Trường miền núi Thanh Hóa nỗ lực và linh hoạt ôn thi tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Chỉ còn một thời gian ngắn nữa là diễn ra kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các trường học miền núi Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch ôn thi thật linh hoạt.

Lê Thị Chuyên, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang ôn thi cho học sinh. Ảnh: TL.
Lê Thị Chuyên, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đang ôn thi cho học sinh. Ảnh: TL.

Với mục đích sớm trang bị kiến thức đầy đủ giúp học sinh đạt điểm cao tại kỳ thi, ngay từ đầu học kỳ 2, nhiều trường học ở miền núi (Thanh Hóa) đã xây dựng kế hoạch, tập trung công tác ôn thi tốt nghiệp THPT cho HS cùng chương trình học tập chính khóa.

Xây dựng kế hoạch ôn tập linh hoạt

Thầy Vũ Ngọc Liêm – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2022-2023, trường có 11 lớp 12, với tổng số 433 HS. Trong đó, có 76 HS lựa chọn tổ hợp khoa học tự nhiên và 357 em lựa chọn tổ hợp khoa học xã hội.

“Để chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho HS trước kỳ thi tốt nghiệp, ngay từ đầu tháng 2 vừa qua, nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức tăng tiết, ôn thi các môn thi tốt nghiệp, được phân chia đều đặn và linh hoạt trong các tuần. Thời gian ôn thi bắt đầu từ ngày 6/2/2022 đến hết ngày 25/5/2023, với thời lượng 15 tuần, mỗi tuần 4 buổi chiều (từ thứ 3 đến thứ 6) đối với tất các môn.

Đồng thời, với những học sinh có nguyện vọng tham gia kỳ thi riêng đánh giá năng lực, thi chứng chỉ quốc tế xét tuyển vào đại học, GV cũng có tư vấn, định hướng phù hợp để học sinh và gia đình tham khảo”, thầy Liêm cho biết.

Cũng theo thầy Liêm, việc nhà trường xây dựng ôn thi sớm, là mong muốn giúp HS hệ thống hóa lại toàn bộ kiến thức của các môn trong cả năm học. Giáo viên sẽ giúp HS giải quyết tốt những câu hỏi trong cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, rèn luyện cho HS kỹ năng phân tích đề... tránh được những lỗi cơ bản của bài thi để có những kết quả tốt nhất.

Cùng đó, GV củng cố lại kiến thức nền, tiến hành ôn tập kì thi tốt nghiệp THPT có hiệu quả. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng đáp ứng yêu cầu đổi mới trong kì thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6/2023.

Thầy Trần Doãn Cương, Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa), giáo môn Toán đang ôn thi tốt nghiệp cho HS lớp 12 A11. Ảnh: TL.

Thầy Trần Doãn Cương, Trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa), giáo môn Toán đang ôn thi tốt nghiệp cho HS lớp 12 A11. Ảnh: TL.

Ban Giám hiệu Trường THPT Ngọc Lặc giao cho GV bộ môn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức ôn thi trên cơ sở kế hoạch của Tổ, Ban chuyên môn trong nhà trường. Làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ HS để cùng nhà trường động viên, nhắc nhở, quản lí quá trình ôn tập của HS đạt hiệu quả cao nhất.

Sau mỗi giai đoạn rà soát, điều chỉnh nội dung, phương pháp và cách thức tổ chức dạy học để góp phần nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT và chất lượng thi tuyển đại học, cao đẳng năm học 2022-2023.

“GV cũng xây dựng đề cương ôn tập bám sát nội dung chương trình, bám sát cấu trúc đề thi năm 2023 và các nội dung giảm tải theo công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Tập trung nhiều vào những HS có lực học yếu- kém để bồi dưỡng cho các em. Riêng đối với các lớp chọn, GV dạy còn phải tập trung ôn tập các câu hỏi ở mức độ vận dụng cao, để bồi dưỡng đối tượng lớp mũi nhọn đạt điểm cao”, thầy Liêm thông tin.

Phân nhóm học sinh để bổ trợ kiến thức tốt hơn

Cô giáo Phạm Thị Đan, Tổ trưởng bộ môn tiếng Anh, Trường THPT Ngọc Lặc cho biết, đối với môn thi tiếng Anh của học học sinh khu vực miền núi là một “thách thức” không đơn giản. Vì vậy, nhằm giúp học sinh vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay từ đầu học kỳ 2, Tổ trưởng và các GV đã xây dựng kế hoạch, bồi dưỡng, củng cố kiến thức và tập trung ôn tập cho HS.

Theo cô Đan, để ôn thi tốt cho HS, Tổ bộ môn tiếng Anh của nhà trường đã họp bàn, thống nhất với GV bộ môn rút kinh nghiệm qua công tác tổ chức ôn tập năm 2022. Cũng có GV còn phụ thuộc hoàn toàn vào kế hoạch của tổ chuyên môn, chưa có kế hoạch bám sát phù hợp với từng nhóm HS của lớp mình dạy.

Việc soạn đề cương ôn tập còn nặng về khối lượng bài tập, GV chưa quan tâm đến việc hệ thống hóa kiến thức, sắp xếp phân loại bài tập theo hướng tăng dần mức độ yêu cầu. Có GV chỉ sử dụng chung một đề cương ôn tập cho tất cả các lớp dẫn đến chưa phù hợp cho các nhóm HS khác nhau, đặc biệt là những em có học lực yếu, kém. Các dạng bài cũng không có sự phân loại cho những học sinh có năng lực khác nhau...

Cũng theo cô Đan, mục tiêu, giải pháp, tổ chức ôn thi năm 2023 môn tiếng Anh của nhà trường, là 100% dự thi tốt nghiệp THPT sẽ không bị điểm liệt. Điểm trung bình môn thi đạt 4,56 và có ít nhất 3 HS đạt 27 điểm trở lên.

Cô và trò Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) đang ôn thi tại lớp. Ảnh: TL.

Cô và trò Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) đang ôn thi tại lớp. Ảnh: TL.

Do đó, Tổ chuyên môn tiếng Anh thống nhất xây dựng kế hoạch, đề cương ôn thi bám sát cấu trúc đề thi minh họa, đề thi thử nghiệm của Bộ GD&ĐT; sát chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục cấp THPT.

Giúp học HS tập nâng cao các mức độ thông hiểu, vận dụng kiến thức theo hướng đánh giá năng lực HS trên tinh thần phân hóa. Bám sát từng nhóm HS, đáp ứng yêu cầu của kì thi tốt nghiệp THPT.

Qua đó, các GV xây dựng hệ thống bài tập cụ thể cho từng tiết, bao gồm cả ngữ pháp, từ vựng, ngữ âm, trọng âm, giao tiếp, kết hợp bài đọc theo chủ đề bài học trong SGK của học kỳ 2.

“Để đạt được kết quả tốt, khi ôn tập, chúng tôi chia lớp thành các nhóm nhỏ theo mục đích học và lực học. Phát bài tập cho HS ở mức độ tương ứng. Kết hợp cùng GV chủ nhiệm quản lý ý thức học tập của HS.

Khuyến khích, động viên và có yêu cầu nghiêm túc để các em thật sự cố gắng. Chữa bài kết hợp kiểm tra kiến thức HS thông qua nhiều hình thức phong phú. Tổ trưởng cùng các GV trong nhóm tăng cường công tác kiểm tra, dự giờ, góp ý rút kinh nghiệm kịp thời cho GV, nắm bắt tình hình học tập của HS.

Giáo viên tự xây dựng đề thi thử cho HS của lớp dựa trên cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT: 1 bài thi/1 tháng, để giúp các em làm quen với nhiều dạng bài thi. Đồng thời, kiểm tra, đánh giá quá trình ôn tập của HS sau thời gian ôn tập...”, cô Đan chia sẻ.

Gặp khó trong ôn thi, vì thiếu giáo viên

Là trường THCS&THPT trước kia ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Bá Thước (Thanh Hóa). Từ khi xã Lũng Niêm đạt chuẩn Nông thôn mới, thì ngôi trường này cũng ra khỏi vùng khó khăn, không còn chế độ thu hút của nhà nước. Trong khí đó, hiện tại nhà trường đang thiếu tới gần 10 giáo viên, nên việc ôn thi tốt nghiệp THPT và ôn thi vào lớp 10 của nhà trường lại càng thêm vất vả.

Cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đặc thù là trường 2 cấp, nằm trong vùng khó khăn của huyện, gồm 6 xã: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Cổ Lũng và Lũng Cao. Do đó, HS của nhà trường chiếm đa số là con em đồng bào dân tộc Thái, chỉ có phần ít HS là người Mường.

“Trước kia, do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên HS đến trường cũng ít do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp. Những năm gần đây, cuộc sống của nhân dân đã có thay đổi nhiều, nên HS đến trường học chữ đã rất đông. Toàn trường hiện có gần 800 HS ở cả 2 cấp. Chất lượng giáo dục đại trà của nhà trường cũng đã nâng lên khá rõ rệt, bởi một phần HS không còn bỏ lớp, ngược lại rất chăm ngoan, học giỏi.

Học sinh Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) trong giờ ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: TL.

Học sinh Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa) trong giờ ôn thi tốt nghiệp. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của nhà trường đã, đang từng bước được đầu tư khang trang, hiện đại. Cuộc sống của GV cũng được thay đổi, nên thầy, trò nhà trường yên tâm dạy và học....”, cô Thu tâm sự.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi nêu trên, thì Trường THCS&THP Bá Thước vẫn còn khó khăn, trong đó cơ bản nhất là thiếu giáo viên. Cũng do thiếu biên chế, nên việc lên kế hoạch, bố trí người ôn thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10 là cả một vấn đề nan giải.

“Do thiếu định biên, nên nhà trường luôn động viên các thầy, cô giáo sắp xếp thời gian sao cho phù hợp để tập trung ôn thi cho HS. Đối với khối 12, do thiếu GV như: Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, GDCD, Địa lý... nên các thầy, cô giáo phải bố trí tất cả các buổi chiều trong tuần sao cho hợp lý, để tập trung ôn thi cho HS rất vất vả”, cô Thu cho hay.

“Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng năm học 2021-2022, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, Trường THCS&THPT vẫn đạt tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên 96,7% và có 1 HS đạt điểm 10 môn Lịch sử. Những năm học vừa qua, năm nào nhà trường cũng có HS giỏi đi dự thi cấp tỉnh và có giải.

Đặc biệt, năm học 2020-2021 nhà trường có giải Ba và giải Khuyến khích môn Lịch sử cấp tỉnh. Năm học 2022-2023, tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, nhà trường có 1 giải Nhì môn Địa lý của HS cấp 3, và 1 giải Khuyến khích môn GDCD của cấp 2”, cô Hà Thị Thu – Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Bá Thước (Thanh Hóa).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ