Điểm trường vùng khó 'khoác áo mới' đón trò

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm học này, tại Điện Biên, nhiều điểm trường, lớp học ở các địa bàn vùng khó tiếp tục được đầu tư xây dựng, “tút tát” lại đẹp đẽ, khang trang hơn. Với “diện mạo” mới, thầy cô thêm tự tin, sẵn sàng đón trò.

Lễ khánh thành điểm bản Pha Ún, Trường Mầm non Xuân Lao, huyện Mường Ảng.
Lễ khánh thành điểm bản Pha Ún, Trường Mầm non Xuân Lao, huyện Mường Ảng.

Trường “mặc áo mới”, thầy cô tự tin

Nhìn lớp học mới khang trang, kiên cố, rộng lớn trước mắt, cô Lò Thị Hà, điểm trường Nậm Chan III (thuộc Trường Mầm non xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng) không giấu nổi niềm phấn khởi. Những ngày qua, trong khuôn viên điểm trường luôn nhộn nhịp bởi sự góp mặt của đông đảo phụ huynh trên địa bàn.

Theo cô Hà, bản Nậm Chan III có 79 hộ, 435 nhân khẩu, 100% là người Mông, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 95%. Mới chỉ năm trước, phòng học ở đây vẫn là nhà tạm. Diện tích chật hẹp, xung quanh lại được lắp ghép bằng tôn lâu ngày, bị hư hỏng nên công tác dạy học của cả cô và trò gặp nhiều khó khăn, hạn chế.

Dịp hè vừa qua, nhờ sự hỗ trợ của các đơn vị từ thiện Quỹ Y tế Giáo dục và Văn hóa Việt Nam (VN HEPL), điểm trường được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn, gồm: 2 phòng học, 1 phòng công vụ, với tổng kinh phí 720 triệu đồng. Ngày 15/7, điểm trường chính thức được bàn giao, đưa vào sử dụng.

“Từ đầu tháng 8, tôi có mặt ở điểm bản để vệ sinh trường lớp. Các năm trước, phụ huynh đều được huy động hỗ trợ. Song năm nay, bà con chủ động tham gia nhiệt tình, hồ hởi. Từ khi có hạ tầng mới, ngày nào người dân đi qua cũng phải ghé vào ngắm nghía. Không chỉ chúng tôi, mà phụ huynh cũng phấn khởi hơn rất nhiều. Lớp đẹp, ai cũng mong muốn cho con đến học”, cô Hà bộc bạch.

Sau khi nhận bàn giao, nhà trường huy động giáo viên cùng phụ huynh sửa chữa và hoàn thiện một số hạng mục, như: Trang trí phòng học, sân chơi, hàng rào, thiết kế các khu vực đồ chơi tự tạo ngoài trời... Đồng thời tổ chức dọn dẹp, vệ sinh, chỉnh trang bồn hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan trường lớp. “Mọi thứ đã hoàn tất, sẵn sàng đón trò tới học”, cô Hà nói.

“Để thuận tiện cho việc học tập của con em địa phương, nhà trường thực hiện đưa học sinh lớp 3, 4, 5 từ các điểm bản về trung tâm. Tuy nhiên, việc tổ chức ăn ở cho các em gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tế. Hiện còn thiếu phòng ở và công trình vệ sinh của học sinh”, cô Hường tâm sự.

Còn với cô Trịnh Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTBT Tiểu học số 2 Sá Tổng (huyện Mường Chà), năm học này đã vơi bớt nỗi lo. Cô Hường chia sẻ: Do đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, xa xôi, với 100% đồng bào Mông sinh sống, khí hậu quanh năm khắc nghiệt, nên nhiệm vụ giáo dục cũng gặp không ít rào cản.

Với nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức xã hội từ thiện, ngày 10/6, công trình nhà ở bán trú và nhà vệ sinh được khởi công xây dựng trong niềm hân hoan của tập thể sư phạm nhà trường. Với tổng kinh phí 410 triệu đồng, theo thiết kế, công trình bao gồm 3 phòng ở bán trú (rộng 75m2), khu vệ sinh (rộng 25m2).

“Đến nay, công trình cơ bản hoàn thành. Chúng tôi đang khấp khởi chờ đợi ngày khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp khai giảng này. Công trình này trước tiên giúp cho học sinh bán trú có điều kiện ăn, nghỉ, sinh hoạt tốt hơn để yên tâm học tập. Đồng thời cũng tháo gỡ một phần khó khăn lâu nay của nhà trường”, cô Hường cho hay.

Lớp học tại điểm trường Nậm Chan III, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng “khoác áo mới”, khang trang, sạch đẹp hơn.

Lớp học tại điểm trường Nậm Chan III, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng “khoác áo mới”, khang trang, sạch đẹp hơn.

Giữ “nhịp” đầu tư

Theo đại diện Phòng GD&ĐT huyện Mường chà, hàng năm đơn vị đều chủ động xây dựng kế hoạch và thực hiện mua sắm trang thiết bị, tu sửa, nâng cấp cơ sở vật chất. Dựa trên cơ sở rà soát các địa điểm, hạng mục cần sửa chữa từ trước để cân đối, bố trí từ nguồn kinh phí tiết kiệm chi đảm bảo sử dụng hiệu quả. Trong tháng 7 vừa qua, phòng đã khởi công hai hạng mục sửa chữa từ nguồn kinh phí này.

Ngoài ra, để “nhịp” đầu tư không bị gián đoạn, bên cạnh việc xây dựng lộ trình, cân đối nguồn lực, ngành đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục. Với nguồn kinh phí trên 1 tỷ đồng, nhiều điểm trường, phòng học tạm được “khoác áo mới” như: Mầm non Nậm Nèn; điểm bản Huổi Ít B, Trường PTDTBT Tiểu học Huổi Mí; PTDTBT Tiểu học số 2 Sá Tổng…

Còn tại huyện biên giới Nậm Pồ, theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT, năm học này đã “xóa” thành công phòng học tạm, tranh tre, nứa lá. Thống kê hiện toàn ngành có 770 phòng học, trong đó, 500 phòng kiên cố, 143 phòng bán kiên cố, còn lại là “3 cứng”.

“Bên cạnh việc chủ động tham mưu cho UBND huyện bố trí kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, thì kêu gọi, vận động các nguồn lực xã hội được ngành duy trì thực hiện trong cả năm. Riêng 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi huy động được hơn 1 tỷ đồng. Từ nguồn hỗ trợ có thêm 4 phòng học, 4 phòng công vụ… được đầu tư xây mới”, ông Chiến chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng theo ông Chiến, trên thực tế cơ sở vật chất ở một số trường vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, vẫn có trường phải tổ chức học 2 ca. Đặc biệt là quy mô của trường mầm non, tiểu học trong bối cảnh số lượng học sinh ngày một gia tăng nên đa phần thiếu nhà tắm, nước sạch…

“Để khắc phục vấn đề này, phòng đã và đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ. Đồng thời tham mưu cho UBND huyện phát động chương trình “Nước sạch cho em”. Phấn đấu đến hết tháng 12 sẽ khắc phục được tình trạng thiếu nước sạch và nhà vệ sinh”, ông Chiến cho hay.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, cho biết: Trước thềm năm học 2022 – 2023, thông qua các nguồn lực đầu tư, toàn ngành đã xây dựng mới được 59 phòng học, 38 phòng bộ môn, 26 phòng làm việc, 26 phòng ở nội trú, 7 phòng công vụ và gần 30 công trình phụ trợ khác. Tổng kinh phí gần 76 tỷ đồng. Qua đó, cơ bản đáp ứng việc triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng như yêu cầu dạy – học tại các nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.