhiều trường học tại huyện miền núi Tuyên Hóa, Quảng Bình vệ sinh trường lớp để đón Khai giảng năm học mới. Ảnh: Đăng Đức

Khắc phục thiếu phòng học

Trường Tiểu học Liên Sơn (xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa) đóng ở khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt về mùa mưa lũ. Những năm qua, dù được đầu tư cơ bản về cơ sở vật chất, nhưng do tác động của thiên tai, lũ lụt khiến trường lớp nhanh chóng xuống cấp.

Năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Liên Sơn có 450 học sinh/15 lớp học. Theo lãnh đạo nhà trường, cuối năm 2020, UBND huyện Tuyên Hóa có quyết định thanh lý công trình nhà văn phòng và một dãy phòng học cấp bốn của Trường Tiểu học Liên Sơn, do bị xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn cho học sinh và giáo viên.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhà trường chưa được đầu tư kinh phí xây dựng. Do đó, trong năm học này, trường thiếu 8 phòng học và phòng chức năng so với nhu cầu dạy và học (trong đó có 7 phòng học và một văn phòng). Thiếu phòng học, nhà trường đành sử dụng tạm một nhà cấp bốn đã hết hạn sử dụng, gồm 4 phòng học.

Cô Lê Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liên Sơn cho biết, nhằm bảo đảm hoạt động dạy học trong năm học mới, khi chưa có sự đầu tư cơ sở vật chất thay thế, nhà trường tạm ghép phòng học, phòng chức năng, phòng đội và phòng y tế, thư viện làm phòng học và bố trí học 2 ca cho khối 4 và 5. Tuy nhiên, với cách sắp xếp như vậy thì có 6 lớp (khối 4 và 5) với tổng số 194 học sinh không được học 2 buổi/ngày.

Ngoài ra, theo kế hoạch tới đây, nhà trường thực hiện công tác kiểm định chất lượng và kiểm tra công nhận lại trường đạt chuẩn Quốc gia. Nếu không có 8 phòng để kịp thời thay thế 2 dãy phòng thanh lý, trường sẽ không đủ điều kiện để đề nghị kiểm tra, công nhận lại.

“Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND huyện bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ các trường. Huyện cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất đối với trường còn thiếu”, ông Phúc cho hay.

Theo ông Hoàng Văn Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), ngay từ khi kết thúc năm học, phòng đã chỉ đạo các trường học tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương để chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu năm học 2022 - 2023. Tuy nhiên, địa bàn huyện thuộc khu vực khó khăn, thiên tai khắc nghiệt nên cơ sở vật chất xuống cấp nhanh.

Một khó khăn khác ngành Giáo dục Tuyên Hóa đang đối mặt là thiếu giáo viên. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, từ năm học 2022 - 2023, Tin học - Công nghệ là môn học bắt buộc, nhưng chưa được giao biên chế giáo viên. Mặt khác, quy mô trường lớp ngày càng tăng, trong khi phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế.

“Đối với môn Tin học, hiện không có chỉ tiêu biên chế, trong khi không thể hợp đồng giáo viên. Do địa bàn xa xôi, cách trở, nên không thể điều động giáo viên từ trường này sang trường khác để dạy môn này. Chính vì vậy, theo yêu cầu dạy học, 24 trường tiểu học đều cần giáo viên Tin học”, ông Phúc bộc bạch.

Trường Tiểu học Liên Sơn có 2 dãy nhà cấp bốn vừa thanh lý nhưng chưa xây dựng nên không có phòng học, buộc phải ghép lớp. Ảnh: Đăng Đức

Trường Tiểu học Liên Sơn có 2 dãy nhà cấp bốn vừa thanh lý nhưng chưa xây dựng nên không có phòng học, buộc phải ghép lớp. Ảnh: Đăng Đức

Nỗ lực nâng cao chất lượng dạy học

Nằm ở địa bàn khó khăn nhất của huyện Tuyên Hóa, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT), Tiểu học và THCS Lâm Hóa có trường chính và 3 điểm trường tại các bản: Kè, Cáo, Chuối. Tổng số học sinh của toàn trường là 275 em.

Theo thầy Nguyễn Hữu Tâm – Hiệu trưởng Trường PTDTBT, Tiểu học và THCS Lâm Hóa, những năm qua, mặc dù được quan tâm đầu tư xây dựng trường lớp nhưng cơ sở vật chất vẫn chưa đáp ứng yêu cầu dạy học. Đặc biệt, tại điểm trường bản Chuối có hơn 70 học sinh nhưng 2 phòng học được xây dựng từ năm 1992, đến nay đang bị xuống cấp trầm trọng.

“Năm qua, nhà trường đã xin bố trí nguồn vốn để xây dựng lại, nhằm bảo đảm việc dạy học nhưng chưa được đầu tư. Nhà trường phải dựng tạm phòng để dạy học”, thầy Tâm nói và thông tin: Thực hiện chương trình mới, nhà trường nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Động viên cán bộ, giáo viên phát huy tinh thần, trách nhiệm trong giảng dạy, vận động học sinh đi học chuyên cần; quyết tâm cải thiện và nâng cao chất lượng trong năm học 2022 - 2023”.

Tương tự, tại huyện Minh Hóa, bước vào năm học mới, UBND huyện quan tâm, bố trí kinh phí cho các trường để sửa chữa cơ sở vật chất xuống cấp, mua sắm trang thiết bị tối thiểu, nhằm đáp ứng việc dạy học. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách của địa phương còn hạn hẹp nên nhiều trường vẫn gặp khó khăn, như thiếu phòng học, phòng học bộ môn, công trình vệ sinh (nhất là điểm trường ở xã Dân Hóa, Trọng Hóa). Thiết bị dạy học chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu...

Ông Đinh Tuấn Anh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Minh Hóa cho biết: “Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, phòng GD&ĐT yêu cầu cán bộ quản lý, giáo viên tham gia đầy đủ lớp tập huấn về chuyên môn do ngành tổ chức. Mặt khác, chỉ đạo các trường lựa chọn giáo viên có chuyên môn, trách nhiệm cao trực tiếp dạy lớp thay sách.

Ngoài ra, phòng GD&ĐT đã tham mưu cho UBND huyện cấp kinh phí cho các trường mua sắm mới thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình mới; tiến hành các giải pháp linh hoạt để dạy học trong điều kiện biên chế gặp nhiều khó khăn, nhất là giáo viên tiếng Anh, Tin học còn thiếu. Qua đó, phòng GD&ĐT đưa ra giải pháp dạy liên trường, liên cấp để tất cả học sinh lớp 3 đều được học môn Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ”.

“Năm học 2022 - 2023, thực hiện chủ đề: Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục đào tạo, ngành Giáo dục tiếp tục triển khai rà soát để tham mưu cho các cấp ban hành văn bản cụ thể hoá quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực GD-ĐT, nhằm tạo cơ chế chính sách cho phát triển giáo dục. Củng cố, phát triển đội ngũ giáo viên, đặc biệt giáo viên mầm non, phổ thông.

Toàn ngành tập trung cho công tác tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; hiện đại hóa hạ tầng, tăng cường tự chủ trong giáo dục, dân chủ trong môi trường học đường và thu hút các nguồn lực cho giáo dục. - Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ