Trẻ lớp 1 xúng xính váy áo đến trường
Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) năm học này có hơn 400 học sinh, chủ yếu là người dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú. Các em đến từ 4 bản Trường Sơn, Tiền Tiêu, Noong Dẻ, Khánh Thành. Sáng 1/9, cùng với hơn 840 nghìn học sinh tỉnh Nghệ An, những đứa trẻ xã biên giới giáp Lào cũng được bố mẹ đưa đi tựu trường. Sau thời gian nghỉ hè, được trở lại trường gặp bạn bè, thầy cô giáo, các em học sinh vô cùng háo hức.
Cô Đặng Thị Hải Hồng - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 cho biết: Từ ngày 27/8, giáo viên toàn trường đã trả phép, tổ chức dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp sẵn sàng đón học sinh trở lại trường; đồng thời, thông tin đến từng bản để phụ huynh nhớ lịch đến lớp.
“Hôm nay, hơn 400 học sinh ở cả trường chính và điểm lẻ đều đến đông đủ. Đây là điều bất ngờ và phấn khởi với tập thể giáo viên nhà trường”, cô Hải Hồng chia sẻ. Phó Hiệu trưởng nhà trường cũng nói thêm: Theo phong tục của dân bản, chỉ những ngày lễ tết đặc biệt mới mặc váy áo truyền thống. Hôm nay, các em được bố mẹ cho mặc trang phục dân tộc, điều đó chứng tỏ cả phụ huynh, học sinh đều hồ hởi, coi trọng ngày tựu trường của con.
Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Nậm Cắn đón hơn 100 học sinh bước vào lớp 1. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng khi được cô giáo đón, dẫn vào lớp, phát sách vở mới, các em rất vui mừng. Đây cũng là khối lớp phụ huynh được mời vào lớp cùng con để lắng nghe cô giáo trò chuyện, dặn dò, chuẩn bị bước vào năm học mới. Những năm học trước, nhà trường vận động từ nhiều nguồn hỗ trợ sách giáo khoa cũ cho học sinh. Nhưng năm học này, học sinh lớp 1 phải mua sách mới để học. Đây là khoản tiền lớn đối với phụ huynh vùng biên giới, trước mắt, nhà trường đăng ký với trung tâm phát hành sách để đáp ứng việc dạy và học. Đồng thời thông báo để phụ huynh được biết thông tin và cố gắng trang bị đầy đủ cho các con.
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 2
Với học sinh từ khối 2, đã quen với trường lớp, bạn bè nhưng ngày tựu trường cũng là ngày mà các em được gặp cô giáo chủ nhiệm mới. Cô Nguyễn Thị Toàn Nhi có 14 năm dạy học ở các vùng khó khăn, biên giới của huyện Kỳ Sơn. Năm nay, cô được giao phụ trách lớp 2 tại trường chính. Trong ngày đầu tiên học sinh tới lớp, cô đã phát sách vở cũ để kiểm tra lại khả năng đọc tiếng Việt của học sinh.
“Năm học vừa rồi, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh nghỉ học hơn 3 tháng. Đối với trẻ lớp 1, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số lại càng thiệt thòi, khó khăn, trong học tiếng Việt. Vừa mới kịp quen mặt chữ, đã nghỉ học liên tục, trong khi ở bản các em lại sử dụng tiếng mẹ đẻ, không giao tiếp với người ngoài, nguy cơ không biết chữ trở lại rất cao. Dù khi đi học trở lại, các cô rất cố gắng nhưng không thể bù đắp kịp. Vì vậy, năm nay lên lớp 2, nhiều em vẫn chưa thể đọc và viết tiếng Việt trôi chảy, lưu loát. Sau khi kiểm tra thực trạng học sinh, bước vào năm học, bên cạnh dạy bài mới, tôi sẽ phải tăng cường tiếng Việt, nếu không các em sẽ không theo kịp”, cô Nhi cho biết.
Lớp học của cô Nhi còn có em Hờ Bá Giải năm nay 10 tuổi. Được biết, Giải theo bố mẹ di dịch cư tự do bên Lào. Sau Tết Canh Tý (2020), do dịch Covid-19, gia đình em quay về bản cũ tại Nậm Cắn. Nhà trường đã tạo điều kiện cho em được tiếp tục đi học, bảo đảm quyền lợi học sinh và thực hiện phổ cập giáo dục. Lãnh đạo Trường Tiểu học Nậm Cắn 1 cũng chia sẻ: Người dân nơi đây đã biết quan tâm đến việc học của con em mình. Tuy nhiên, đời sống kinh tế khó khăn, vất vả, nhiều người đi làm ăn xa, mang con theo hoặc để lại cho ông bà. Vì vậy, nhà trường có trách nhiệm quan tâm để bù đắp những thiệt thòi, thiếu thốn cho các em.