Trường vùng biên dạy kiến thức cùng kỹ năng phòng dịch

GD&TĐ - Tranh thủ “thời gian vàng” của năm học, các trường biên giới Tây Bắc khẩn trương bắt tay ngay vào dạy học.

Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang đến lớp.
Học sinh Trường PTDTBT Tiểu học Na Cô Sa chấp hành nghiêm quy định đeo khẩu trang đến lớp.

Việc phòng, chống dịch bệnh cũng như kỹ năng mềm được các trường ưu tiên đặc biệt thông qua việc tận dụng triệt để thời gian trống để giáo dục học sinh.

Mỗi nhà giáo là một “tuyên truyền viên”

Năm học 2021 - 2022, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học (PTDTBT) Na Cô Sa (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, Điện Biên) có hơn 900 học sinh theo học. Trong đó, có 208 học sinh lớp 1, khoảng hơn 200 học sinh lớp 3 lần đầu về điểm trường trung tâm học tập. Ngay sau khi tựu trường, cùng với việc ổn định tổ chức, phổ biến quy chế, giáo viên toàn trường đặc biệt chú trọng đến việc trang bị kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho học sinh.

“Việc trang bị kỹ năng vệ sinh cá nhân, kiến thức phòng chống dịch bệnh được chúng tôi quán triệt, thực hiện từ ngày tựu trường. Trong khoảng thời gian từ 1 - 5/9, giáo viên được phân công phụ trách lớp sẽ lồng ghép phổ biến quy chế lớp học với việc giáo dục ý thức vệ sinh cá nhân cho học sinh. Việc quán triệt cũng khá thuận lợi vì đa số trò ở bán trú. Thầy cô tận dụng thời gian gần gũi và giáo dục mỗi ngày”, thầy Nguyễn Văn Quân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Là tổ trưởng khối 3, cô Dương Thị Kim Oanh - giáo viên chủ nhiệm lớp 3A1 cho rằng việc bảo đảm an toàn cho thầy cô và học trò là yếu tố hết sức quan trọng. Bởi vậy, ngoài việc phổ biến kiến thức phòng, chống dịch bệnh cho trẻ ở những ngày đầu, mỗi buổi sáng hoặc các buổi học, giáo viên luôn chủ động lồng ghép như để “nhắc lại” giúp trò có ý thức chấp hành.

“Vì các cháu mới ở điểm bản lẻ ra học, còn nhiều bỡ ngỡ. Do đó, chúng tôi vẫn thường xuyên nhắc nhở, rèn kỹ năng vệ sinh cá nhân. Việc làm này được thực hiện ngay ở đầu mỗi giờ học, đó là lúc các cháu đến trường, được đo thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay, đeo khẩu trang. Mỗi giáo viên đều có cuốn sổ ghi chép từng ngày. Nếu phát hiện học sinh có biểu hiện bất thường thì báo ngay cho trạm y tế xã”, cô Dương Thị Kim Oanh chia sẻ.

Học sinh các khối lớp được chia 5 người/1 tốp di chuyển đến lớp dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo viên.
Học sinh các khối lớp được chia 5 người/1 tốp di chuyển đến lớp dưới sự giám sát chặt chẽ của giáo viên.

Cơ hội vàng…

Tháng 5/2021, huyện Nậm Pồ từng là ổ dịch nguy hiểm. Do đó, hơn ai hết, giáo viên trên địa bàn huyện luôn nhận thức được mức độ ảnh hưởng để có phương án ứng phó phù hợp, bảo đảm an toàn cho học sinh.

“Ngày 6/9, buổi học đầu tiên chúng tôi bắt tay ngay vào dạy học nội dung chính của chương trình bởi kỹ năng phòng bệnh học sinh đã được trang bị từ trước đó. Khi dịch bệnh trên địa bàn đang được khống chế, kiểm soát tốt, chúng tôi tranh thủ “cơ hội vàng” này để thực hiện kế hoạch của năm học”, thầy Quân chia sẻ.

Năm học này, Trường PTDTBT Tiểu học Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) có 676 học sinh theo học. Do địa hình chia cắt, phân tán nên học sinh các lớp 1, 2, 3 được bố trí tại các điểm bản lẻ. Hầu hết, học sinh là con em đồng bào Dao, Hà Nhì, trong khi giáo viên lại đa phần là người Thái hoặc Kinh. Việc tuyên truyền ý thức phòng, chống dịch bệnh cũng như truyền thụ kiến thức với học sinh đầu cấp cũng gặp không ít khó khăn do bất đồng ngôn ngữ.

“Một số thầy cô có thể giao tiếp được với học sinh bằng tiếng địa phương. Vì thế, chúng tôi giao cho những giáo viên này kết hợp với chủ nhiệm lớp thường xuyên tuyên truyền để nâng cao ý thức cho các cháu. Ai cũng biết dịch bệnh là nguy hiểm, không tuyên truyền, không có ý thức phòng bệnh là không được”, thầy Đoàn Ngọc Hữu - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh cho hay: Vừa rồi có đơn vị đến hỗ trợ 1.000 khẩu trang cho các cháu. Xà bông, cồn khử khuẩn, nhà trường tự trang bị. Ngoài công tác phòng bệnh, chúng tôi bắt tay ngay vào giảng dạy theo đúng nội dung chương trình cũng như tinh thần chỉ đạo của Bộ và Sở GD&ĐT.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.