Mô hình và học sinh đều chủ động trong từng tiết học |
(GD&TĐ) - Năm học 2013 - 2014 này là năm học thứ hai Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học liên xã Đắc Pring – Đắc Pree (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) thí điểm thực hiện chương trình giáo dục mới VNEN. Những ưu điểm của môi hình trường học mới đã làm thay đổi mạnh mẽ môi trường giáo dục ở vùng cao biên giới này…
Những đổi thay thấy rõ
Với mô hình trường học mới, điều thay đổi dễ thấy đầu tiên là không gian lớp học. Khác với không gian lớp học truyền thống đơn giản trước đây, lớp học mới thực sự sinh động và phát huy tối đa tính tích cực của học sinh. Bàn ghế không kê lần lượt từ trên xuống dưới mà được sắp xếp theo nhóm gồm 4 em học sinh ngồi quay mặt vào nhau.
Mỗi lớp có “Góc Tiếng Việt” để trau dồi thêm ngôn ngữ cho học sinh dân tộc; có “Góc Tự nhiên – Xã hội” cho học sinh thoả sức sưu tập, trưng bày, khám phá thiên nhiên…
Đặc biệt trong đó có “Hộp thư chung” để các trò nêu lên những kiến nghị, đề xuất, những thông tin phản hồi để nhà trường, giáo viên cùng biết, qua đó có hướng giúp đỡ học sinh; có “Hộp thư cá nhân” để học sinh trao đổi thông tin, liên lạc với nhau, thắt chặt mối quan hệ thân thiết, cùng vươn lên trong học tập…
Ngoài ra, nhờ có mô hình này mà học sinh có ý thức học tập và tự quản cao, các em không còn ỷ lại, trông chờ vào giáo viên mà phát huy hết khả năng vốn có của mình.
Đồng thời, mỗi ngày đến trường, các em không chỉ được tiếp thu kiến thức mà còn được học về kỹ năng sống, những tiết học gần gũi, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống thường ngày, giúp các em biết tự khẳng định mình và có ý thức đoàn kết cao.
Thầy giáo Hồ Ngọc Danh – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua đánh giá sơ bộ, mô hình VNEN có nhiều ưu điểm hơn so với mô hình cũ. Giáo viên chủ động trong dạy học và phân hoá được các đối tượng học sinh, được phụ huynh đồng tình ủng hộ và cùng phối kết hợp giáo dục học sinh. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên rõ rệt”.
Cần nhiều hơn sự chủ động từ người thầy
Giáo viên và học sinh đều chủ động trong từng tiết học |
Cũng theo thầy giáo Hồ Ngọc Danh, để mô hình VNEN có chất lượng, nhà trường chủ động tuyên truyền, giới thiệu chia sẻ nội dung với cộng đồng; tiến hành xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn tổ, trường và sinh hoạt chuyên môn cụm nhằm bồi dưỡng chuyên môn và nâng cao năng lực sư phạm cho giáo viên; có kế hoạch cho đội ngũ tham quan, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các trường triển khai mô hình này.
Mặt khác, củng cố và đầu tư mới trong việc trang trí, đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục trên địa bàn nhằm hỗ trợ và phối hợp trong việc thực hiện chương trình giáo dục mới. Nhưng điều quan trọng nhất, theo thầy để phát huy triệt để những ưu điểm của mô hình trường học mới, sự chủ động từ phía người thầy là rất cần thiết.
Cô giáo ZơRâm Thị Tim cũng chia sẻ: “Ban đầu áp dụng mô hình trường học mới, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn. Vì các em học sinh còn rất bỡ ngỡ, cơ sở vật chất chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, nhờ có mô hình này mà học sinh không ngại trao đổi những vấn đề chưa hiểu và thấy tự tin hơn trong giao tiếp”.
Trong khi các địa phương vùng sâu vùng xa đang còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất; hoạt động dạy, học còn thiếu thiết bị, học sinh nhút nhát, thụ động thì mô hình Trường học mới VNEN đã đem lại luồng gió mới.
Nhiều lãnh đạo nhà trường cũng như giáo viên trực tiếp đứng lớp chia sẻ, trường học mới sẽ có tác dụng tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học và nâng cao chất lượng GD, thể hiện qua việc HS tự tin, chủ động và sáng tạo hơn trong học tập.
Mô hình Trường học mới tại Việt Nam cấp Tiểu học được Bộ GD&ĐT bắt đầu triển khai từ năm học 2011 – 2012 tại 63 tỉnh. Được thực hiện theo nguyên tắc “Lấy học sinh làm trung tâm”, các lớp học được tổ chức theo NHÓM, giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn các em. Mô hình này bước đầu đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía các nhà trường và bản thân các em HS, cho thấy đó là hướng đi đầy triển vọng của GD tiểu học nước nhà. |
Thiên Thu