Rà soát đội ngũ, cơ sở vật chất
Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ. Nhiều năm trở lại đây, huyện đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đã cơ bản đáp ứng nhiệm vụ triển khai chương trình GDPT mới tại địa bàn huyện.
Ông Phan Xuân Huy - Phó trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn chia sẻ: Trên địa bàn huyện hiện có 78 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THCS. Cơ sở vật chất trường học ngày càng được củng cố, tăng cường, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia hiện là 69, đạt 89,6%. Tỷ lệ phòng học kiên cố ngày càng được quan tâm đầu tư đúng mức, các trường có đủ cơ sở vật chất tối thiểu để duy trì việc dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được bố trí tương đối đủ về số lượng, chuẩn về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Sở và Phòng GD đã tổ chức bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý (CBQL), giáo viên về các nội dung theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, đặc biệt là giáo viên dạy lớp 3, lớp 7 việc khai thác, sử dụng sách giáo khoa mới; tập huấn xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Kiện toàn tổ giáo viên cốt cán các bộ môn của các cấp học để tổ chức sinh hoạt chuyên môn, bồi dưỡng giáo viên liên trường thực sự hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Hoạt động ngoại khóa của cô và trò Trường TH Kim Đồng (Thanh Sơn, Phú Thọ). Ảnh: Phòng GD&ĐT huyện Thanh Sơn |
“Phòng GD&ĐT đã kiểm tra, rà soát các điều kiện thực hiện nhiệm vụ năm học mới như đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhân viên, cơ sở vật chất... Đồng thời, tổ chức quán triệt, học tập và triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT, UBND huyện về thực hiện nhiệm vụ năm học.
Chỉ đạo các trường thực hiện các khoản thu, chi đầu năm học theo đúng quy định hiện hành. Các trường cấp mầm non, tiểu học, THCS thực hiện ngày tựu trường đúng quy định. Chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho việc tổ chức Lễ Khai giảng năm học mới”, ông Phan Xuân Huy nhấn mạnh.
Là trường vùng cao của huyện Thanh Sơn, Trường Tiểu học Yên Sơn 2 hiện có 3 điểm trường, trong đó, 1 điểm trung tâm và 2 điểm ở xóm Chen và Hồ, nơi xa nhất là 16km.
Chia sẻ về công tác chuẩn bị cho năm học mới, thầy giáo Nguyễn Hoài Giang- Hiệu trưởng trường tiểu học Yên Sơn 2 cho biết: Năm học 2022-2023, nhà trường đón 45 học sinh lớp 1 và được chia làm 2 lớp. Tổng số học sinh của trường trong năm nay là 238. Nhà trường đã phối hợp với ban đại diện phụ huynh, tổ chức lao động vệ sinh, dọn dẹp khuôn viên trước thềm năm học mới. Đồng thời, tham mưu với cấp quản lý để tu bổ, mua sắm trang thiết bị như máy tính, phục vụ việc học tin học.
Một tin vui đối với nhà trường là trong năm 2022, UBND huyện Thanh Sơn đã có quyết định, nhà trường được đầu tư xây dựng nhà điều hành, có phòng học, phòng chức năng, phòng học bộ môn. Tới đây, sau khi khai giảng năm học mới, dự án sẽ khởi công.
Hoạt động giữa giờ tại Trường TH Yên Sơn 2. Ảnh tư liệu |
“Đến thời điểm này, nhà trường đã cơ bản sẵn sàng tổ chức khai giảng và dạy học cho năm học mới. Trong tháng 8, trường đã tổ chức bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ thay sách phổ thông, nâng cao chất lượng kiểm tra, đánh giá học sinh. Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi tập huấn tại trường và giáo viên cũng tham gia đầy đủ các buổi tập huấn của Phòng và Sở giáo dục.
Về đội ngũ giáo viên, nhà trường đã tham mưu với Phòng Giáo dục, từ đó, Phòng tham mưu với huyện để nhà trường có đủ giáo viên triển khai chương trình GDPT mới. Hiện tại, huyện đã sắp xếp mạng lưới cán bộ quản lý giáo viên ổn định, đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định để lên lớp”, thầy giáo Nguyễn Hoài Giang thông tin thêm.
Sẵn sàng phương án
Năm học 2022-2023, Trường THPT Tam Đảo 2 có 830 học sinh, trong đó, học sinh lớp 10 là 280 em. Đây là trường THPT duy nhất của tỉnh Vĩnh Phúc nằm trên địa bàn xã miền núi. Để chuẩn bị cho năm học mới, nhất là năm đầu tiên triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 10, nhà trường, giáo viên và học sinh đã sẵn sàng với tâm thế tốt.
Học sinh Trường THPT Tam Đảo 2. Ảnh: THPT Tam Đảo 2 |
Trao đổi với Báo GD&TĐ, nhà giáo Đào Thị Thúy Hà, Hiệu trưởng trường THPT Tam Đảo 2 cho biết: Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT về triển khai Chương trình GDPT 2018, nhà trường luôn ở trong tâm thế sẵn sàng. Công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh đã chuẩn bị và triển khai từ rất sớm. Năm học này bắt đầu triển khai đối với học sinh lớp 10 thì nhà trường, giáo viên và học sinh cũng đã sẵn sàng.
Nhà trường tiến hành cho học sinh lựa chọn tổ hợp môn học. Ngoài những môn bắt buộc, đối với môn tự chọn, nhà trường đã hướng dẫn học sinh đăng ký và cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của các em.
Tuy nhiên, với chương trình mới này và so với điều kiện của nhà trường, bước đầu còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên nhưng nhà trường sẽ từng bước khắc phục qua các năm học.
“Ở năm học này, nhà trường không có học sinh đăng ký các môn tự chọn mà không có giáo viên chuyên môn giảng dạy. Tuy nhiên, về lâu dài, đối với những môn chưa có đội ngũ giáo viên như: Mỹ thuật, Âm nhạc… nhà trường đã có biện pháp tháo gỡ là phối hợp với các trường bạn để kết hợp giảng dạy khi có học sinh lựa chọn môn học”, nhà giáo Đào Thị Thúy Hà thông tin thêm.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã tổ chức đợt tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp dành cho cán bộ quản lý, giáo viên THPT trên toàn tỉnh 4 mô đun đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 4 mô đun, gồm: Hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 (6 nội dung); Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất năng lực học sinh (3 nội dung); Kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực (4 nội dung); Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục (3 nội dung).